Sức mạnh tên lửa Bulava - xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân Nga
Cập nhật: 16/05/2024
Bản du lịch Sin Suối Hồ và dấu ấn của tình quân - dân
Các tàu Vùng 3 Hải quân rời bến làm nhiệm vụ trực biển trong dịp Tết Nguyên đán
VOV.VN - Tên lửa RSM-56 Bulava là thành phần quan trọng trong sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược của Nga và là nền tảng cho khả năng hạt nhân của Hải quân.
Tên lửa phóng từ tàu ngầm Bulava đã được quân đội Nga đưa vào biên chế, ông Yury Solomonov, nhà phát triển tên lửa huyền thoại người Nga và tổng công trình sư của Viện Công nghệ Nhiệt Moskva (MITT), cơ quan phụ trách phát triển tên lửa Bulava, xác nhận.
“Sắc lệnh chấp nhận biên chế hệ thống tên lửa Bulava đã được ký hôm 7/5”, ông Solomonov nói với truyền thông Nga hôm 14/5.
Bulava là tên lửa nhiên liệu rắn ba tầng nặng 36,8 tấn với tầm bắn ít nhất 9.300 km, có thể mang theo từ 6-10 đầu đạn tấn công đa mục tiêu độc lập có khả năng hạt nhân (MIRV), mỗi phương tiện có sức nổ từ 100-150 kiloton. Ngoài ra, tên lửa có thể phóng tới 40 mồi nhử để làm choáng ngợp hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. MIRV tăng tốc tới tốc độ siêu thanh trong khi bay và có khả năng cơ động khiến chúng cực kỳ khó bị đánh chặn.
Tên lửa Bulava hoạt động theo cơ chế ba giai đoạn phóng. Hai giai đoạn đầu sử dụng nhiên liệu rắn, giai đoạn cuối dùng nhiên liệu lỏng để tăng tính cơ động trong quá trình tách đầu đạn. Tên lửa có thể phóng ở góc nghiêng, cho phép tàu ngầm khai hỏa khi di chuyển.
Rủi ro đối với kẻ thù tiềm tàng là Bulava có thể phóng từ ngoài biển, trên các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei và Borei-A. Những tàu ngầm này ẩn nấp dưới lòng biển sâu, tại các địa điểm tuần tra bí mật và phóng tên lửa từ dưới nước, khiến việc tấn công phủ đầu và phá hủy chúng một cách bất ngờ là bất khả thi. Mỗi tàu ngầm có thể mang theo 16 tên lửa Bulava.
Quá trình phát triển tên lửa Bulava bắt đầu vào năm 1998 sau khi chương trình tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) R-39M Bark bị hủy bỏ sau một loạt thử nghiệm thất bại.
Nhiệm vụ tạo ra tên lửa chiến lược mới được giao cho Solomonov, một huyền thoại thiết kế tên lửa của Nga và MITT – cơ quan phát triển tên lửa chiến lược hàng đầu của Nga nổi tiếng với loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol, Topol-M và Yars.
Việc tạo ra Bulava bắt đầu vào thời điểm ngành công nghiệp quốc phòng của Nga ở trong tình trạng tồi tệ nhất. Sự tan rã của Liên Xô chưa đầy 10 năm trước đó khiến lĩnh vực quốc phòng mất nhiều khoản tài trợ, những bộ óc khoa học lỗi lạc cung như khả năng phối hợp với các viện nghiên cứu và nhà sản xuất quốc phòng ở các nước cộng hòa hậu Xô Viết khác.
Bulava ban đầu được phát triển theo định hướng trở thành mẫu tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn có thể triển khai từ các bệ phóng trên mặt đất cũng như tàu ngầm, nhằm tiết kiệm chi phí nghiên cứu và vận hành.
Định hướng này đã được chứng minh là không thể và các nhà thiết kế phải bắt tay vào việc tạo ra một SLBM mới gần như từ đầu.
Quá trình phát triển Bulava gặp nhiều trở ngại do một loạt vấn đề ban đầu. Cuộc thử nghiệm dưới nước năm 2005 diễn ra thành công, nhưng sau đó là một chuỗi thất bại trong suốt 3 năm do các vấn đề về phần mềm, lỗi sản xuất và các vấn đề khác dẫn đến việc tên lửa tự hủy, lệch hướng và hành trình bay không ổn định.
Nhà thiết kế tên lửa Solomonov cho rằng những thất bại này là do vật liệu kém chất lượng, thiếu thiết bị sản xuất, kiểm soát chất lượng kém hiệu quả, thiếu kinh phí và thiếu một loạt linh kiện không còn được sản xuất ở Nga. Việc tái tổ chức quốc phòng vào năm 2009 đã mang lại một sự thay đổi rõ rệt, các cuộc thử nghiệm từ năm 2010-2012 diễn ra thành công và tên lửa được đưa vào sử dụng thử nghiệm từ tháng 1/2013.
Các vụ phóng thử tiếp tục được thực hiện trong thập kỷ tiếp theo và đến cuối năm 2022, khoảng 40 vụ phóng tên lửa Bulava đã được tiến hành để đảm bảo độ tin cậy và độ chính xác của tên lửa.
Tháng 11/2023, Nga phóng thử tên lửa Bulava từ tàu ngầm Emperor Alexander III. Cuộc thử nghiệm diễn ra thành công khi tên lửa chiến lược được phóng từ Bạch Hải ngoài khơi Tây Bắc nước Nga, đánh trúng mục tiêu tại bãi tập Kura ở Kamchatka, cách điểm phóng hàng nghìn km.
Các tàu ngầm lớp Borei và tên lửa Bulava sẽ đóng vai trò là xương sống của thành phần hải quân trong bộ ba hạt nhân của Nga, giúp đảm bảo sự cân bằng chiến lược với Mỹ trong nửa sau của thế kỷ 21. Ngoài Bulava, Hải quân Nga còn vận hành tên lửa Sineva, trang bị cho các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp Delfin và Kalmar.
Nga đưa tên lửa Bulava vào biên chế trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và phương Tây đang gia tăng.
Không giống như học thuyết hạt nhân của Mỹ, cho phép Washington sử dụng khả năng răn đe hạt nhân để phủ đầu và cả khi chống lại các đối thủ không có vũ trang hạt nhân, Nga cam kết không sử dụng lực lượng hạt nhân của mình trừ khi phải đối mặt với một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc một hành động tấn công thông thường nhưng nghiêm trọng đến mức nó đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.
Từ khóa: tên lửa Bulava, sức mạnh răn đe hạt nhân Nga, hải quân nga, tàu ngầm hạt nhân Nga, tàu ngầm Emperor Alexander III
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN