Sở hữu trí tuệ - vì một tương lai xanh
Cập nhật: 26/04/2020
VOV.VN - Hôm nay (26/4) Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới, Tổ chức SHTT thế giới chọn chủ đề năm nay là “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”.
Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” sẽ mở ra một khởi đầu cho “lộ trình xanh” hướng tới chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường - một yêu cầu cấp bách hiện nay.
Theo Tổ chức SHTT thế giới WIPO, trong thời đại khoa học và công nghệ (KHCN) phát triển như vũ bão hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận SHTT là sản phẩm, đồng thời là một trong các công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển của các nền KHCN và kinh tế thị trường. Bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ KHCN, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển kinh tế- xã hội.
Tại Việt Nam, những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng này, Bộ Khoa học và công nghệ và các cơ quan chức năng đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định về SHTT, góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” sẽ mở ra một khởi đầu cho “lộ trình xanh” hướng tới chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường - một yêu cầu cấp bách hiện nay. |
Ông Phạm Văn Toàn- Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và đã thực hiện các cam kết quốc tế. Hệ thống pháp luật của chúng ta về SHTT khá là đầy đủ và hoàn thiện… tương thích chung với thế giới. Trong việc thực thi quyền SHTT, chúng ta có những chế tài xử lý từ xử phạt hành chính, đến dân sự, hình sự và cả các biện pháp kiểm soát biên giới cũng được đặt ra”.
Còn theo ông Đinh Hữu Phí- Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và công nghệ), một trong những điểm trọng yếu của Chiến lược Sở hữu trí tuệ Quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hình thành mạnh mẽ tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Những yêu cầu cụ thể như: Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 - 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 – 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%/năm trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+…
Tuy vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế- xã hội, ông Đinh Hữu Phí cũng cho rằng: “Cần thực hiện một số giải pháp như tăng cường hoạt động nâng cao nhận thức của xã hội đối với SHTT, trong việc bảo hộ quyền… Thứ hai là tăng cường các hoạt động thực thi quyền SHTT… và thứ ba là có những chính sách hỗ trợ, ưu tiên để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký sáng chế”.
Chiến lược SHTT đến năm 2030 đặt kỳ vọng- Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phổ biến và hơn thế nữa có thể thương mại hóa sản phẩm sáng tạo. Từ đó làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững, tạo dựng một “tương lai xanh” cho các thế hệ sau, ông Đinh Hữu Phí cho biết thêm.
Cục SHTT cũng cho biết, nhiều biện pháp đã và đang được triển khai nhằm góp phần khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng các thành quả sáng tạo trong KHCN vào mọi mặt của đời sống và sản xuất. Việc thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ… từ đó góp phần không nhỏ vào thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững./.
Từ khóa: Sở hữu trí tuệ, SHTT, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN