Sông Mã xoá nghèo từ trồng cây ăn quả
Cập nhật: 2 ngày trước
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
Diện mạo mới từ quy hoạch các khu đất vàng ở thành phố Vũng Tàu
VOV.VN - Sông Mã là một trong những huyện có nhiều diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La. Đặc biệt, với gần 7.600 ha cây nhãn hiện có, địa phương này đã trở thành vựa nhãn lớn nhất tỉnh. Việc đầu tư phát triển cây ăn quả không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
"Nhà tôi từ khi trồng cây nhãn gia đình mới có thu nhập, mới phát triển kinh tế, con cái đủ ăn, đủ mặc", bà Lành Thị Ne, dân tộc Thái, ở bản Mé Bon, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La) khi chia sẻ về việc phát triển cây ăn quả của gia đình. Phấn khởi hơn nữa khi đầu năm nay, gia đình được hỗ trợ 30 triệu đồng để làm lò sấy long nhãn, bởi có lò sấy này không chỉ giúp giải quyết đầu ra cho hơn 3.000 m2 nhãn của gia đình, mà nhà bà còn có thể thu mua thêm nhãn của các hộ khác để làm long.
"Nhãn quả bé bán thường không được giá. Được Nhà nước hỗ trợ làm lò sấy, chúng tôi bóc sấy thì bán được giá cao hơn. Như nhà tôi mỗi năm cũng lãi được hơn 100 triệu đồng", bà Lành Thị Ne nói.
Ông Cà Văn Hoàn, Bí thư kiêm trưởng bản Mé Bon cho biết, bản có 225 hộ, hơn 990 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Thái sinh sống. Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả của tỉnh, huyện, những năm gần đây, bà con đã dần chuyển các diện tích ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị cao hơn.
Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của bản đã là 110 ha, phần lớn là nhãn và xoài. Nhờ có thu nhập từ cây ăn quả mà tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm mạnh, hết năm 2023 còn 25 hộ nghèo, nhưng dự kiến cuối năm nay sẽ có 13 hộ thoát nghèo; số gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm không phải là hiếm.
"Bây giờ bà con làm ăn khấm khá rồi, nhà cửa hầu hết đều khang trang. Riêng bản này bà con không phải bán đất để xây nhà như một số nơi khác, mà bà con có thu nhập từ trồng cây ăn quả", ông Cà Văn Hoàn chia sẻ thêm.
HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh ở bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã có 14 thành viên, với tổng diện tích cây ăn quả gần 60 ha.
Ông Lê Danh Phúc, Phó giám đốc HTX cho biết, với mục tiêu nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nhãn, những năm gần đây, bản thân ông và các xã viên trong HTX còn tích cực học hỏi, nghiên cứu lai tạo ra giống mới. Vậy là, từ các giống nhãn cỏ (nhãn địa phương) đã có từ nhiều năm trước, giờ đây, HTX đã có thêm các giống mới như nhãn Miền Thiết, nhãn chín sớm T6... mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
"Nói chung mình cần thường xuyên học hỏi, tìm những giống tiêu chuẩn tốt nhất. Đầu tiên làm nhãn Miền đã thấy quý rồi, nhưng nhãn Miền không rải vụ được, thế nên người dân nơi đây chuyển dần sang giống T6 hoặc Ánh vàng, ăn ngọt mà làm được trái vụ. Ngày xưa vụ nhãn chỉ 1 tháng, nay kéo dài tới 6 - 7 tháng, cho thu nhập cao, người dân cũng đỡ vất vả", ông Phúc nói.
Thống kê trong toàn huyện Sông Mã, tổng diện tích cây ăn quả hiện là 10.967 ha; trong đó riêng nhãn gần 7.600 ha. Tính đến trung tuần tháng 11 này, tổng sản lượng quả huyện đã tiêu thụ xấp xỉ 50.000 tấn; số này thấp hơn năm trước do ảnh hưởng của hạn hán. Tuy nhiên, giá các loại quả vẫn ổn định, một số quả như nhãn chín sớm có giá cao hơn năm trước, nên không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người trồng.
Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, thời gian qua, ngoài vận động người dân ở các xã tích cực sản xuất nhãn trái vụ, rải vụ, xoài ghép…. huyện còn chú trọng triển khai các hệ thống quản lý chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP để nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, sản phẩm quả của huyện không chỉ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối và một số siêu thị trong nước, mà còn tham gia xuất khẩu tại các thị trường EU, vương quốc Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc, New Zealand…
Bà Cầm Thị Ngọc Yến khẳng định, thời gian tới, huyện Sông Mã sẽ tuyên truyền vận động nhân dân phát triển cây ăn quả áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt là sẽ tiếp tục vận dụng lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện triển khai đối với các cơ sở thu mua, chế biến, đóng gói các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Cùng với đó là sẽ tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ đáp ứng cho việc tham gia công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của huyện.
Năm ngoái, Sông Mã giảm được khoảng 10% số hộ nghèo; năm nay, địa phương tiếp tục phấn đấu giảm mạnh, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn khoảng 7,6% - con số này là rất thấp so với các địa phương miền núi khác. Đáng mừng là kết thúc vụ quả, nhất là sau mỗi mùa nhãn, huyện biên giới này lại có hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo, hàng trăm hộ trở thành tỷ phú.
Từ khóa: Sông Mã, Sông Mã, nhãn, cây ăn quả, phát triển kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: tuyết lan, thu thùy/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN