Sửa đổi Thông tư 01, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp
Cập nhật: 02/07/2020
Kinh tế Việt Nam năm 2024 trở thành điểm sáng tăng trưởng trong khu vực
Nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 (6/1/2025)
VOV.VN - Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi Thông tư 01 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Khánh Hòa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Toàn tỉnh có hơn 7.000 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, dư nợ gần 28.000 tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ cho vay toàn địa bàn. Trong đó, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất với dư nợ hơn 8.200 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch. Theo đó, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho gần 1.000 khách hàng gặp khó khăn, với dư nợ hơn 4.200 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho hơn 100 khách hàng, dư nợ hơn 500 tỷ đồng.
Ông Lương Phan Sản, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam- Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đến nay, hầu hết các khách hàng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đã được gia hạn thời gian trả nợ từ 3-12 tháng, đồng thời, đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nay chỉ từ 4- 6%.
Nhiều khách sạn ở Nha Trang, Khánh Hoà đóng cửa, người lao động bị mất việc do dịch bệnh Covid-19. |
“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp khó khăn bao nhiêu thì ngân hàng cũng khó khăn bấy nhiêu. Chứ không phải là ngân hàng không khó khăn. Ở đây chúng ta đồng hành và chia sẻ với nhau. Khách hàng mạnh, ngân hàng mạnh thì mới mạnh được, chứ chúng ta không đồng hành, chỉ một phía thì cũng sẽ khó” - ông Lương Phan Sản nói.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, chỉ được gia hạn nợ, gia hạn lãi đến 30/6, trong khi đó, việc khôi phục sản xuất kinh doanh lại đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch, một số khách sạn đã mở cửa trở lại đón khách nội địa nhưng công suất phòng chỉ đạt từ 5%-10%, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 50.000 phòng khách sạn, trong khi khách quốc tế- nguồn thu chính của du lịch địa phương, chưa biết khi nào trở lại. Tham gia đối thoại với Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp mong muốn các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất, kéo dài thời cơ cấu nợ, giãn nợ, cho vay mới với lãi suất thấp.
Theo ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang- Khánh Hòa, dịch bệnh Covid-19 đã làm ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa tê liệt, doanh thu giảm sút chưa bằng 50% so với năm 2019.
“Cho phép giãn nợ và giãn thêm nữa, nợ gốc cũng như nợ lãi, kéo tối thiểu đến tháng 6/2021, đặc biệt là phần lãi. Căn hộ du lịch chúng tôi làm ra được, bây giờ cũng không có người mua. Khách sạn cũng không có khách. Bởi vậy không có nguồn thu để có dòng tiền. Không đủ để trả lương, lấy đâu ra tiền để trả lãi cho ngân hàng” - ông Vũ Văn Hải cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh, xác lập trạng thái bình thường mới trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá... chủ động, linh hoạt, phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng ổn định và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau đại dịch.
Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước chủ trì sửa đổi Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; dự kiến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết năm 2020.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều này phù hợp với thực tế khó khăn của doanh nghiệp thay vì quy định 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch; đồng thời, sẽ mở rộng áp dụng hỗ trợ cho tất cả các khoản giải ngân của khách hàng, kế cả sau ngày 23/1/2020.
“Ngành ngân hàng sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các tổ chức tín dụng. Đại dịch Covid-19 chúng ta cũng chưa biết được diễn biến đến bao giờ sẽ kết thúc, cho nên, điều chỉnh lần này, cũng sẽ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài hơn sẽ có những tham mưu để điều chỉnh cho nó phù hợp” - bà Nguyễn Thị Hồng nêu rõ./.
Từ khóa: Thông tư 01, Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN