Sẽ thống kê thu nhập và đóng góp của nghệ sĩ vào GDP?
Cập nhật: 25/09/2019
Tổng cục Thống kê sẽ xác định, tính toán thu nhập của những nghệ sĩ có thu nhập cao để phản ánh đúng đóng góp phần lao động của lĩnh vực này vào GDP.
Tại cuộc họp báo về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát diễn ra sáng 20/2, tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Thống kê đã trả lời nhiều thắc mắc của báo chí về vấn đề đang gây chú ý dư luận, trong đó có việc tham gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và câu chuyện "làm đẹp" số liệu thống kê.
Đảm bảo tính độc lập khách quan
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, vừa qua Thủ tướng trao đổi với trưởng đại diện IMF làm tổ chức quốc tế đánh giá độc lập, chứ không phải nhờ họ giúp Tổng cục Thống kê tính toán thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Số liệu Tổng cục Thống kê đưa ra thì đôi khi bị nghi ngờ về tính chính xác. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Lâm khẳng định, vai trò tham gia của IMF vào điều tra khu vực kinh tế chưa được quan sát chỉ là thẩm định cách thức thực hiện và kết quả.
"Ở Việt Nam, các nhà kinh tế nghe các số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra thì còn nghi ngờ nhưng nghe các ông "Tây" nói thì tin sái cổ. Chúng tôi tận dụng cái này để mời tổ chức quốc tế vào", ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Năm 2018, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô, chỉ tiêu GDP, đã có báo cáo với Bộ trưởng Bộ KHĐT và báo cáo Thủ tướng và được chỉ đạo đảm bảo tính độc lập, khách quan. "Bộ KHĐT đồng ý mời 1 tổ chức độc lập quốc tế, và chúng tôi đề xuất là IMF vào đánh giá", ông Lâm nói.
Đảm bảo chính xác chứ không phải "làm đẹp" số liệu
Trả lời câu hỏi về áp lực điều tra khu kinh tế chưa được quan sát để tăng GDP và nới trần nợ công, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định không chịu tác động của bất kỳ bên nào để có bức tranh chính xác về nền kinh tế.
Ông Lâm nêu rõ: Hoạt động thống kê nhằm phản ánh xác thực tình hình kinh tế xã hội, không lo ngại điều tra để làm tăng GDP và nới nợ công.
"Nợ công là do Chính phủ, còn chúng tôi cung cấp bức tranh thực tế để Chính phủ có quyết sách đúng đắn", ông Lâm nêu quan điểm.
Theo ông Lâm, hiện nợ công/GDP ở Việt Nam chỉ chiếm 61,4% so với các nước khác. Quốc hội cũng đã đưa ra trần nợ công không được vượt quá 65%. "Thời gian qua tỷ lệ nợ công đã giảm xuống. Các nhà kinh tế lo ngại quá xa cho nền kinh tế của chúng ta", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.
Về câu hỏi điều tra khu vực kinh tế phi chính thức, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, những đơn vị kinh tế phi chính thức như hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ vẫn được Tổng cục Thống kê điều tra nhiều năm nay chỉ có điều chưa được công bố chi tiết.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, hiện vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Tới đây sẽ xác định và tính toán thu nhập của những nghệ sĩ có thu nhập cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và điện tử để phản ánh đúng sự đóng góp phần lao động của lĩnh vực này vào GDP.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp cũng chưa được nhận diện một cách đầy đủ. Do đó, tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của các chỉ tiêu tài khoản quốc gia và những chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế…
Theo đánh giá của ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, việc thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát khó cả về lý luận và thực tiễn. Thu thập dữ liệu rất khó khăn dù 16 bộ ngành đã đồng hành với Tổng cục TK để thực hiện Đề án.
Việc thực hiện Đề án này để xác định danh mục phạm vi của từng thành tố, phạm vi thông tin để phản ánh rõ nhất khu vực kinh tế chưa được quan sát. Cùng với đó, cầntăng cường công tác chia sẻ hồ sơ hành chính (đặc biệt là Tổng cục Thuế), hạn chế chi tiêu tiền mặt, mở rộng cơ sở chống thất thu thuế…, ông Hùng đề xuất./.
Từ khóa: Tổng cục Thống kê, thu nhập nghệ sĩ, khu vực kinh tế chưa được quan sát, kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN