Sẽ có Kênh đào tạo Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Cập nhật: 15/12/2021

[VOV2] - Với mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa Việt, củng cố và phát triển ngôn ngữ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ mở Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Dạy và học Tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài là một vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức lưu tâm nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Với vai trò là đầu tàu dẫn dắt hệ thống giáo dục tại Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) luôn tiên phong xây dựng các chương trình đào tạo, các dự án tầm vóc lớn của quốc gia và dân tộc. ĐHQGHN đã giao Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao để thông báo về các hoạt động mà ĐHQGHN đang tiến hành để xây dựng Kênh. Tham dự buổi làm việc có Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN Hoàng Anh Tuấn cùng Trưởng ban Hợp tác và Phát triển ĐHQGHN Nguyễn Thị Anh Thu.

 

 

Trong thời gian qua, công tác giảng dạy Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho kiều bào, người nước ngoài của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trường đã hợp tác với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài triển khai một số hoạt động như tham gia giảng dạy cho lớp tập huấn Kiều bào về phương pháp dạy tiếng; tham gia tổ chức Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt; Xây dựng Bộ giáo trình gồm 11 hợp phần (giai đoạn 1 và 2) hoàn tất vào tháng 12 năm 2021 (dự kiến nghiệm thu ngày 10/12/2021). Các sản phẩm có thể đưa vào sử dụng ngay trong năm 2022 khi ĐHQGHN và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoàn thiện xong nền tảng trực tuyến, với sự phối hợp của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Nhà trường sẽ hoàn thành hợp phần bộ 30 đề thi hoàn toàn mới và cập nhật cùng bộ hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh dành riêng cho kiều bào.

Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ các hoạt động xây dựng Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, VTVLive và Kênh Truyền hình đối ngoại VTV4 để chuẩn bị ghi hình, sản xuất các chương trình giảng dạy.

Hiệu trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn cam kết, Nhà trường sẽ đảm bảo chất lượng tốt nhất về mặt chuyên môn, toàn bộ học liệu sẽ được chuẩn hóa để triển khai cho đồng bào ở khắp nơi trên thế giới. Nhà trường hy vọng với sự đầu tư quyết liệt, quan tâm sâu sát của lãnh đạo ĐHQGHN, đặc biệt là của Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và sự cộng hưởng về mặt chính sách của Nhà nước, chương trình sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong thời gian tới.
 

Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển ĐHQGHN Nguyễn Thị Anh Thu nhấn mạnh, công tác dạy và học Tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ nằm trong chuyên môn của ĐHQGHN mà là trách nhiệm đối với quốc gia của một đơn vị học thuật hàng đầu đất nước. Bên cạnh việc giảng dạy Tiếng Việt, ĐHQGHN còn mở rộng cơ hội học bổng, trao đổi học tập cho bà con kiều bào trên khắp thế giới về góp sức mình cho sự phát triển chung của đất nước.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao sự dấn thân quyết liệt của các giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường ĐH KHXH&NV vào một công việc quan trọng nhưng cũng rất phức tạp là dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Để sớm đưa các hoạt động đi vào thực chất, Phó Giám đốc đề nghị Nhà trường cần xúc tiến việc xây dựng Kênh trực tuyến song song với việc hoàn thiện giáo trình và học liệu, đồng thời hy vọng Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đưa ra các yêu cầu cụ thể về đối tượng tiếp nhận các bài giảng để các giảng viên của ĐHQGHN có cách tiếp cận phù hợp, hướng đến Kênh có thể ra mắt vào đầu năm 2022.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Lương Thanh Nghị rất tán thành quan điểm của Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, mong muốn cả hai bên cùng bắt tay vào triển khai quyết liệt, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ủy ban sẽ phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng và công tác truyền thông. Ủy ban sẽ tích cực kết nối ĐHQGHN với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài để ĐHQGHN có thêm nguồn thu hút nhân tài về làm việc và học tập.

 

Từ khóa: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, đào tạo, dạy và học, Tiếng Việt, người Việt Nam ở nước ngoài

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập