Tân Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình: Quyết tâm thực hiện 4 đột phá chiến lược
Cập nhật: 04/10/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Với 4 đột phá chiến lược, Bí thư tỉnh Hòa Bình tin tưởng với sự quyết tâm, khát vọng của người dân Hòa Bình đến năm 2025, kinh tế Hòa Bình thực sự phát triển trung bình của cả nước.
Sau 3 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chiều 3/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020–2025 kết thúc thành công, tốt đẹp.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu tổng quát, trong đó, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
PV VOV.VN, phỏng vấn ông Ngô Văn Tuấn, Tân Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025 để làm rõ hơn mục tiêu này.
PV: Xin ông cho biết, để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hòa Bình gặp phải những khó khăn, thuận lợi gì?
Ông Ngô Văn Tuấn: Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII vừa kết thúc, Đại hội đã thông qua Nghị quyết với mục tiêu bao trùm, phấn đấu đến năm 2025 Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển kinh tế trung bình của cả nước.
Nói về khó khăn, tỉnh Hòa Bình xuất phát điểm là tỉnh nghèo của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 73%, tỷ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ 2015 chiếm tới 24%. Trong quá trình phấn đấu, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,36%.
Năm 2020 chúng tôi phải đương đầu với thiên tai, dịch bệnh, hạn hán và biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vạch ra các mục tiêu và phương hướng làm sao đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển kinh tế trung bình của cả nước.
Tận dụng được những thành tựu, phát huy những thế mạnh tiềm năng, trong đó Hòa Bình là cửa ngõ nối Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc. Cùng với đó, Hòa Bình có môi trường tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, du lịch và công nghiệp.
Thành tựu nổi bật mà chúng tôi cần phát huy trong nhiệm kỳ trước đặt ra, đó chính là thành tựu về phát triển kinh tế. GDP bình quân trong năm qua tăng trưởng khoảng 9%. Đến nay, GDP bình quân đầu người của tỉnh Hòa bình đạt 63,8 triệu đồng/người, vào mức trung bình của cả nước. Thực tế này tạo đà rất tốt cho chúng tôi.
Thứ hai, đó chính là phát triển nông nghiệp và tái cơ cấu cây trồng. Đây cũng là một trong những thành tích nổi bật trong thời gian vừa qua của tỉnh Hòa Bình, với tốc độ tăng trưởng 4%, cao gấp đôi bình quân cả nước.
Bên cạnh đó du lịch cũng có khởi sắc. Tỉnh Hòa Bình có nhiều khu du lịch như: Kim Bôi, Mai Châu, lòng hồ Sông Đà,...
Công nghiệp cũng có bước phát triển mới. Chúng tôi đã quy hoạch 8 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp, trong đó công nghiệp xây dựng đang chiếm trên 50% GDP của tỉnh. Đó là những nền tảng cho sự phát triển của Hòa Bình trong thời gian tới.
Tại sao chúng tôi đặt mục tiêu là đến năm 2020-2025 trở thành tỉnh phát triển trung bình. Bởi, theo Dự thảo phát triển kinh tế sắp tới trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta phấn đấu GDP bình quân đầu người của cả nước đạt 5000 USD. Tính theo thời điểm hiện tại là 115 triệu/đầu người. Hiện nay, GDP đầu người của Hòa Bình đã khoảng 64 triệu/người. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 9-10% thì tôi tin GDP đầu người của Hòa Bình đến thời điểm năm 2025 sẽ đạt được mức trung bình của cả nước.
PV: Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn không phải là ít, vậy nhiệm kỳ mới này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, thưa ông?
Ông Ngô Văn Tuấn: Giải pháp gì để đạt được, câu hỏi này chúng tôi đã nêu rất rõ trong Nghị quyết, trong đó chúng tôi tập trung vào 4 đột phá chiến lược.
Thứ nhất là về công tác quy hoạch. Quy hoạch không phải là trước chưa có, mà bây giờ chúng tôi phải nâng chất lượng quy hoạch, đảm bảo làm sao có tầm nhìn. Quan trọng nữa, sau khi có quy hoạch, phải quản lý theo đúng quy hoạch. Vì có quy hoạch tốt, quản lý quy hoạch, theo quy hoạch thì mới đảm bào mục tiêu.
Nhiệm vụ thứ hai là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn vào Hòa Bình. Hiện nay, chỉ số BCI- một trong những chỉ số đánh giá môi trường đầu tư vào Hòa Bình đang ở mức rất khiêm tốn, mức 43 của các nước.
Qua đây, chúng tôi cũng đặt mục tiêu, bình quân mỗi năm BCI tăng được 3-5%. Muốn được như vậy, phải tập trung mạnh vào cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, chúng tôi cố gắng đưa nhanh chuyển đổi số vào công tác quản lý.
Ngay tuần trước, dưới sự giúp đỡ của VNPT, chúng tôi cũng đã hoàn thiện chương trình điều hành thông minh. Đây cũng là một bước tiến rất là mới trong công tác quản lý công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Việc thứ hai, là thu hút nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi cũng có rất nhiều dấu ấn về phát triển hạ tầng. Cụ thể, tuyến đường nối Hòa Lạc- Hòa Bình, tạo đà phát triển mới cho Hòa Bình. Bên cạnh đó, còn rất nhiều công trình giao thông khác như cầu Hòa Bình 2, Hòa Bình 3, hay một loạt các tuyến đường liên tỉnh quan trọng cũng đã được hoàn thiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp, du lịch và đặc biệt là hạ tầng công nghiệp.
Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2025 thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Phấn đấu diện tích cho công nghiệp từ mức 0,4% diện tích tự nhiên đến 1% diện tích toàn tỉnh.
Đột phá chiến lược thứ 4 là phát triển nguồn nhân lực. Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bắt buộc phải đầu tư cho giáo dục, ngay từ giáo dục phổ thông, đến giáo dục nghề.
Về phát triển ngành, chúng tôi tập trung phát triển về nông nghiệp, tiếp tục phát huy thành quả của nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua, làm sao tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, hướng vào sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường theo phương châm xanh- sạch- an toàn- hiệu quả. Đây cũng là thế mạnh của Hòa Bình.
Nhắc đến Hòa Bình, không thể nhắc đến các sản phẩm nông nghiệp như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, khoai Phúc Xạ,...và rất nhiều sản phẩm khác đang cung cấp về cho thị trường Thủ đô. Chúng tôi hướng tới bám chắc thị trường Thủ đô, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của Thị trường này.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng thu hút nhà đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm của nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Các bạn cũng biết trong Lạc Thủy chúng tôi cũng có một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp xuất khẩu đang vận hành rất là tốt.
Về công nghiệp, chúng tôi đầu tư mạnh mẽ vào thu hút công nghiệp. Để tăng trưởng 9%/ năm, chúng tôi cần khoảng 50-53% tổng vốn đầu tư xã hội. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào đầu tư công thì không giải quyết được vấn đề, chỉ còn cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Hòa Bình.
Về du lịch, trong Nghị quyết cũng đã nêu rõ, tập trung vào 3 khu vực. Thứ nhất là lòng hồ Sông Đà, tạo thành một điểm nhấn để thu hút nhu cầu đầu tư vùng Thủ đô, vùng Bắc Bộ. Thứ hai, phát triển khu Kim Bôi với các suối nước nóng nổi tiếng cho nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng ở Mai Châu và một số điểm khác.
Định hướng như vậy, tôi tin với sự quyết tâm, khát vọng của người dân Hòa Bình đến năm 2025, kinh tế Hòa Bình thực sự phát triển trung bình của cả nước. Trên đà đấy sẽ đạt được các mục tiêu Đại hội đã đề ra cho 2030 và 2045, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của cả nước trình tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
PV: Đảng bộ tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, của người đứng đầu các cấp, sớm đưa Nghị quyết Đại hộ Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Văn Tuấn: Câu hỏi này cũng rất thú vị, với quyết tâm rất cao, sau khi Đại hội kết thúc, chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thiện 11 chương trình hành động, làm sao để triển khi Nghị quyết vào cuộc sống, trong đó, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính liên quan đến con người.
Về vấn đề này, văn kiện của Đảng ta đã nói, phát triển văn hóa là nền tảng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ là then chốt của then chốt.
Chính vì thế mà trước, trong Đại hội chúng tôi rất chú ý đến xây dựng đội ngũ cán bộ, làm sao ngang tầm với nhiệm vụ.
Để làm được việc đó, chúng tôi cũng bám sát vào chỉ đạo của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương. Cụ thể là Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, và Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương. Làm sao lựa chọn đội ngũ Ban Chấp hành vừa hồng, vừa chuyên, vừa có tâm, có tầm, gánh vác được trọng trách mà Đảng bộ và nhân dân Hòa Bình kỳ vọng.
Như vậy, sau quy trình 5 bước mà Bộ Chính trị đã duyệt, Đại hội đã bầu được Ban Chấp hành khóa mới gồm 52 đồng chí. Trong đó có chất lượng đảm bảo, cơ cấu hợp lý. Nét nổi bật nữa là năm nay, tỷ lệ cán bộ nữ của tỉnh Hòa Bình trong Ban Chấp hành đạt tới 18%, cán bộ trẻ đạt 12%, cán bộ người dân tộc đạt 67%. Với bộ máy như vậy, chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân Hòa Bình đạt được mục tiêu Đại hội đặt ra.
PV: Xin chân thành cảm ơn Bí thư./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN