S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam sau 9 năm

Cập nhật: 25/09/2019

S&P đánh giá các chính sách của Chính phủ đã giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tăng kiểm soát lạm phát những năm gần đây.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's vừa nâng xếp hạng quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB- lên BB, với triển vọng ổn định. Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được giữ nguyên ở B.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Triển vọng ổn định cũng phản ánh kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Việc nâng hạng phản ánh thể chế đang liên tục được cải thiện, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xã hội. Các yếu tố bên ngoài, như dòng FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) chảy vào mạnh, hay nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát, cũng là căn cứ cho mức xếp hạng này.

s&p nang xep hang tin nhiem cho viet nam sau 9 nam hinh 1
Công nhân trong một nhà máy may ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Reuters

S&P đánh giá Việt Nam là nước có thu nhập thấp, nhưng tăng trưởng nhanh và có nền kinh tế đa dạng. Tốc độ tăng GDP thực đạt trung bình 6,2% mỗi năm kể từ 2012. Những năm gần đây, các chính sách của Chính phủ đã giúp cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô và tăng kiểm soát lạm phát.

GDP bình quân cũng tăng gấp rưỡi trong 6 năm (từ 1.754 USD năm 2012 lên 2.572 USD năm 2018). Tốc độ tăng GDP bình quân thực của Việt Nam được dự báo đạt 5,7% mỗi năm cho đến năm 2022, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập. Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và nhu cầu nội địa cao sẽ giúp Việt Nam duy trì xu hướng này.

Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cuối năm 2018 cho thấy Chính phủ sẵn sàng thực hiện các cải tổ cần thiết trong dài hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà nước. Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy Việt Nam đứng thứ 69 thế giới, tăng đáng kể so với 99 năm 2013.

Dù vậy, S&P cho rằng Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể làm giảm xuất khẩu trong ngắn hạn, đặc biệt với các nước phụ thuộc nhiều vào thương mại như Việt Nam. Còn trong nước, thâm hụt tài khóa và nợ công đồng nghĩa Việt Nam sẽ cần nguồn huy động vốn khác để tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Hệ thống ngân hàng tương đối yếu, phản ánh qua mức độ vốn hóa và chất lượng tài sản thấp, cũng là rủi ro với triển vọng kinh tế.

S&P cho biết có thể tiếp tục nâng hạng nếu tình hình tài khóa được cải thiện (nhờ kinh tế vững mạnh và cải cách trong thể chế) và rủi ro hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng đi xuống. Dù vậy, tổ chức này cũng có thể đánh tụt tín nhiệm nếu nền kinh tế đột ngột tuột dốc hoặc tình hình tài khóa xuống cấp trầm trọng.
Trước S&P, hai hãng đánh giá tín nhiệm lớn khác là Fitch và Moody's cũng đã nâng xếp hạng cho Việt Nam.Tháng 5/2018, Fitch nâng xếp hạng Nhà phát hành nợ (IDR) dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam từ BB- lên

BB với triển vọng ổn định. Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng được nâng từ BB- lên BB. Đến tháng 8, Moody’s nâng xếp hạng của Việt Nam từ B1 lên Ba3, với triển vọng thay đổi từ ổn định sang tích cực./.

Theo Hà Thu/Vnexpress

Từ khóa: S&P, xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, GDP,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập