Tận dụng lợi thế từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm

Cập nhật: 06/07/2024

VOV.VN - Hoạt động xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2024 cần lưu ý đến các diễn biến mới của thị trường, quan tâm phổ biến thông tin đến doanh nghiệp, địa phương những nội dung quan trọng nhất của các FTA đối với thị trường trọng điểm.

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước tính của liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%. 

Xuất khẩu nửa đầu năm bắt kịp thời cơ

Hiện nay, một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đến từ kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới...

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường.

“Việt Nam mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường cũng đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Mỹ. Đối với Mỹ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục tạo ra yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế”, ông Hải nhận xét nhưng lưu ý, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn…

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đã tập trung tăng cường khai thác các FTA để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hoạt động này không chỉ tạo động lực cho xuất nhập khẩu của các vùng kinh tế, còn góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, từ đó đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Và vì thế, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hoạt động XTTM thời gian tới sẽ cần linh hoạt, đổi mới và kết hợp XTTM truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số,…

“Cục XTTM tiếp tục tăng cường truyền thông, quảng bá nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Cùng với đó nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng DN về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay”, ông Phú nhấn mạnh.

Chú trọng khai thác lợi thế từ các FTA

Từ những yếu tố thuận lợi cũng như kết quả tăng trưởng tích cực của kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2024, Bộ Công Thương nhìn nhận năm 2024 có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Để tận dụng tối đa những cơ hội này, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động XTTM, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động XTTM, kết nối DN cùng sản phẩm của DN, đặc biệt là hàng nông, thủy sản của Việt Nam, tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm mục đích tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

“Các đơn vị của Bộ Công Thương rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện XTTM trong ngắn, trung và dài hạn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành hành để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị, trong khuôn khổ của một chương trình XTTM, từ đó nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp”, ông Trần Thanh Hải nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động XTTM để phát triển thị trường trong nước và xuất - nhập khẩu, chuyển đổi số trong XTTM phù hợp với các Chiến lược, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, hoạt động xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2024 cần lưu ý đến các diễn biến mới của thị trường xuất khẩu, quan tâm phổ biến thông tin đến DN, địa phương những nội dung quan trọng nhất của các FTA với các thị trường trọng điểm.

“Hoạt động XTTM phải có trọng tâm, trọng điểm và có kế hoạch cụ thể. XTTM không chỉ đối với thị trường nước ngoài, cần phối hợp với các địa phương trong đó có liên kết vùng, liên kết khu vực và liên kết ngành nghề để đẩy mạnh hoạt động này. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ DN, địa phương trong công tác hội nhập quốc tế nói chung, XTTM nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Từ khóa: xuất khẩu, xuất khẩu,thị trường, fta, lợi thế, ngành hàng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập