Sẽ tổ chức thanh tra đột xuất ở tất các khâu của kỳ thi
Cập nhật: 09/06/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Bộ GD&ĐT thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở 20 địa phương. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cấp quốc gia tổ chức 5 đoàn của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đi kiểm tra các địa phương trong toàn quốc.
Theo quy định Luật Giáo dục 2019, đây là năm thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT được phân cấp trách nhiệm toàn diện việc chuẩn bị, tổ chức thực hiện kỳ thi tại các địa phương cho chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố. Còn Bộ GD&ĐT với trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục sẽ chịu trách nhiệm chung, toàn diện về kỳ thi đảm bảo triển khai an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng.
Những điều chỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2021
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, năm nay công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo hướng ổn định, kế thừa và có sự điều chỉnh phù hợp tình hình.
“Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp với cấp Bộ, cấp UBND tỉnh, cấp Sở và các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với thanh tra trung ương, thanh tra cấp tỉnh trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp trên địa bàn”.
Bộ GD&ĐT sẽ cùng các Sở GD&ĐT địa phương phối hợp với thanh tra tỉnh, thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở 20 địa phương. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ tổ chức 5 đoàn do lãnh đạo Bộ GD&ĐT dẫn đầu đi kiểm tra các địa phương trong toàn quốc.
“Chúng tôi tiếp tục yêu cầu các trường đại học chia sẻ lực lượng tổ chức công tác kiểm tra coi thi. Sở GD&ĐT thực hiện công tác thanh tra coi thi trên địa bàn. Cán bộ trường đại học huy động là đại diện của Bộ đến kiểm tra công tác coi thi theo tỉ lệ nhất định, theo số phòng thi và hội đồng thi”, ông Cường cho hay.
Công tác thanh tra năm nay có nhiều điểm mới. Nếu như năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức 63 đoàn đi thanh tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng chấm thi thì năm 2021 thay vì "thanh tra" sẽ "kiểm tra".
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi ở các hội đồng. Theo ông Cường, sự thay đổi này nhằm phù hợp với quy định của Luật thanh tra, trong một công việc chỉ có 1 đợt thanh tra, không trùng lặp nội dung và đối tượng thanh tra.
Công tác chấm phúc khảo cũng có sự thay đổi. “Năm ngoái chúng tôi tổ chức 63 đoàn đi thanh tra công tác chấm phúc khảo, năm nay chúng tôi tổ chức kiểm tra xác suất các địa phương có dấu hiệu bất thường, nhận được phản ánh hoặc theo yêu cầu chỉ đạo, chúng tôi sẽ tổ chức công tác kiểm tra lưu động tại các Sở trong công tác chấm bài thi phúc khảo”.
Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức thanh tra đột xuất ở tất các khâu của kỳ thi, thanh tra các địa điểm cần thiết để đảm bảo sự khách quan, trung thực của kỳ thi.
Đã dự liệu các tình huống phát sinh do dịch Covid-19
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay do tình hình dịch Covid -19, Bộ đã chỉ đạo kế thừa, sử dụng tối đa đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ giảng viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục đã tham gia tập huấn, đã có sự kiểm tra, đã thực hiện nhiệm vụ năm 2020 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm nay.
Rút kinh nghiệm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2 ở Đà Nẵng, Quảng Nam – những địa phương bị tác động bởi dịch Covid-19 năm ngoái, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ điều động các nhà trường quân đội, các trường liên quan ngành sức khỏe, y tế tham gia coi thi, thực hiện 2 nhiệm vụ vừa phòng dịch vừa thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục. “Hiện nay chúng tôi đã có dự liệu, tùy tình hình theo kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia chúng tôi sẽ bố trí, phân công lực lượng phù hợp”.
Xây dựng các kịch bản ứng phó
Năm nay số lượng thí sinh tăng hơn năm ngoái khoảng 100 nghìn thí sinh, do đó số phòng thi tăng, số lượng cán bộ giảng viên tăng lên theo tỉ lệ thuận. “Năm nay, chúng tôi dự kiến huy động khoảng 200 cơ sở giáo dục ĐH”, ông Cường cho biết.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra hằng tuần, lường trước những tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021.
Chẳng hạn như tuần vừa rồi, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Thời gian tới chưa lường được địa phương nào có thể chịu tác động của dịch Covid-19. Vì vậy, Bộ đã xây dựng kịch bản ứng phó.
Kinh nghiệm năm ngoái, khi Đà Nẵng giãn cách cả thành phố thì việc huy động các trường đại học lớn ở miền Trung không thực hiện được, Bộ đã điều động các nhà trường quân đội phối hợp chặt chẽ.
"Thậm chí, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 ở Quảng Nam chúng tôi huy động 60 cán bộ giảng viên, bác sĩ của Học viện quân y từ Hà Nội vào làm 2 nhiệm vụ. Đó là bài học quý cho năm nay. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ quốc phòng và các nhà trường khối sức khỏe sẵn sàng huy động đối tượng này vào vùng khó", ông Cường khẳng định.
Tập huấn trực tuyến
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến công tác thanh tra trong các ngày 8-9-10/6 theo hình thức trực tuyến cho 3 nhóm hội nghị.
Nhóm thứ nhất, tập huấn cho lãnh đạo Sở GD&ĐT và cốt cán thanh tra sở tại 63 tỉnh. Hội nghị thứ 2 là tập huấn cho cốt cán là thanh tra nội Bộ và lãnh đạo thanh tra của cơ sở giáo dục đại học. Hội nghị thứ 3 là tập huấn cho cán bộ công chức của Bộ GD&ĐT và giảng viên đại học thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác chấm thi.
Theo ông Cường, Bộ GD&ĐT đã xây dựng 4 hệ thống tài liệu bài giảng bằng video clip và tài liệu điện tử đưa lên mạng để các đối tượng tập huấn nghiên cứu trước, đồng thời sẽ có sự trao đổi, giải đáp cho đến khi thực hiện nhiệm vụ.
Từ khóa: thanh tra, thi tốt nghiệp 2021, điều chỉnh, khách quan, chất lượng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2