“Siêu Ủy ban” phản hồi về khó khăn, vướng mắc của một số DNNN
Cập nhật: 11/03/2020
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Những khó khăn, vướng mắc của nhiều DNNN sau khi về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần được hiểu đúng bản chất vấn đề, sự việc.
Thời gian gần đây, thông tin báo chí có phản ánh những khó khăn, vướng mắc của một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban). Trong số đó, có nhiều thông tin chưa đầy đủ, thiếu chính xác, dẫn đến hiểu sai về chỉ đạo, điều hành của Ủy ban, gây ách tắc các hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, mới đây, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ về vấn đề này.
Theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, từ ngày 29/9/2018, 19 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được bàn giao nguyên trạng về Ủy ban.
Ngành đường sắt kêu khó sau khi về "siêu ủy ban". (Ảnh: VNR) |
Cuối năm 2018, mặc dù VNR đã được chuyển giao về Ủy ban nhưng Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính vẫn giao dự toán vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 cho VNR để thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
Kế hoạch năm 2020 có ý kiến cần đặt hàng cho VNR để thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, dẫn đến việc đến nay VNR chưa được Bộ Giao thông vận tải giao vốn.
Theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có thể đặt hàng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, đơn vị, các cá nhân hành nghề độc lập… Thực hiện cơ chế này, VNR không bắt buộc phải thuộc Bộ Giao thông vận tải mới đủ điều kiện để giao vốn.
Ngày 24/02/2020, Thường trực Chính phủ đã họp thảo luận nội dung này; tiếp đó, ngày 3/3/2020, tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2020, Chính phủ cũng đã thảo luận nội dung này và đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ: Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ủy ban và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét căn cứ, cơ sở pháp lý việc giao vốn việc giao ngân sách quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt theo 2 phương án: (1) Tiếp tục giao vốn như năm 2019 trở về trước; (2) Theo phương án đặt hàng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các chỉ đạo cụ thể tạm ứng vốn thực hiện việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt không để ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Về khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí vốn NSNN cho các dự án do Tổng công ty phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư
Về thông tin cho rằng: “Quốc hội đã phân bổ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cho Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam, tiền cho dự án đã có, nhưng lại không giải ngân được...” Ủy ban khẳng định, đây là thông tin không chính xác.
Việc dừng giao vốn NSNN cho các dự án của VEC từ kế hoạch năm 2019 đến nay là thực hiện theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: “Chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam” và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15/7/2019 của Chính phủ: “Chưa giao kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 71/2018/QH14”. Do đó, không phải lý do VEC chuyển về Ủy ban hay lý do chưa làm rõ Bộ Giao thông vận tải hay Ủy ban là cơ quan có thẩm quyền nhận và giao vốn NSNN cho đơn vị này như thông tin báo chí nêu.
VEC được thành lập theo chủ trương thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác, kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc theo Quyết định số 3033/QĐ-BGTVT ngày 06/10/2004 của Bộ Giao thông vận tải. Theo Quyết định đầu tư ban đầu VEC vay lại toàn bộ vốn để đầu tư các dự án. Tuy nhiên, do các dự án đầu tư đường cao tốc có suất đầu tư lớn, nguồn thu không đủ để hoàn vốn đầu tư dẫn đến sau một thời gian hoạt động, VEC mất cân đối về tài chính, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và công tác huy động vốn để đầu tư các dự án không thể thực hiện được.
Trước những khó khăn của VEC, ngày 08/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2072/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 05 dự án đường bộ cao tốc của VEC, nhà nước hỗ trợ đầu tư cho VEC thông qua việc đầu tư trực tiếp vào các dự án phần thiếu hụt không đủ trả nợ các khoản vay.
Tuy nhiên, ngày 9/11/2016 Quốc hội có Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định: “Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước” (Khoản 7 Điều 4); ngày 18/11/2016 Bộ Chính trị có Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững cũng quy định: “Không chuyển vốn vay, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước” (Điểm 5 Mục III. Chủ trương và các giải pháp chủ yếu).
Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ số vốn đầu tư các dự án do VEC quản lý giải ngân từ năm 2013 đến nay, đều chưa được Quốc hội thông qua quyết toán. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, từ kế hoạch năm 2019 Quốc hội, Chính phủ đều yêu cầu dừng chưa giao vốn NSNN cho VEC để thực hiện các dự án này cho đến khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận việc chuyển vốn vay lại thành vốn NSNN cấp phát.
Đầu năm 2019, Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải thay mặt Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tái cơ cấu vốn đầu tư các dự án của VEC, nhưng chưa được Bộ Chính trị chấp thuận. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này.
Về một số thông tin liên quan đến các dự án của các Tập đoàn, Tổng công ty
Về một số thông tin liên quan đến các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước... đang bị "mắc kẹt", "ách tắc"...
Trên thực tế thì các khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án của các doanh nghiệp do Ủy ban quản lý có từ nhiều năm (trước thời điểm các doanh nghiệp được chuyển giao về Ủy ban) đã và hiện đang tiếp tục được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền; thậm chí một số dự án cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí Thư thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xử lý.
Đến nay, do vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, việc xác định tài sản công, tài sản doanh nghiệp, một số dự án nếu chưa được đánh giá đầy đủ, chưa có phương án đầu tư cụ thể, có nguy cơ mất vốn của Nhà nước... nên chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo quy định của pháp luật, Ủy ban không có thẩm quyền quyết định việc triển khai các dự án này.
Đối với các dự án đầu tư mới, theo quy định của Luật số 69/2014/QH13, Ủy ban chỉ phê duyệt, có ý kiến việc đầu tư các dự án từ nhóm A trở lên và các dự án có quy mô vốn lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, chứ không phải tất cả những dự án như thông tin báo chí nêu.
Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia này là Quốc hội; các dự án lớn khác thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các dự án có sử dụng đất thậm chí thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là UBND cấp tỉnh; Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia (bao gồm cả các dự án sử dụng vốn của các doanh nghiệp do Ủy ban quản lý); Hội đồng thành viên quyết định đầu tư các dự án do doanh nghiệp quản lý sau khi có ý kiến của Ủy ban.
Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, để tránh lặp lại việc quyết định đầu tư một số dự án không hiệu quả, gây mất vốn của nhà nước, đối với các dự án khởi công mới có quy mô vốn lớn Ủy ban phải xem xét kỹ lưỡng về trình tự, thủ tục bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để mất vốn, tài sản, tài nguyên của nhà nước. Đây là những nhiệm vụ hết sức khó khăn, va chạm đến quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp.
Trong hơn một năm qua, Ủy ban đã nỗ lực, cố gắng thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính minh bạch, hiệu quả tại các doanh nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ bảo toàn và phát triển nguồn vốn của doanh nghiệp theo quy định của Luật số 69/2014/QH13 và các quy định pháp luật liên quan.
Ủy ban đã chủ trì hoặc phối hợp các bộ, ngành xử lý hàng trăm nhiệm vụ dở dang của các doanh nghiệp trước khi chuyển giao về Ủy ban, trong đó có những nhiệm vụ như việc chuyển vốn vay lại thành vốn NSNN cấp phát các dự án của VEC tồn tại từ năm 2015 đến nay chưa được Quốc hội chấp thuận quyết toán vốn; một số dự án đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách hoặc có tranh chấp kéo dài nhiều năm trước thời điểm doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban chưa đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Lãnh đạo “siêu uỷ ban” nói gì khi đường sắt xin trở lại Bộ GTVT?
Từ khóa: siêu ủy ban, ủy ban quản lý vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước, quản lý vốn nhà nước
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN