Sẽ “tuýt còi” các chương trình đào tạo quốc tế nếu không chất lượng
Cập nhật: 22/07/2020
Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ 2 người tử vong nghi do ngộ độc
Chế tạo khoang bí mật trên xe bán tải để vận chuyển vảy tê tê
VOV.VN - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ ra ranh giới giữa việc trao quyền tự chủ với việc Bộ GD-ĐT giám sát chất lượng chương trình liên kết quốc tế.
Du học tại chỗ đang là một lựa chọn của nhiều gia đình và học sinh, với niềm tin rằng chất lượng đào tạo tại Việt Nam đảm bảo và đáp ứng được yêu cầu quốc tế. Đặc biệt, tình huống khủng hoảng quy mô toàn cầu như đại dịch Covid-19, nhiều gia đình nhận thấy rằng du học nước ngoài có ẩn chứa rủi ro, theo đó lựa chọn trường và chương trình học trong nước vẫn sẽ an toàn hơn.
Điều này đặt ra cơ hội và cả thách thức với ngành giáo dục trong việc làm sao thúc đẩy các chương trình đào tạo quốc tế đối với bậc đại học để thu hút học sinh du học tại chỗ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có trao đổi ngắn với phóng viên về vấn đề này bên lề Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
PV: Ở vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về cơ hội mở ra cho các trường đại học trong liên kết đào tạo quốc tế để thu hút du học tại chỗ. Theo đó, đâu là giải pháp quan trọng nhất cho các trường đại học Việt Nam để đảm đảo du học tại chỗ thực sự chất lượng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Có nhiều giải pháp, theo tôi giải pháp trước hết là minh bạch đối tác, đối tác và chương trình phải được kiểm định. Giải pháp thứ 2 là chuẩn bị đội ngũ biết cách làm việc với đối tác nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Bởi vì khi liên kết đào tạo quốc tế, các đối tác nước ngoài không thể cử toàn bộ giáo viên ở nước ngoài sang mà phải kết hợp với giáo viên trong nước. Do vậy, đội ngũ giáo viên trong nước rất quan trọng, cùng phối hợp với giảng viên nước ngoài hình thành nhóm giảng viên có trình độ quốc tế.
Thứ 3 là cung cấp thông tin kịp thời cho người học về đối tác, về chương trình, về chuẩn bị cơ sở vật chất và đặc biệt phải có những hoạt động hỗ trợ người học từ khi bắt đầu. Với các du học sinh Việt Nam đang ở nước ngoài có nhu cầu trở về, nhưng vẫn muốn theo học trong môi trường quốc tế, thì các trường đại học trong nước và các trường đối tác phải có cam kết. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các trường phải áp dụng các phương thức đào tạo trực tuyến và khi học sinh trở lại phải ôn tập để đảm bảo chất lượng, quyền lợi cho người học.
Có một vấn đề rất quan trọng là minh bạch. Chương trình giáo dục quốc tế có mức học phí phải xứng đáng với chất lượng, với thương hiệu của nhà trường. Tránh tình trạng không minh bạch, không rõ ràng dẫn đến trong quá trình tổ chức dạy học có xung đột. Do vậy, Bộ GD-ĐT rất quan tâm đến vấn đề minh bạch và yêu cầu các nhà trường phải công khai, kể cả với các chương trình tốt đã được kiểm định quốc tế nhưng khi tổ chức tại Việt Nam vẫn phải được giám sát. Bộ GD-ĐT có cơ chế giám sát công khai chất lượng của chương trình đào tạo.
Một vấn đề quan trọng nữa là tạo nguồn, đặc biệt là đào tạo tiếng Anh, để học sinh đảm bảo ngoại ngữ tốt khi học chương trình liên kết quốc tế. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo rất quyết liệt để tránh tình trạng phát triển, mở rộng các chương trình giáo dục quốc tế, nhưng chất lượng bị lơ là.
PV: Luật Giáo dục đại học có hiệu lực đã giao quyền tự chủ cho các trường đại học, vậy đâu là ranh giới giữa việc trao quyền tự chủ với việc Bộ GD-ĐT giám sát chất lượng chương trình liên kết quốc tế thưa ông?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trong điều kiện giao cho các trường liên kết đào tạo quốc tế, Bộ GD-ĐT cũng có yêu cầu về tiêu chuẩn. Và trong quá trình các trường làm việc với các đối tác, Bộ cũng tăng cường giám sát. Nếu không đúng các yêu cầu, đặc biệt nếu không đáp ứng về chất lượng và không minh bạch thì bộ sẽ “tuýt còi”, đồng thời yêu cầu nhà trường khắc phục.
Chủ trương thúc đẩy nhưng phải gắn với kiểm soát, tránh tình trạng các trường đua nhau mở đào tạo quốc tế, nhưng kiểm soát lại không chặt chẽ. Bộ một mặt tạo điều kiện hỗ trợ các trường trong quá trình tìm đối tác, một mặt có công cụ giám sát ngay từ đầu, để tránh tình trạng đang đào tạo hoặc đào tạo xong mới giám định. Riêng với giáo dục-đào tạo quan trọng nhất là “tiền kiểm”, kết hợp với giám sát quá trình và sau đó là hậu kiểm. Các chương trình sẽ bị loại ngay từ đầu nếu không thực chất như quảng cáo hay những trường không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia đào tạo quốc tế và thu học phí cao.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không phải cứ gắn vào từ “quốc tế” là thu tiền
PV: Diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp trên thế giới, trong khi Việt Nam kiểm soát rất tốt. Điều này tạo ra cơ hội thu hút du học sinh không chỉ là người Việt Nam mà còn học sinh các nước khác tới học tập tại các trường đã có liên kết đào tạo quốc tế của Việt Nam. Theo Bộ trưởng, các trường cần lưu ý điều gì để nắm bắt cơ hội này?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đại dịch Covid-19 tạo ra những xáo trộn khó khăn, nhưng cũng tạo ra cơ hội rất lớn cho các trường đại học chất lượng của Việt Nam. Theo đó, không chỉ thu hút các lưu học sinh có nhu cầu về nước mà còn các học sinh có ý định đi du học ở lại du học tại chỗ. Đồng thời, học sinh quốc tế cũng quan tâm và tới học tập tại Việt Nam. Ở đây là tính chất lượng toàn cầu và muốn đạt được mục tiêu này, các trường đại học trước tiên phải chuyên nghiệp, đảm bảo minh bạch, minh bạch đối tác, học phí và các điều kiện đảm bảo chất lượng, công nhận tín chỉ. Người học được lựa chọn và được đảm bảo bởi các trường đối tác.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
Từ khóa: du học tại chỗ, trường quốc tế, du học tại chỗ, chương trình liên kết quốc tế, trường đại học đào tạo chương trình quốc tế
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN