Sử dụng thiết bị gian lận gây lộ đề thi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cập nhật: 08/06/2024
Quảng Ngãi: Bắt tạm giam kẻ quan hệ tình dục với 2 chị em sinh đôi dưới 16 tuổi
Nóng 24h: Nam thanh niên ở Quảng Ngãi bị bắt sau vụ việc hy hữu
VOV.VN - Theo luật sư, việc sử dụng các thiết bị ngụy trang siêu nhỏ, có tính năng ghi âm, ghi hình, đàm thoại hai chiều, gây lộ đề trong các kỳ thi là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phòng ngừa gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đang là vấn đề nhận được quan tâm đặc biệt trước Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, phối hợp triển khai, áp dụng nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu gian lận thi cử bằng công nghệ thiết bị cao, đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Gõ từ khóa tìm kiếm “tai nghe siêu nhỏ”, “tai nghe đi thi” “camera ngụy trang”, “camera siêu nhỏ”... trên Google, các sàn thương mại điện tử hay hội, nhóm trên mạng xã hội, dễ dàng tìm được hàng trăm loại sản phẩm đủ kiểu dáng.
Theo quảng cáo của một trang mạng bán hàng, tai nghe siêu nhỏ có kiểu dáng nhỏ gọn, được sử dụng cho việc gian lận thi cử hoặc một số nghiệp vụ an ninh cần nghe gọi đàm thoại 2 chiều bí mật. Đây là thiết bị hoạt động độc lập, dễ dàng giấu kín vì nhỏ gọn.
Giới thiệu thêm về sản phẩm, người bán hàng cho biết được thiết kế giống như thẻ ATM để cho sim điện thoại vào kèm một tai nghe đàm thoại 2 chiều, cuộc gọi sẽ tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến. Vì quá nhỏ nên người bên cạnh không thể biết ai đang sử dụng tai nghe. Điều đáng nói là, hoạt động kinh doanh thiết bị này vẫn được đăng công khai trên các trang mạng xã hội.
Liên hệ với một trang web có tên miền là “tai nghe mini.com” đăng tải nhiều thiết bị tai nghe siêu nhỏ và camera không dây với đủ mọi chủng loại, nhiều mức giá cả khác nhau, khách hàng sẽ nhận được những câu chào mời: "1,5 triệu/bộ, gồm 1 thẻ, 1 sạc, 3 viên pin và một hạt đậu bỏ trong tai, trên thẻ có mic thì em phải đọc hoặc là người ngoài phải soát câu hỏi, đúng câu nào thì ra dấu cái đó. Còn nếu đề bài dạng thi toán thì phải mua thêm một camera để bên ngoài để có thể nhìn thấy được hình ảnh. Nếu mua thì nhắn địa chỉ rồi ship hàng qua. Khách được xem hàng, thử hàng trước khi trả tiền, vì mùa này là mùa thi cử nên không thể bán được trực tiếp".
Trước thực trạng thiết bị gian lận thi cử được rao bán công khai trên mạng xã hội, nhằm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng mua - bán thiết bị gian lận này, Thượng tá Vũ Mạnh Tuân, Trưởng phòng An ninh, Y tế, Giáo dục, Khoa học xã hội và Bảo hiểm xã hội, Cục an ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong tình hình hiện nay, các thiết bị, phương tiện ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã.
Đặc biệt các thiết bị rất tinh vi, nhỏ gọn và gắn camera vào thiết bị và gắn với thí sinh. Ví dụ như bút máy, đồng hồ, kính mắt, tai nghe, vòng tay, máy tính… những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi. Giá thành của các thiết bị này hiện nay nhiều người tiếp cận được.
"Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo trước kỳ thi tập trung rà soát, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ chức năng đấu tranh, xử lý đối với các hoạt động từ quảng cáo, kinh doanh, xuất nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao để phục vụ cho gian lận thi cử….", Thượng tá Vũ Mạnh Tuân cho biết.
Để đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các đơn vị của Bộ Công an cùng lực lượng chức năng tập huấn, quán triệt kỹ lưỡng những nhận diện thiết bị gian lận công nghệ cao. Trong đó, cơ quan chức năng đặc biệt nhấn mạnh việc bảo đảm quy chế thi, bảo mật đề thi..., phòng ngừa không để xảy ra việc lợi dụng công nghệ cao phục vụ gian lận trong kỳ thi.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tình trạng sử dụng công nghệ cao để gian lận trong thi cử vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi các hội đồng coi thi phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phòng ngừa để hạn chế những rủi ro.
Theo Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, việc sử dụng các thiết bị ngụy trang siêu nhỏ, có tính năng ghi âm, ghi hình, đàm thoại hai chiều, gây lộ đề trong các kỳ thi là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 66/2017, chỉ có các doanh nghiệp của Bộ Công an, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng hoặc các doanh nghiệp ngoài 2 Bộ này nhưng được Bộ Công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về an ninh trật tự thì mới được phép kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang, dùng để ghi âm ghi hình, định vị.
Trong những trường hợp này, người kinh doanh thiết bị công nghệ để phục vụ cho việc gian lận thi cử sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của Nghị định 185 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 5 triệu cho đến 10 triệu đồng. Trên thực tế hiện nay, đối với hành vi cung cấp thiết bị đó cho thí sinh thì chưa có chế tài cụ thể để xử lý. Do đó thời gian tới cần sớm nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 185 này, để xử lý các hành vi mua bán các thiết bị cho các đối tượng không được phép sử dụng.
Hành vi mua, bán và sử dụng thiết bị gian lận thi cử là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn bất chấp nhằm thu lợi bất chính. Do đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an và các đơn vị chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và bắt giữ đối tượng vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có những chế tài cũng như giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng thiết bị gian lận thi cử.
Từ khóa: thi THPT, Thi THPT, gian lận thi, thiết bị công nghệ cao
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: phạm hạnh/vov1
Nguồn tin: VOVVN