Sơn La, Yên Bái tăng cường cảnh báo ứng phó với lũ quét, sạt lở đất
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Tỉnh Sơn La, Yên Bái đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp ứng phó.
Từ đêm qua đến 13h hôm nay (2/8), nhiều nơi của tỉnh Sơn La có mưa rào và dông cục bộ, có mưa vừa, mưa to, phổ biến từ 10 - 50mm, riêng tại xã Mường Bám lượng mưa lên tới 66mm.Công tác phòng chống mưa lũ, sạt lở đất đang được chính quyền địa phương tích cực triển khai. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc cũng đã liên tục gửi thông tin cảnh báo lũ qua thư điện tử tới Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố cùng các ngành chức năng để chủ động phương án ứng phó.
Tại huyện Trạm Tấu luôn có máy móc, phương tiện túc trực tại các tuyến đường thường xuyên bị ách tắc do mưa lũ. |
Theo dự báo từ đêm nay (2/8) đến ngày 4/8, tỉnh Sơn La có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 200mm. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ở nhiều nơi trong tỉnh.
Với lượng mưa phổ biến từ 10 - 20mm, đến chiều nay, mực nước tại trạm Cầu Sông Mã, huyện Sông Mã khả năng lên đến cấp báo động II.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn; kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực ven sông suối, khe suối, taluy, sườn đồi, chân vách núi đá, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, triển khai các phương án, biện pháp ứng phó phù hợp. Theo đó chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản, nhất là tại các khu vực đã có mưa to trong nhiều ngày qua.
* Là tỉnh miền núi, địa hình đồi núi với độ dốc lớn, hàng năm tỉnh Yên Bái thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những trận mưa lũ, gây ra nhiều mất mát về sinh mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, trước dự báo có mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó.
Xã Trạm Tấu nằm lưng chừng dốc, một bên là vực sâu, một bên là dốc đứng. Hầu hết các bản đều ở trên cao, xen kẽ là các khe suối làm cho địa hình bị chia cắt mạnh. Trước thông tin dự báo sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, chính quyền xã đã chủ động các phương án phòng tránh thiệt hại về người và tài sản, yêu cầu người dân không đi qua các khu vực nguy hiểm khi có mưa lũ. Ông Mùa A Dê, trưởng thôn Tấu Trên nói: “Nghe tin có cơn bão là thông tin đến bà con và vận động bà con không ngủ lại lán nương, không đi lại qua suối khi có lũ”.
Túc Đán là xã có gần 100% đồng bào Mông có tập quán sinh sống và canh tác trên các triền núi cao, thường xuyên phải di chuyển qua các khe, suối, những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét. Do vậy, cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con, xã đã thiết lập đường dây liên lạc kết nối với các xã lân cận để huy động giúp đỡ kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Ông Vàng A Giàng, Phó Chủ tịch UBND xã Túc Đán nói: “Khi có sự cố nào xảy ra vượt quá khả năng, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các xã sẽ huy động lẫn nhau ứng phó kịp thời, giúp đỡ nhau trong tình hình khó khăn nhất. Các xã này luôn tạo ra sự liên kết để khi xã bên này cần là huy động được người xã bên kia sang giúp đỡ và khi xã bên kia cần là xã này cũng sang giúp đỡ”.
Mùa mưa lũ năm trước, huyện vùng cao Trạm Tấu bị thiệt hại gần 13 tỷ đồng, với 70 hộ dân phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, hàng chục héc ta hoa màu bị vùi lấp, hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ách tắc…
Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với hoàn lưu bão số 3, huyện Trạm Tấu đã xác định các khu vực trọng điểm của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất như: Pá Lau, Pá Hu, Trạm Tấu, Bản Công …để chính quyền địa phương và người dân nắm bắt, chủ động ứng phó. Huyện cũng yêu cầu sử dụng có hiệu quả 2 trạm đo mưa tự động trên địa bàn để nắm bắt thông tin mưa, cảnh báo các xã, thị trấn chủ động phương án phòng chống thiên tai. Đồng thời bố trí máy móc, phương tiện túc trực tại các tuyến đường thường xuyên bị ách tắc do mưa lũ và đảm bảo thông tin liên lạc.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: “Huyện cũng đã nắm bắt được dự báo thời tiết, huyện đã có đầy đủ các lực lượng đi tuyên truyền, lực lượng dự phòng để chủ động di dời các hộ ra khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở. Đến thời điểm này các hộ ở vùng nguy cơ sạt lở huyện đã kiểm soát một cách chặt chẽ; huyện cũng đã thông báo kịp đến các hộ dân ở các lán nương, ruộng, ở cạnhbờ suối về nơi an toàn”.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các địa phương theo dõi chặt chẽ mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt đối với lũ quét, sạt lở đất. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê, kè, hồ đập nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Đồng thời sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt./.
Từ khóa: sơn la, yên bái, ứng phó lũ quét, sạt lở đất, ứng phó mưa lũ,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN