Start-up du lịch chuẩn bị đón làn sóng phục hồi
Cập nhật: 02/12/2021
Apple lần đầu bán iPhone 15 Pro với giá thấp hơn
Lonely Planet picks out Hanoi of Vietnam among 10 dream trips in Asia
VOV.VN - Khi nhiều doanh nghiệp kỳ cựu chưa thể phục hồi hoạt động, các dự án khởi nghiệp với ý tưởng đột phá sẽ là những niềm hy vọng mới cho ngành du lịch trong năm 2022.
Mới thành lập trong đại dịch Covid-19, dự án RERE (Remote & Relax) nhắm vào thị trường khách quốc tế đi du lịch dài hạn kết hợp với làm việc từ xa, hay còn gọi là "du mục kỹ thuật số" (digital nomad). Đây là dòng khách nổi lên sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát và trên thế giới ngày càng nhiều người theo đuổi xu hướng này.
Bà Lê Nguyễn Bảo Ngọc – nhà sáng lập RERE cho rằng những năm tới khi hạn chế đi lại được gỡ bỏ và các chiến dịch tiêm chủng được hoàn thành trên diện rộng, Việt Nam sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến về du khách làm việc từ xa – những người khao khát đi du lịch khắp thế giới sau thời gian dài bị hạn chế. Do đó, RERE sẽ mang đến các trải nghiệm kết hợp giữa công việc và du lịch cho dòng khách "digital nomad" tại Việt Nam.
"Dòng khách 'digital nomad' là đối tượng vừa đi du lịch vừa làm việc; lối sống của họ độc lập, linh hoạt, không mang tính thời vụ. Với xu hướng lưu trú dài hạn và có sức chi tiêu lớn, họ chính là những khách hàng rất tiềm năng, đem lại nguồn thu đáng kể và ổn định cho ngành du lịch vốn rất dễ bị tổn thương" - bà Lê Nguyễn Bảo Ngọc cho biết.
Hồi tháng 5, TP.HCM được xếp thứ 2 trong top 10 điểm đến hàng đầu thế giới cho phong cách sống và làm việc du mục. Trang Euronews mô tả TP.HCM là điểm đến mơ ước của những người chọn lối sống du mục, được đánh giá cao nhờ chi phí sinh hoạt vừa phải, khí hậu dễ chịu với nhiệt độ duy trì ở mức 34 độ C và internet tốc độ cao. Qua đây có thể thấy đối tượng "digital nomad" sẽ là nguồn khách tiềm năng của du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới.
Khác với RERE đang đi những bước đầu tiên, dự án Amazing English Tour (AET) tại Quảng Trị đã khởi động từ năm 2018, với các tour du lịch giáo dục kết hợp truyền cảm hứng về ngoại ngữ và kĩ năng sống. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 khiến dự án này buộc phải lựa chọn giữa đóng cửa hoặc đổi mới.
"Trước đây sản phẩm cốt lõi của AET là tour du lịch giáo dục. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 khiến tour không tổ chức được, công ty phải thay đổi sản phẩm để tồn tại. AET chuyển sang đào tạo tiếng Anh, kỹ năng mềm cho trẻ em như thuyết trình, thủ lĩnh trẻ, nói trước đám đông… Tuy nhiên nhu cầu tour du lịch giáo dục vẫn rất cao, nên công ty vẫn coi đây là định hướng chính trong tương lai" – bà Nguyễn Thị Hải Oanh, nhà sáng lập AET cho biết.
Về kế hoạch cho năm 2022, AET sẽ thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với đại dịch Covid-19. Dựa vào tệp hàng nghìn khách hàng từng tham gia tour, AET cung cấp cho đối tượng này các chương trình đào tạo kỹ năng và kiến thức chuyên sâu hơn. Các hoạt động kết nối với du khách quốc tế vẫn được duy trì qua hình thức online, vừa cung cấp dịch vụ giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài cho các trường học và trung tâm ngoại ngữ, vừa để AET duy trì những giá trị đã theo đuổi trong suốt những năm qua.
Tuy nhiên, vấn đề chung của cả RERE, AET hoặc không ít ý tưởng khởi nghiệp du lịch đã "sớm nở chóng tàn" trong đại dịch Covid-19 là thiếu nguồn lực và khả năng quản trị toàn diện để vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng như đủ sức để đi đường dài. Mới đây, Chương trình Khởi nghiệp Du lịch Việt Nam 2021 (VTS 2021) đã chọn RERE và AET cùng một số dự án khác tham dự sự kiện "Demoday: Kết nối & đầu tư" để tích lũy thêm tri thức, nguồn lực và vốn đầu tư.
Ông Lý Đình Quân – Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (đơn vị tổ chức VTS 2021) cho biết qua quá trình ươm tạo, các dự án lần này đã hoàn chỉnh hơn về tri thức và nguồn lực: "Chúng tôi kết nối các nguồn lực, chuyên gia để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, giúp các start-up có hình hài trọn vẹn, đủ sức phát triển toàn diện và đi nhanh hơn, xa hơn. Một hệ sinh thái tốt không chỉ dừng lại ở gọi vốn mà còn đồng hành nhiều năm với các start-up, phấn đấu tạo ra các dự án du lịch 'triệu đô' cho Việt Nam".
Phát biểu tại sự kiện "Demoday: Kết nối & đầu tư", bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng hi vọng qua chương trình VTS 2021 các start-up và nhà đầu tư sẽ tìm thấy nhau; đồng thời đề nghị các đơn vị trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cùng chung tay với cơ quan nhà nước để đồng hành, thúc đẩy sự phát triển của các dự án khởi nghiệp, đưa các ý tưởng tiếp cận thị trường và vươn ra quốc tế./.
Từ khóa: doanh nghiệp kỳ cựu, dự án khởi nghiệp, ý tưởng đột phá, ngành du lịch trong năm 2022.
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN