Sống mãi những di vật của liệt sĩ Gạc Ma

Cập nhật: 13/03/2023

VOV.VN - Sự kiện 64 liệt sĩ siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc tạo nên “Vòng tròn bất tử” bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 mặc cho pháo đạn kẻ thù dội vào đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước. 35 năm trôi qua, những người mẹ, người thân của các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma không nguôi nỗi đau thương nhớ.

Những ngày này, ngôi nhà của bà Trần Thị Huệ, mẹ liệt sĩ Lê Thế, ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đông người lui tới. Trên bàn thờ, di ảnh của liệt sĩ Lê Thế đội mũ và trang phục Hải quân Nhân dân Việt Nam với nụ cười thật tươi.

Thắp nén hương thơm lên bàn thờ con trai, bà Trần Thị Huệ rưng rưng kể, mẹ có 3 người con, Lê Thế là con trai đầu, mồ côi cha từ khi mới 4 tuổi. Thế có ước mơ đi bộ đội từ bé nhưng vì bị một cục bướu ở mắt trái nên 2 lần đi khám nghĩa vụ quân sự đều không được tuyển. Quyết tâm vào bộ đội nên Lê Thế đã đi phẫu thuật cắt bỏ khối u. Thời trai trẻ nhiều cô gái mê mệt Thế, nhưng con trai mẹ không chịu, nhất quyết phải đi bộ đội về rồi mới nói chuyện lập gia đình.

35 năm trôi qua, bà luôn giữ lá thư cũng là kỷ vật duy nhất còn lại của con trai bên mình. Bức thư được bà ép plastis cẩn thận. Những nét chữ cuối cùng của anh Thế được mẹ Huệ cất giữ như báu vật và coi đó như xương cốt của anh.

Năm 2017, sau khi bảo tàng Gạc Ma tại thành phố Cam Ranh hoàn thành, bức thư được mẹ tặng lại cho phòng lưu trữ di vật liệt sĩ Gạc Ma trong khu tưởng niệm. Mẹ photo lại một bản riêng để lưu giữ. Lá thư với nét chữ nghiêng, luôn dặn dò mẹ giữ sức khỏe vì đó là điều quý giá nhất. Cuối lá thư, anh hẹn ngày trở về Đà Nẵng nhưng không ngờ đó mãi là lời hẹn ước dở dang…

Mẹ Trần Thị Huệ rưng rưng nhớ lại lúc nhận tin con mình hy sinh: “Hồi đó, không biết sao nóng ruột, nóng gan lắm, giống như ai đem lửa hơ trong người. Cứ nghĩ không biết con mình có sao không, cũng trong ngóng, trong miết cũng chẳng thấy tin tức. Sau đó nhận báo tin con mất tích, sau thời gian lâu nhà nước mới báo tử”.

Trong số 64 liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng có đến 7 người. Ngôi nhà của mẹ Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự nằm ở đường Hưng Hóa 3, quận Hải Châu. Gia đình đang sửa soạn làm mâm cơm cúng người con liệt sĩ. Mẹ Lê Thị Muộn cũng vừa qua đời cách đây 3 năm.

Bà Nguyễn Thị Hà, chị dâu của Liệt sĩ Phan Văn Sự nhớ lại, dịp Tết năm đó, Sự được về thăm nhà rồi bỏ quên một chiếc áo Hải quân. Đó cũng là kỷ vật duy nhất còn lại về con trai mà mẹ của chị giữ lại đợi con trở về. Lúc nhận tin anh Sự hy sinh, ba chồng chị cũng dần trút hơi thở cuối cùng. Mẹ chồng gần như ngã quỵ, nằm li bì không ăn uống gì cả tuần lễ. Mỗi lần gượng dậy, mẹ lại lôi tấm áo Hải quân của con trai ra ngồi nhìn rồi khóc.

Tấm áo sau đó được mẹ xẻ thành hai vạt: một vạt dành để kê dưới gối ngủ, vạt còn lại mẹ may thành áo bà ba nâng niu trên người mà cảm thấy như con đang về bên mẹ.

Bà Nguyễn Thị Hà kể lại: “Hồi đó, chú Sự mất là tôi nghe bà nội (mẹ chồng) kể lại, gia đình nghe tin báo trên Đài phát thanh của Quân đội lúc 6h30 phút. Danh sách phát trên đài có tên Phan Văn Sự. Hồi đó, ông nội (ba chồng) ốm năm điều trị trong bệnh viện, nghe tin trên loa phát thanh là bật ngửa ra rồi sau đó cũng mất luôn”.

35 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không ai quên được sự hy sinh của 64 liệt sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma. Tinh thần chiến đấu của các anh là một nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc cốt, ghi tâm.

Tại đình làng Nại Nam ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng ngày nay có tấm bia vàng tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh danh sách các anh hùng liệt sĩ của phường hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là tên tuổi 7 liệt sĩ phường Hòa Cường Bắc hy sinh ở Gạc Ma - Trường Sa ngày 14/3/1988.

Những ngày này, nhiều cơ quan, đoàn thể ở thành phố Đà Nẵng đến đây dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người con quê hương, ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng không giấu được niềm xúc động khi nhìn danh sách 64 liệt sỹ đều còn rất trẻ lúc họ nằm xuống giữa biển khơi.

“Mong rằng các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm, luôn đồng hành giáo dục cho thế hệ trẻ con cháu chúng ta có tinh thần bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quần đảo Trường Sa và phát triển ngày càng tốt hơn nữa” - ông Dương Đình Liễu nói./.

Từ khóa: những di vật, liệt sĩ Gạc Ma, vòng tròn bất tử, sự kiện Gạc Ma, Gạc Ma

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập