Sự tận tâm, tử tế tạo nên sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân Covid-19
Cập nhật: 10/06/2020
VOV.VN -Đến thời điểm này, có thể tự hào rằng, điều “kỳ diệu” trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đang hiện hữu, bởi chúng ta đã nỗ lực tất cả sức mạnh của từng cá nhân, cả xã hội bằng chính sự tận tâm và lòng tử tế
Trong những ngày qua, sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân 91- phi công người Anh được dư luận quan tâm theo dõi. Hiện tại, sau 6 ngày ngừng ECMO, phi công người Anh - BN 91, hiện tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ tay 4/5, sức cơ chân 2/5 (trước đó sức cơ tay là 3/5 và sức cơ chân là 1/5). Đặc biệt, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, đung đưa cả hai chân. Đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, dẫu bệnh nhân vẫn còn nặng, cần có sự theo dõi và điều trị tiếp, nhưng sự hồi phục của bệnh nhân so với những bệnh lý và sức khỏe của người bệnh có thể được coi là sự hồi phục “thần kỳ”. Trước đó, bệnh nhân chỉ có 10% phổi hoạt động và đã được hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ định ghép phổi. Tuy nhiên với sự hồi phục “kỳ diệu”, phổi bệnh nhân đã phục hồi được gần 60%. Đến thời diểm này, các bác sỹ cho rằng, phương án ghép phổi được đưa ra trước đây để có thể là một trong những giải pháp chính để “cứu” bệnh nhân, hiện đã có khả năng trở thành phương án dự phòng...
Sau 83 ngày điều trị, hiện bệnh nhân 91 là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta, đến hôm nay những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như lời động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia để tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân 91 nói riêng và những người mắc Covid-19 nói chung.
Cũng tính đến hôm nay, là ngày thứ 55 Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Và cũng tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 332 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 317 ca đã được chữa khỏi (chiếm 95,5%), hiện chỉ còn 15 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Những hình ảnh mới nhất cho thấy bệnh nhân 91 đã có thể ngồi dậy, đung đưa chân, bắt đầu tập ăn qua đường tiêu hóa (Ảnh cắt từ clip) |
Có thể nói, đến thời điểm này, những kết quả đạt được trong việc kiểm soát, phòng chống Covid-19 của Việt Nam rất đáng tự hào. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ấn tượng và đánh giá cao Việt Nam, đồng thời mong muốn được chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển.
Để có được những kết quả đó, là sự cố gắng không ngừng nghỉ của từng người dân và toàn xã hội, các cơ quan, ban ngành từ địa phương tới Trung ương, là quyết tâm cao độ của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, là sự nỗ lực, hy sinh của đội ngũ y bác sỹ, những chiến sỹ tuyến đầu trên mặt trận chống Covid-19.
Trước hết phải kể đến sự hy sinh của đội ngũ y bác sỹ, những lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch. Đó là những đêm các bác sỹ, chiến sĩ nằm chiếu, thậm chí bìa cát tông ra ngoài trời tranh thủ chợp mắt để nhường chỗ cho những người về cách ly. Đó là những bữa cơm ăn vội ở góc đường, là những ngày “ăn rừng, ngủ núi” dồn sức cho nhiệm vụ chống dịch.
Đó là những người cha, người mẹ bác sĩ, chiến sĩ ròng rã cả tháng trời cách ly trong bệnh viện để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19. Họ phải xa con nhỏ, xa gia đình trong lúc dịch dã hoành hành, không biết người thân xoay sở như thế nào khi vắng mình.
Đó là những giọt nước mắt của những bác sĩ khi họ phải cầu xin điều nhỏ nhặt rằng “khó khăn vất vả thế nào chúng tôi cũng chịu được, chỉ xin không kỳ thị chúng tôi và người thân của chúng tôi”.
Đó là những người lính không về được trong lần cuối tiễn đưa cha mình về nơi an nghỉ cuối cùng, bởi nhiệm vụ chống dịch không cho phép bất cứ ai được lơ là. Tất cả đồng đội, chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận “chống giặc” Covid-19 như họ, ai cũng đang hy sinh theo những cách khác nhau. Vì thế, nếu có một ai đó chùn bước sẽ khiến cho sự cố gắng của tất cả trở nên vô nghĩa.
Đó là sự hy sinh của cả xã hội khi đồng lòng tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, sẵn sàng “giãn cách xã hội”, sẵn sàng đóng cửa hàng quán, sẵn sàng nghỉ việc dù đây là “cần câu cơm” của cả gia đình họ.
Đó là sự chia sẻ của cộng đồng với những người nghèo khổ, gặp khó khăn trong đại dịch. Đã có hàng trăm ngàn người được hỗ trợ gạo, lương thực, thực phẩm từ các ATM gạo, siêu thị o đồng ở khắp nơi trong cả nước. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong những ngày xảy ra đại dịch.
Thật cảm động khi có những bà mẹ ngoài 90 vẫn ngày đêm miệt mài may khẩu trang tặng người nghèo, những cháu bé dùng toàn bộ số tiền nuôi lợn đất để mua khẩu trang, nước sát khuẩn tặng người nghèo. Hay hình ảnh những cháu bé chỉ học Tiểu học nhưng đã biết chia sẻ với những túi gạo vài kg đem đến góp vào cây ATM gạo. Và khi hạt gạo đến tay những người nghèo khó, có người đã khóc bởi “số gạo này cứu đói gia đình chúng tôi trong nhiều ngày”.
Đó là sự quyết tâm của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước khi khẳng định “sức khỏe của người dân là trên hết, dù phải hy sinh lợi ích kinh tế”. Và không chỉ bằng lời nói, những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã có những hành động cụ thể, thiết thực tạo được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Tất cả những khuyến cáo, quy định đưa ra trong phòng chống dịch đều được người dân thực hiện một cách tự nguyện, với ý thức phòng tránh dịch cho bản thân và toàn xã hội.
Đến bây giờ, sau 55 ngày trong nước dù không xảy ra ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, nhưng tất cả người dân vẫn không hề lơ là, chủ quan, tự giác tuân thủ các quy định của Chính phủ và địa phương. Bởi ai cũng hiểu sự khổ cực, vất vả, kể cả hy sinh về vật chất và tinh thần, thậm chí con người lớn thế nào để có được ngày hôm nay.
Và không ngạc nhiên khi nhiều Việt kiều, người nước ngoài, du học sinh về trong nước cách ly hay chữa trị Covid-19 đều cảm động trước sự nhiệt tình, chu đáo của đội ngũ những người phục vụ trong nước. Có những người nước ngoài khi ra khỏi khu cách ly không khỏi xúc động “ước gì có thể cám ơn họ nhiều hơn, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên tôi không diễn đạt được. Với cường độ làm việc như vậy, chắn chắn họ phải rất mệt nhưng họ không bao giờ tỏ ra mệt mỏi. Sự tận tâm, chu đáo của họ đã giữ cho Trung tâm trật tự và bình tĩnh trong khi ai cũng lo lắng về dịch”.
Hay những bệnh nhân như 2 bố con người Trung Quốc, vợ chồng bệnh nhân người Anh khi khỏi bệnh về nước đã gửi lại những tình cảm lưu luyến, cảm phục đối với đội ngũ y bác sỹ Việt Nam “Hãy cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam, những người đã dang tay giúp đỡ khi chúng ta gặp nạn. Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho chúng ta bằng tất cả sức mạnh và sau cùng đã giúp chúng ta khỏi bệnh. Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam”.
Đến thời điểm này có thể tự hào rằng, những điều “kỳ diệu” trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đang hiện hữu bằng những minh chứng cụ thể, bằng sự nỗ lực của từng cá nhân, cả xã hội và trên hết bằng chính sự tận tâm và lòng tử tế của con người./.
Từ khóa: sự tận tâm, tử tế, hồi phục “diệu kỳ”, bệnh nhân 91, phi công người Anh
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN