Sinh viên hoạt động xã hội - Không thử sao biết mình có thể đi xa đến đâu

Cập nhật: 13/10/2022

[VOV2] - Những kiến thức học được trên giảng đường là nền tảng tri thức cốt lõi. Còn các hoạt động xã hội giúp ta cảm thấy tự tin và rèn luyện được những kỹ năng mềm cần thiết.

Với kinh nghiệm 3 năm tích cực tham gia hoạt động xã hội vì cộng đồng, Trần Diệu Linh, trưởng Ban Tổ chức CLB Tình nguyện viên Thủ đô, sinh viên trường ĐH Ngoại thương chia sẻ trong chương trình Hành trang trẻ:    

Bảng “thành tích” tình nguyện dầy dặn

Cơ duyên đến với các hoạt động tình nguyện của Trần Diệu Linh bắt đầu từ khi là sinh viên năm thứ nhất. Đó là vào trung thu năm 2019, một mùa trăng rằm phải xa nhà nhưng em lại tìm thấy cả một đại gia đình – đó chính là các anh chị, các bạn tình nguyện viên cũng như các em bé ở ngôi trường tiểu học mà Diệu Linh đã tới trong chuyến đi ấy.

“Đây cũng chính là bước ngoặt để mở ra thế giới của các hoạt động xã hội đối với em”. Tiếp sau đó, những chiến dịch tình nguyện cứ thế nhiều lên như “Đông ấm”, “Mùa hè xanh”, “Giọt hồng trao em”, “Tiếp sức mùa thi”… mỗi một chiến dịch, mỗi một vùng đất mà đội tình nguyện đi qua đều ghi dấu những kỷ niệm đáng quý.

Tham gia tình nguyện cần xác định: “lãi” nhiều, “lỗ” cũng không ít

Với Diệu Linh, làm tình nguyện viên rất giàu nhưng mà là giàu tình cảm. “Sau mỗi một chiến dịch, chúng em lại lãi thêm được vài người bạn”.

Ngoài việc mở rộng mối quan hệ, đây còn là cơ hội giúp các bạn trẻ trau dồi được rất nhiều những kỹ năng mềm khác cho mình như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng lãnh đạo…

Các bạn trẻ sẽ học được cách tự chăm sóc bản thân mình và chăm sóc cho những người khác sau những chuyến đi xa. “Qua những chuyến đi như thế, em cũng cảm nhận  tay nghề nấu nướng của mình tăng lên đáng kể”, Diệu Linh chia sẻ.

Tuy nhiên, tham gia các hoạt động xã hội đồng nghĩa với việc bạn phải xác định là phải đánh đổi thời gian. Để có được một chương trình diễn ra trọn vẹn, phải chuẩn bị trước đấy vài tuần. Với những chuyến tình nguyện xa con số đó phải là vài tháng, phải lên kế hoạch tuyển nhân sự, chuẩn bị công tác hậu cần, dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để có được một chuyến đi thành công.

Một cái “lỗ” nữa mà Diệu Linh nhận thấy, đó chính là sức khỏe. “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” nhưng việc khó ở đây không phải riêng những công việc nặng nhọc, cần sức người mà đôi khi cái khó đến từ cả những yếu tố khách quan như thời tiết không ủng hộ, nắng nóng gay gắt, mưa dông… hay có những chuyến tình nguyện xa phải di chuyển liên tục, việc ăn ngủ không điều độ sẽ là những thách thức đối với sức khỏe của các tình nguyện viên.

Nếu bạn muốn, mọi vấn đề đều có thể khắc phục

Để giải bài toán cân bằng thời gian giữa học ở trường và tham gia các hoạt động xã hội, Diệu Linh chỉ gói gọn trong một từ, đó là “sự ưu tiên”. Với mỗi một giai đoạn, nhiệm vụ nào khẩn cấp và quan trọng hơn em sẽ giải quyết trước.

“Vào giai đoạn chuẩn bị cho những kỳ thi lớn, nhiệm vụ hàng đầu sẽ là việc học, em sẽ dành thời gian để học và ôn thi. Với những giai đoạn lịch học ở trên trường dễ thở hơn, lúc đấy em sẽ dành thời gian cho những chiến dịch tình nguyện bên ngoài và tìm kiếm thêm những cơ hội để nâng cao kỹ năng khác của mình”.

Sau mỗi chuyến tình nguyện, Diệu Linh luôn tìm cách nạp lại năng lượng. Ngoài thời gian học trên trường, em luôn cố gắng để dành khoảng thời gian trau dồi sức khỏe của mình bằng việc tập luyện thể chất như tập thể dục, chơi cầu lông, chạy bộ để nâng cao sức khỏe và sẵn sàng cho những chuyến đi dài hơi tiếp theo.

Nên lựa chọn hoạt động phù hợp với thế mạnh và sức khỏe của bản thân

Tùy vào điều kiện thời gian và sức khỏe, các bạn sẽ lựa chọn những hoạt động phù hợp với thế mạnh của bản thân. Ví dụ, có những bạn rất khéo tay hay có những bạn có năng khiếu về đàn hát, văn nghệ, văn hóa nghệ thuật có thể tham gia những chiến dịch tình nguyện như dạy cho trẻ em học những kỹ năng mềm.

Với những bạn tình nguyện viên có nhiều sức khỏe tốt, có thể tham gia chiến dịch tình nguyện xa như Mùa hè xanh, tham gia xây những công trình thanh niên để phục vụ cho người dân ở những tỉnh miền núi.  

Đối với các bạn nữ tình nguyện viên được đánh giá yếu thế hơn một chút xíu về điều kiện sức khỏe so với những bạn nam sẽ phù hợp hơn với những chiến dịch tình nguyện ngắn ngày và ở phạm vi gần hơn.

“Làm sao để tuổi trẻ không hoài phí. Chúng ta thường chỉ nuối tiếc những điều mà chúng ta chưa dám làm hay chưa đủ dũng cảm để làm, chứ sẽ không bao giờ hối tiếc vì bản thân đã dũng cảm và đã nỗ lực nhiều như vậy. Nên là hãy thử đi, không thử sao biết mình có thể đi xa đến đâu”, Trần Diệu Linh muốn nhắn nhủ tới các bạn tân sinh viên.  

Từ khóa: sinh viên, tình nguyện, hoạt động xã hội, tuổi trẻ, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập