Sinh viên trường nghề quản lý Thẩm mỹ viện ở tuổi 20

Cập nhật: 07/12/2021

[VOV2] - Nguyễn Thị Tâm, giải Nhất kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2020. Khi chưa tốt nghiệp, cô đã được mời về làm giảng viên thỉnh giảng của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, đồng thời cũng trở thành một quản lý của Thẩm mỹ viện ở tuổi 20.

Cú Hat-trick của cô sinh viên trường nghề

Đoạt giải Nhất trường, Nhất thành phố và Nhất kỳ thi tay nghề quốc gia 2020 với Nghề chăm sóc sắc đẹp, Nguyễn Thị Tâm, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao khiêm tốn khi trả lời PV VOV2 rằng "kết quả này là nỗ lực của không chỉ riêng em mà còn cả các thầy cô giáo".

Quá trình ôn luyện, cô trò đều căng thẳng. Áp lực nhất khi tham gia Kỳ thi tay nghề quốc gia là quá trình tập luyện dài ngày. Khối lượng kiến thức nặng buộc Tâm phải ghi nhớ kỹ, không được bỏ sót bước nào.

Là sinh viên năm thứ 3 nhưng cũng có 3 năm làm nghề, cô gái nhỏ nhắn có nước da trắng ngà là nhân viên “cứng” nhất của Thẩm mỹ viện Thanh Huệ, Hà Nội. Cô gái 20 tuổi đã trở thành quản lý của thẩm mỹ viện với mức lương 8 con số.

Ngoài làm việc chuyên môn như một kỹ thuật viên chăm sóc sắc đẹp, Tâm còn đảm đương nhiều nhiệm vụ khác như chăm sóc khách hàng, quan sát công việc của nhân viên, dọn dẹp Spa sạch sẽ, ngăn nắp. “Đó là cách để một quản lý mới như mình có cái nhìn sâu sắc hơn, nhiều kinh nghiệm hơn”.

Hết lớp 12, tốt nghiệp mới mức điểm cao, Tâm không muốn vào ĐH mà lại chọn học nghề làm đẹp. Quyết định của Tâm không làm cho mọi người bất ngờ và bố mẹ cô cũng hoàn toàn ủng hộ. Bởi từ bé, Tâm đã đam mê công việc này.

“Ngày bé nhìn người lớn lúc nào cũng mặc áo đẹp, trang điểm xinh nhìn rất là thích. Em cũng học theo nhưng không có đầy đủ đồ nghề. Nhìn những thanh niên sành điệu, phấn son điệu đà em mê lắm. Có lẽ do mình thích làm đẹp nên cũng muốn làm đẹp cho mọi người…”, Tâm chia sẻ.

"Điều dưỡng" của làn da

Người làm nghề chăm sóc da thì hầu hết da mặt đều rất khỏe đẹp, Tâm cũng vậy. Nhưng ít ai biết rằng, trước đây chính cô cũng từng “trầm cảm” vì làn da mụn. Với kiến thức và kinh nghiệm làm việc, Tâm đã trở thành "điều dưỡng" chăm sóc da cho chính mình. Theo Tâm, để trở thành chuyên gia trong nghề, ngoài vốn kiến thức được đào tạo còn đòi hỏi quá trình tự học khá vất vả.

"Phải trau dồi kiến thức, chăm chỉ rèn luyện, luôn chân luôn tay mới quen, mới giỏi. Phải học hỏi nhiều kinh nghiệm của những người đi trước. Em cũng mày mò tự học tìm hiểu về da trên các trang web, càng học, càng cảm thấy thích thú".

Ba năm làm nghề không dài nhưng cũng đủ để Tâm tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Lúc mới làm nghề cô cũng bị phàn nàn, chê trách. Thế nhưng, đó là động lực để mình ngày càng cố gắng hơn. “Mọi nỗ lực của bạn rồi sẽ được đền đáp xứng đáng”.

"Có khách hàng ban đầu đến Spa với gương mặt đầy mụn, chị rất căng thẳng và mất tự tin. Sau liệu trình chăm sóc, làn da chị đã hoàn toàn sạch mụn. Từ đó trở đi chị đã trở thành khách hàng thân thiết của em", Tâm kể.

Giờ đây, Tâm không chỉ là nhân viên “cưng” của thẩm mỹ viện, cô còn được các các cô, các bác hàng xóm “săn đón”. Phụ nữ ngày nay dù ở tuổi nào cũng muốn làm đẹp, giữ gìn nhan sắc. Thỉnh thoảng, các cô, các dì lại hỏi “Mặt cô có nếp nhăn, sạm như thế này thì phải làm sao? Có cách gì khắc phục được không?”

Với giải nhất kỳ thi tay nghề quốc gia, Tâm đã được nhà trường ngỏ ý mời làm giảng viên thỉnh giảng sau khi tốt nghiệp. Ở tuổi 20 Tâm đã có được những thành công nhất định để chứng minh cho câu nói “Theo đuổi ước mơ rồi thành công sẽ theo đuổi bạn”.

Nhiều sinh viên ngành làm đẹp có thu nhập tốt khi vẫn đang đi học

Tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao, phòng thực hành nghề chăm sóc da hiện đại không thua kém bất cứ Spa nào. Huyền Diệp, sinh viên của trường chia sẻ “nghề này nhẹ nhàng, không phải chạy xuôi ngược. Trong khi đó, các lĩnh vực làm đẹp cũng đang là mảnh đất màu mỡ”. Đó chính là lý do em lựa chọn học nghề làm đẹp.

Nếu có nhu cầu tự tìm hiểu, nâng cao tay nghề, sinh viên có thể tự đầu tư các dụng cụ nhưng hầu như nhà trường đã có đầy đủ máy móc thiết bị để sinh viên thực hành.

Tại trường nghề, ngoài việc được học điều trị da mụn, da khô, nám, tàn nhang, sinh viên còn được học điều trị chuyên sâu như lăn kim, phi kim, triệt lông.

Diệp cho biết, dù đang là sinh viên nhưng với vốn kiến thức học tại trường nghề hiện có em đã đi làm thêm được hơn 1 năm ở một thẩm mỹ viện ở Hà Đông, Hà Nội với mức lương cứng 4.5 triệu đồng/tháng, được hỗ trợ đi lại, ăn ở. “Nếu tính cả hoa hồng thì thu nhập trung bình một tháng của em là 7-8 triệu”, Diệp cho biết.

Cũng cộng tác với một thẩm mỹ viện với mức lương 6 triệu đồng/tháng, Nguyễn Thị Kim Hoàn, sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao cho rằng, công việc đã thay đổi con người em khá nhiều. Trước đây em vốn nhút nhát và ngại giao tiếp, nhưng khi làm công việc này em được tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, biết cách giao đãi để được lòng “thượng đế”.

“Làm công việc này thì phải chu đáo, sạch sẽ. Mình cũng phải tự biết tự chăm sóc bản thân. Khi kỹ thuật viên có một làn da đẹp thì khách hàng nhìn vào mới tin tưởng đến với Spa của mình. Kim Hoàn dự định sẽ tiếp tục nâng cao tay nghề, khi có số vốn nhất định trong tay em sẽ tự mở một Spa do mình làm chủ./.

Từ khóa: sinh viên trường nghề, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da, tuổi 20, thẩm mỹ viện, quản lý, Vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập