Tân Tổng thống Mỹ Biden sẽ tái lập Hạm đội 1 để kéo “bức màn sắt” khắc chế Trung Quốc?

Cập nhật: 19/01/2021

VOV.VN - Xét về mức độ an ninh chiến lược, Mỹ nếu tái lập Hạm đội 1 thì đó là mảnh ghép cuối cùng, thiết lập thành công phòng tuyến ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, từ quần đảo Aliusan đến Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan và Philippines.

Một bức màn sắt như thế nếu được dựng lên sẽ nhằm ngăn chặn các tham vọng của Bắc Kinh trong việc bành trướng ảnh hưởng.

Tầm nhìn chiến lược của hai siêu cường

Trung Quốc và Mỹ đều nhìn nhận việc tái lập Hạm đội 1 (Đệ nhất Hạm đội) là một bước đi đột phá, đánh dấu bước chuyển rất quan trọng, ảnh hưởng đến vị thế quốc gia, tình hình an ninh, quốc phòng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, có tác động mạnh mẽ đến thế cân bằng chiến lược vốn mong manh, khi  hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách giành và giữ ảnh hưởng trong thế kỷ 21.

Cách đây 150 năm, Trung Quốc và Nhật Bản có chung một xuất phát điểm, đều là một nước chậm phát triển, lạc hậu, bị các cường quốc châu Âu và Mỹ uy hiếp, phải chấp nhận ký vào các bản Hiệp ước bất bình đẳng, gây nên vết nhơ lịch sử trăm năm.

Nhật Bản là nước sớm nhìn ra hiện thực và sớm đề ra chiến lược canh tân toàn diện đất nước, áp dụng những thành tựu về khoa học kỹ thuật, mô hình dân chủ, tự do của phương Tây. Nhật Bản là nước hải đảo, không có tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực có phần hạn chế nên đã lựa chọn con đường bành trướng ảnh hưởng, xâm lược thuộc địa mang dáng dấp của chủ nghĩa đế quốc. Nhật Bản đã phát động cuộc chiến với nhà Thanh vào năm 1894 - 1895, cuộc chiến với Đế quốc Nga (1904 - 1905), tấn công, thôn tính Triều Tiên (1910), xâm chiếm Mãn Châu (1931) và tấn công Trung Quốc vào năm 1937.

Thế chiến 2 bùng nổ, trước mối nguy bao vây cấm vận đến từ Mỹ, Nhật Bản đã phát động cuộc tấn công vào Hạm đội Thái Bình Dương ở Trân Châu Cảng (1941), tấn công quân sự vào các quốc gia Đông Nam Á, buộc Mỹ tham chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc là nước đi sau, sớm áp dụng những thành tựu, kinh nghiệm phát triển kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua Mô hình phát triển Đông Á. Sau 40 năm phát triển, Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu đột phá, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có số lượng tàu chiến nhiều nhất thế giới (2020). Tuy nhiên, vì tự ái dân tộc qua thời kỳ “trăm năm ô nhục”, kết hợp với  tư tưởng Đại Hán lên cao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại chọn đúng con đường Đế quốc Nhật Bản từng đi, tức là tăng cường bành trướng ảnh hưởng, gia tăng ảnh hưởng thông qua chiến lược bẫy nợ và tăng cường sức mạnh quân sự.

Tuy nhiên, Trung Quốc rất sợ lặp lại kịch bản như Nhật Bản từng bị Mỹ bao vây, cấm vận kinh tế. Trung Quốc rất tích cực thực hiện, đẩy nhanh sáng kiến “Vành đai và Con đường”, xây dựng các căn cứ quân sự, tăng cường hợp tác quốc tế, mở ra các sáng kiến về hội nhập với các quốc gia….

Trước sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ nhìn thấy mối nguy an ninh, vị thế, tiếng nói của mình bị giảm sút ở khu vực. Từ năm 2009, Tổng thống Obama đã tích cực vận động thực hiện chiến lược chuyển trục về khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đến thời Tổng thống Trump, chiến lược chuyển trục được cụ thể hóa bằng hành động khi thiết lập một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, liên kết với các đồng minh như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ thành nhóm “Bộ tứ kim cương”.

Trong tài liệu mới giải mật về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Mỹ đã thể hiện một chính sách rõ ràng, chặn đứng tham vọng trở thành cường quốc đại dương của Trung Quốc khi Đô đốc Lưu Hoa Thanh hoạch định tầm nhìn “ba chuỗi đảo” cách đây 30 năm. Trong tầm nhìn chiến lược, Mỹ cam kết phủ nhận sự thống trị của Trung Quốc ở trên biển, trên không trong chuỗi đảo thứ nhất. Mỹ cam kết bảo vệ các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm có Đài Loan và liên kết với các nước bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất.

Nếu Mỹ thiết lập được căn cứ quân sự làm trụ sở cho Hạm đội 1 ở khu vực Đông Nam Á, đây sẽ là “mảnh ghép” cuối cùng hoàn tất phòng tuyến quan trọng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, khóa chặt mọi nỗ lực của Trung Quốc mong muốn vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất”.

Thách thức cho Tổng thống Joe Biden

Cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận thấy rõ tham vọng và mối nguy đến từ việc xuất hiện Đệ nhất hạm đội ở khu vực Đông Nam Á. Thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Joe Biden là phải thuyết phục được một quốc gia trong khu vực cho phép đặt trụ sở đóng quân của Hạm đội 1.

Vị trí đẹp nhất được nhắc đến là Singapore, được coi là mảnh ghép phù hợp nhất, chốt chặn cuối cùng của Mỹ khi đối phó lại Trung Quốc. Thời  kỳ Thế chiến 2, nhờ nắm được yết hầu quan trọng ở eo biển Malacca, Mỹ và đồng minh đã tiến hành bao vây, cấm vận được Đế quốc Nhật Bản.

Thuận lợi của Mỹ là thiết lập được quan hệ ngoại giao rất thân thiết với Singapore. Cách đây 30 năm, Singapore đã cho phép Mỹ thiết lập các căn cứ tiếp tế về hải quân và không quân. Các máy bay quân sự của Mỹ được phép cất cánh ở căn cứ không quân Paya Lebar thực hiện các nhiệm vụ tuần tra Biển Đông. Căn cứ hải quân Changi đã bắt đầu đón tiếp các tàu ngầm hạt nhân, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Năm 2019, Singapore tiếp tục phê chuẩn cho phép Mỹ được sử dụng căn cứ quân sự thêm 15 năm.

Về cơ bản, Mỹ đã thiết lập ở Singapore một trung tâm tiếp tế quân sự cho các nhiệm vụ quân sự, giám sát an ninh hàng hải ở khu vực. Nhưng để thiết lập một căn cứ quân sự làm trụ sở hoạt động của Hạm đội 1 thì câu chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Tổng thống Lý Hiển Long từng nhiều lần cảnh báo về thách thức “chọn phe” của các nước Đông Nam Á giữa cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Không những vậy, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. Do đó rất khó để Tổng thống Biden thuyết phục được Thủ tướng Lý Hiển Long, nhất là khi Hạm đội 1 có ảnh hưởng quan trọng rất lớn đến tình hình an ninh chung của khu vực.

Quốc gia thứ hai được nhắc đến là Australia, là quốc gia đồng minh đáng tin cậy, được ghi nhận qua hai cuộc Thế chiến và Chiến tranh Triều Tiên.

Trong kế hoạch chuyển trục về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã gửi 2.500 lính thủy đánh bộ đến căn cứ Darwin (2011).

Khó khăn của Mỹ khi đặt căn cứ quân sự ở Australia là ở khoảng cách từ căn cứ Darwin đến biển Đông khá dài  (khoảng 2.600 km), phải đi qua các eo biển của Indonesia, khá khó khăn cho cả một hạm đội di chuyển.

Không những vậy, Trung Quốc đã đi trước Mỹ một bước khi ký kết thành công việc thuê cảng Darwin trong vòng 99 năm (2015). Khi đó xảy ra tình huống cả hạm đội Mỹ đều nằm trong tầm mắt của Trung Quốc.

Khó khăn thứ ba đến từ chính trường Australia có chấp nhận để Mỹ thiết lập một hạm đội ở phía Bắc đất nước hay không khi Australia đang loay hoay giữa bài toán cân bằng chiến lược với Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vị trí thứ ba được Mỹ nhắm đến là căn cứ Hải quân Diego Garcia thuộc Bộ Quốc phòng Anh cho Mỹ thuê. Thuận lợi đầu tiên là căn cứ được Hải quân Mỹ sử dụng từ năm 1971, không phải lệ thuộc vào chính sách đối ngoại từ bất kỳ quốc gia nào.

Nhưng khó khăn nhất là khoảng cách rất xa từ căn cứ Diego Garcia đến khu vực Biển Đông, sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai quân nếu tình huống xung đột xây ra hoặc sẽ gây khó khăn trong công tác hậu cần, duy trì hoạt động của căn cứ.

Ý chí và sự quyết tâm trong việc tái lập Đệ nhất hạm đội là thông điệp rõ ràng nhất của Mỹ đến Trung Quốc và các nước đồng minh trong khu vực. Tổng thống Biden sẽ rất cân nhắc, tái lập Hạm đội 1 thất bại, niềm tin sẽ bị lung lay, Mỹ rất khó thực hiện các chiến lược khác. Nhưng nếu thành công, tương lai khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ rẽ sang hướng khác./.

Từ khóa: Mỹ-Trung Quốc, Hạm đội 1, cạnh tranh nước lớn, siêu cường, căn cứ quân sự, Trung Quốc, Joe Biden

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập