Tại sao các trường hợp nghi mắc F2, F3... có thể cách ly tại nhà?
Cập nhật: 11/03/2020
Hà Nội: Cần cơ chế cho không gian sáng tạo nghệ thuật phát triển (28/11/2024)
Liên kết tạo đầu ra bền vững cho nông sản miền núi tỉnh Khánh Hòa (27/11/2024)
VOV.VN -Với những trường hợp cách ly tại nhà, nếu mắc Covid-19, nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh là rất thấp nếu không có sự tiếp xúc gần.
Theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp mắc Covid-19 được coi là F0, những người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người mắc được gọi là F1. Tiếp đến, những người có tiếp xúc gần với F1 gọi là F2, tiếp xúc gần với F2 là F3 và các trường hợp tiếp xúc gần khác là F4, F5,...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, theo quy định của Bộ Y tế, khi đã tiếp xúc gần (trò chuyện, ăn uống chung,...) với những trường hợp F0, F1, F2, người dân mới cần lo ngại và phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần, trực tiếp với các ca mắc Covid-19 cần cách ly tại cơ sở y tế.
Lực lượng chức năng vẫn thường xuyên phun khử trùng bên trong và xung quanh khu vực cách ly. |
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, những trường hợp F1, F2, F3 có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau và đều được khuyến cáo nên báo cho cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện cách ly. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F2, F3 có thể chủ động cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Khi đó, việc tự cách ly của các trường hợp F2, F3 phải được giám sát bởi y tế cơ sở để đảm bảo người tự cách ly không rời khỏi nơi cư trú.
“Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ đến đo sức khỏe 2 lần. Người dân sống trong khu vực bắt buộc phải hạn chế tiếp xúc với những người đang cách ly. Việc cách ly tại nhà và cách ly tập trung hiện đều đảm bảo an toàn cho những khu vực xung quanh”- ông Phu cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với những trường hợp cách ly tại nhà, ngay cả khi mắc bệnh, nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh là rất thấp nếu không có sự tiếp xúc gần. Do đó, người dân không cần lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp F2, F3 đang tự cách ly.
“Trong trường hợp khu vực lưu trú có trường hợp phải cách ly tại nhà, người dân nên giữ thái độ bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như sát khuẩn, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,… Thay vì hoang mang, lo lắng không cần thiết, người dân hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình. Đó là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”- PGS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), mỗi người dân khi tiếp xúc với các ca mắc Covid-19 hoặc đi về từ vùng dịch cần phải khai báo với các cơ quan chức năng để có các biện pháp cách ly, hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng. “Chủ trương của phòng chống dịch bệnh là chủ động ngăn ngừa, phát hiện sớm, cách ly sớm, khoanh vùng và dập dịch. Khi 1 cá nhân mắc, chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát nhưng khi nhiều người mắc, tốc độ lây lan nhanh, rộng sẽ khiến dịch bệnh càng ngày càng khó kiểm soát”- ông Nguyễn Đình Anh cho biết.
Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chi tiết cho việc cách ly tại nhà. Theo đó, người được cách ly tốt nhất ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng. Người cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú. Tự đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, ghi vào phiếu theo dõi do nhân viên y tế phát. Nếu có một trong các dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần báo ngay cho nhân viên y tế./.
Từ khóa: Covid 19, cách ly, tiếp xúc với ca mắc Covid, đi về từ vùng dịch, cách ly tại nhà
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN