Sứ mệnh tiên phong của đội ngũ nhà báo trong chống dịch Covid -19

Cập nhật: 24/09/2021

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cũng như các y, bác sĩ, công an, chiến sĩ, phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch. Nhằm động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo ngày đêm dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19” vào ngày 18/9.

Dấn thân để tác phẩm mang “hơi thở cuộc sống”

Khán giả truyền hình xem bộ phim tài liệu “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư có lẽ ai cũng cảm thấy ám ảnh về sự tàn khốc của dịch bệnh Covid-19. Để có được những hình ảnh chân thực đó, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã có chuyến công tác kéo dài 21 ngày vào TP.HCM, và phần lớn thời gian anh tác nghiệp tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương - nơi điều trị cho những sản phụ bị nhiễm Covid-19. Biết là thường xuyên tiếp xúc với F0 rất dễ bị lây nhiễm, đạo diễn đã chuẩn bị sẵn kế hoạch nếu chẳng may bị lây nhiễm, phải vào khu cách ly, anh sẽ làm hậu kỳ cho bộ phim. Trong một bài trả lời phỏng vấn, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã chia sẻ: “Tôi tự ý thức có trách nhiệm với nghề nghiệp, bởi từ vị trí một phóng viên, đạo diễn, tôi nghĩ mình phải xông pha, truyền tải những cái mình cần truyền tải nhất gửi tới khán giả”.

Cũng giống như đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, lực lượng phóng viên, biên tập viên ở các báo, đài luôn sẵn sàng dấn thân để hoàn thành công việc. Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang vào tháng 5 vừa qua, nhà báo Quang Minh, phóng viên Đài PT-TH Bắc Giang đã tác nghiệp lăn xả. Tại buổi tọa đàm anh chia sẻ, trong khó khăn nguy hiểm, anh càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chuyển tải đến độc giả những thông tin nóng hổi về dịch bệnh để người dân cả nước hiểu đúng, hiểu đủ về tình hình dịch bệnh đang diễn ra như thế nào tại đây.

Nhóm phóng viên VOV TP.HCM tác nghiệp tại viện Pasteur TP.HCM

Theo nhà báo Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang: “Bắc Giang chiến thắng dịch bệnh vì cách giải quyết công việc rất dứt khoát: thần tốc truy vết, thần tốc xét nghiệm, thần tốc khoanh vùng, thần tốc cách ly… và phương châm hoạt động của chúng tôi khi đó là công tác tuyên truyền cũng phải thần tốc theo. Trong tổ chức kế hoạch tuyên truyền, chúng tôi thấy, nếu làm kế hoạch không tốt thì hiệu quả tuyên truyền sẽ không cao. Do đó, chúng tôi lên kế hoạch hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Phóng viên, nhóm phóng viên, phòng, ban phải có trách nhiệm đề xuất đề tài. Trên cơ sở đó, Ban biên tập quyết định lựa chọn nội dung nào để triển khai thực hiện theo ngày, thậm chí theo giờ. Và khi đã phân công công việc, đội ngũ PV, BTV không ai ngại khó, ngại khổ, thậm chí nguy hiểm, sẵn sàng dấn thân để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh niên cho biết, trong đợt dịch này, Báo Thanh niên có 25 người trở thành F0, trong đó 1/3 là lực lượng phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Có phóng viên nữ của báo đã xung phong làm tình nguyện viên 1 tháng tại Bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức và bị lây nhiễm. Vượt qua những khó khăn đó, Báo Thanh niên vẫn nỗ lực đưa đến bạn đọc những tin, bài chất lượng.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ phóng viên, nhà báo trong công tác chống dịch Covid-19 đã thể hiện sứ mệnh tiên phong của đội ngũ nhà báo trong công tác chống dịch Covid-19. Qua các tác phẩm báo chí, nhân dân cả nước cảm thấu sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, giành giật mạng sống cho từng người dân, đồng thời cũng thấy được tinh thần dấn thân, cống hiến của đội ngũ những nhà báo, họ đã đồng hành, sát cánh bên những y, bác sĩ, bên những người bệnh để có những thước phim, tư liệu chân thực nhất về cuộc chiến sinh tử chống Covid-19.

Cần có chính sách hỗ trợ báo chí

Trong những đợt dịch cao điểm chống dịch Covid-19 trong khi không ít hoạt động kinh doanh, sản xuất phải ngừng lại, nhưng các toà soạn, các đài phát thanh, truyền hình… không thể ngừng hoạt động. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn. Giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, báo chí vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất góp phần loại bỏ thông tin độc hại, tin giả (fake news) gây hoang mang dư luận. Trong buổi tọa đàm, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và cho rằng, những thông tin được cập nhật, trung thực sẽ giúp 800.000 doanh nghiệp nước ta có biện pháp để vừa phòng chống dịch, vừa tham gia sản xuất. Ông chia sẻ những khó khăn của báo chí trong đại dịch Covid-19 hiện nay và đưa ra những đề xuất kinh tế cho ngành báo và nhà báo. Theo đó, Bộ Tài chính cần có chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí. Riêng với các phóng viên, nhà báo, ngân hàng nên có chương trình tín dụng đặc biệt cho họ, cho thời gian giãn nợ để bảo đảm họ duy trì cuộc sống gia đình.

Để ghi nhận những đóng góp của báo chí đối với ngành y tế, TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế đề nghị các cơ quan báo chí đề xuất những phóng viên, nhà báo có đóng góp to lớn trong đại dịch Covid-19 để lãnh đạo Bộ Y tế có biện pháp khen thưởng, tuyên dương kịp thời, cổ vũ các lực lượng phòng chống dịch.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi kiến nghị xây dựng pháp lý bảo trợ cho phóng viên, nhà báo trong tác nghiệp; Xây dựng, đào tạo bồi dưỡng lý luận, đạo đức nghề cho đội ngũ nhà báo, báo chí đồng hành với doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19./.

TheoMinh Thư/Báo Tiếng nói Việt Nam

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D