Sử dụng súng săn gây chết người bị xử lý như thế nào?

Cập nhật: 05/11/2020

VOV.VN - Việc sử dụng súng săn, súng tự chế gây thương tích, thậm chí thiệt mạng cho người khác vẫn thường xuyên xảy ra và là hồi chuông báo động đối với việc quản lý, sử dụng súng săn hiện nay.

Vụ nam sinh Đại học Giao thông vận tải (GTVT) tử vong do đạn lạc đêm 30/10 tại Hà Nội là sự việc hi hữu, nhưng hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Liên quan đến vụ việc này, chiều 3/11, theo người phát ngôn Bộ Công an, Giám đốc Công an Hà Nội đã quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với anh Nguyễn Xuân T, đồng thời giao Công an quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác, điều tra, làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Việc người dùng súng săn vô tình bắn chết người không phải thời gian gần đây mới xảy ra. Khoảng tháng 3/2019, tại Lào Cai đã xảy ra tình huống, con rể đi săn, bắn nhầm bố vợ gây tử vong vì tưởng là thú rừng và nhiều vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn cả nước. Qua những vụ việc này, nhiều người bày tỏ lo lắng về việc sử dụng súng săn, súng tự chế gây thương tích, thậm chí thiệt mạng cho người khác. Đây là hồi chuông báo động đối với việc quản lý, sử dụng súng săn hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, PV VOV.VN phỏng vấn Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty  Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

PV: Trong vụ việc này, luật sư có thể cho biết, ngoài việc bị tước quân tịch thì Trung úy Nguyễn Xuân T còn phải chịu trách nhiệm gì?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo tôi, mặc dù hai bên không có xích mích gì trước đó, tuy nhiên việc Trung úy Nguyễn Xuân T sử dụng súng gây chết người là hành vi rất nghiêm trọng.

Trước hết, chúng ta cần phải giám định loại súng, mức độ gây sát thương của súng trong trường hợp này. Nếu khẩu súng T dùng chỉ là khẩu súng săn thông thường, không có tính năng như vũ khí quân dụng, thì theo Khoản 2 Điều 306 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ như sau:

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm như: Phạm tội có tổ chức; Vật phạm pháp có số lượng lớn;Vận chuyển, mua bán qua biên giới; Làm chết người;...

Như vậy, Nguyễn Xuân T có thể phải chịu mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

PV: Được biết cán bộ công an này có sở thích sưu tầm súng, vậy là cán bộ công an, việc anh Tính tàng trữ, sử dụng súng hơi, súng săn có bị xử lý theo quy định của pháp luật không? Nếu không, thì mức phạt như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Tại Khoản 3, 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định rõ khái niệm súng săn, vũ khí thể thao và việc tàng trữ, sử dụng vũ khí ở Việt Nam được quản lý rất nghiêm ngặt. Chúng ta cần phải xác định rõ việc Nguyễn Xuân T tàng trữ súng săn, súng hơi có được nhà nước cho phép không. Cụ thể là T có các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí hay không.

Trường hợp việc sử dụng, tàng trữ súng của T không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tùy theo loại vũ khí mà anh T sử dụng thì mức xử phạt hành chính cao nhất trong trường hợp này là 20.000.000 đồng. Đồng thời, anh T còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

PV: Người dân bình thường nếu sử dụng súng hơi, súng bắn chim (súng săn) có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Vì sao?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Hiện nay, tình trạng người dân dùng súng hơi, súng bắn chim tràn lan ở khắp các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng việc sử dụng súng hơi là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định hành vi cá nhân sở hữu vũ khí; hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí là các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi người dân sử dụng súng hơi, súng bắn chim là trái với quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10, Nghị định 167/2013 nêu trên hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh như sau:

Người nào sử dụng súng săn, súng hơi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ:

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Theo đó, nếu người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích, nay tiếp tục sử dụng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 306 BLHS và phải chịu hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù. Nếu hành vi sử dụng súng hơi đó của người dân gây ra hậu quả nghiêm trọng như: làm chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác từ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 của BLHS và với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù.

PV: Được biết, anh T mua súng trên mạng. Như vậy, rõ ràng việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ diễn ra công khai, vậy theo luật sư, nguyên nhân nằm ở đâu? Trách nhiệm quản lý thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng:  Trên trang mạng xã hội Facebook có những hội nhóm hiện diện một cách công khai hoặc riêng tư, với những tên gọi khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi giật mình: Nơi trao đổi buôn bán mã tấu, đao, kiếm, công cụ hỗ trợ; Mua bán công cụ hỗ trợ; Chuyên bán súng K54, K59, hoa cải và công cụ hỗ trợ… Các nhóm này không chịu sự kiểm duyệt nội dung của nhà cung cấp mạng hoặc các cơ quan chức năng dẫn đến việc lợi dụng môi trường này để trao đổi hàng hóa trong danh mục cấm.

Ngoài ra chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật đối với các hành vi liên quan đến mua bán vũ khí có vẻ không đủ sức răn đe nên loại tội phạm mua bán “hàng nóng” trên mạng ngày càng lộng hành, biến tướng phức tạp.

Về trách nhiệm quản lý, theo quy định của pháp luật hiện hành, vũ khí, các loại công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho những lực lượng có chức năng và do hai cơ quan quản lý chính là Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng. Ngoài ra, các bộ khác và UBND các cấp sẽ cùng nhau phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Các lực lượng này sẽ có trách nhiệm tiến hành rà soát, kiểm tra trên thị trường để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm để có thể ngăn chặn được những hậu quả khó lường. Đồng thời, lực lượng bộ đội biên phòng và các cơ quan hải quan cũng có trách nhiệm kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép qua biên giới các công cụ hỗ trợ và vũ khí từ Trung Quốc về Việt Nam.

Việc để tình trạng buôn bán, trao đổi, chế tạo vũ khí như hiện nay lỗi cũng không hoàn toàn thuộc về các cơ quan quản lý nói trên. Tuy nhiên các cơ quan này cũng cần phải có sự đổi mới và tăng cường các biện pháp phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

PV: Chúng ta cần có biện pháp, hay đề xuất các quy định của luật thế nào để hạn chế tình trạng này, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Tình trạng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ diễn ra công khai là một vấn đề rất đáng lo ngại bởi hành vi này có thể xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của con người. Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp triệt để để hạn chế trình trạng trên.

Trước hết, có thể thấy Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự đã có các quy định cụ thể, chặt chẽ với những chế tài nghiêm khắc về vấn đề này.

Hiện nay, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, cơ quan công an và các cơ quan có chức năng liên quan cần chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác đấu tranh, điều tra xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan có biện pháp ngăn chặn các loại vũ khí có nguồn gốc từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam; vận động nhân dân vùng biên tham gia đấu tranh với các hành vi buôn lậu các loại vũ khí từ Trung Quốc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, không nghe theo lời xúi giục của các đối tượng bên ngoài.

Ngoài ra, đối với những trường hợp vi phạm cần xử lý thật nghiêm để mang tính răn đe và cảnh cáo cho những đối tượng khác.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Từ khóa: lạc đạn, Trung úy Công an nghịch súng, Sinh viên Đại học GTVT

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập