Scotland xúc tiến đòi độc lập sau khi Anh rời EU (Brexit)
Cập nhật: 04/02/2020
Ra mắt trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử”
Khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
VOV.VN - Ngay sau khi Anh rời EU (Brexit), quốc gia này đối mặt với khả năng Scotland đòi độc lập, ly khai khỏi vương quốc Tây Âu này.
Brexit của Anh và vấn đề độc lập của Scotland
Câu chuyện về việc Scotland đòi độc lập khỏi Vương quốc Anh lại trở nên nóng hơn trong những ngày qua bên cạnh các diễn biến Brexit là vì nhiều lí do. Đầu tiên, đó là việc Brexit trước hết không phải là ý nguyện của đa số người dân Scotland. Trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2016 thì có đến 62% cử tri Scotland phản đối Brexit. Đây là tỷ lệ phản đối cao nhất trong toàn bộ các vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh.
Cờ Anh (trái) và cờ Scotland. Ảnh: Theelectionnetwork. |
Vì thế, đối với Scotland thì việc không thể đảo ngược được Brexit là một thực tế rất khó chấp nhận. Hầu hết người dân Scotland đều cảm thấy rằng lợi ích và tiếng nói của mình đã bị phớt lờ và rằng chính phủ Anh của Thủ tướng Boris Johnson đã hoàn toàn không để tâm gì đến nguyện vọng của Scotland. Bằng chứng là trong tất cả các cuộc bầu cử tại Scotland từ sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit 2016 thì đảng Dân tộc Scotland (SNP), đảng theo đường lối ly khai ở Scotland, đều giành được trên 70% phiếu bầu của các cử tri muốn ngăn chặn Brexit hay muốn tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 để tách khỏi Vương quốc Anh.
Cuộc thăm dò dư luận do hãng YouGov thực hiện tuần trước, ngay trước thời điểm Brexit có hiệu lực, cho thấy là khoảng 21% số người từng bỏ phiếu chống lại việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 giờ đây đã đổi ý và các mô hình thăm dò dư luận dự đoán là nếu một cuộc trưng cầu khác được tổ chức trong thời gian tới thì sẽ có khoảng 51% cử tri Scotland lựa chọn độc lập khỏi Vương quốc Anh.
Vì thế, một mặt việc Brexit diễn ra khiến cho lợi ích của Scotland bị tổn hại và mặt khác, làm gia tăng tâm lý ly khai. Và tất cả những điều này đang được đảng Dân tộc Scotland (SNP), khai thác một cách hiệu quả. Thủ lĩnh đảng SNP là bà Nicola Sturgeon nhiều lần tuyên bố là chỉ có trở thành một quốc gia độc lập thì Scotland mới có thể trở lại làm thành viên đầy đủ của EU và bảo vệ được các lợi ích của mình. Cho đến thời điểm này, khi mà sức nóng của Brexit vẫn đang rất lớn thì các lý lẽ của đảng SNP vẫn thu hút được cử tri Scotland. Nhưng vấn đề là phải duy trì được động lực đó trong lâu dài, đồng thời có các chiến lược chính trị cụ thể để hiện thực hoá được yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về độc lập cho Scotland.
Chặng đường chông gai của Scotland nếu muốn độc lập và gia nhập EU
Để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu thì Scotland phải xử lý hai vấn đề. Một, là phải nhận được sự chấp thuận của EU, mà cụ thể là sự đồng thuận của tất cả các nước EU thông qua Hội đồng châu Âu, tức là không bị cản trở về mặt chính trị. Đây không phải là rào cản lớn bởi gần như chắc chắn các nước EU sẽ chấp nhận Scotland. Nhiều quan chức cấp cao của EU, như mới đây nhất là cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đều tuyên bố công khai là sẵn sàng chào đón Scotland trở lại EU với tư cách một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật thì phức tạp hơn.
Liên minh châu Âu – EU có một loạt các Hiệp ước cũng như các quy trình chặt chẽ để kiểm soát việc kết nạp thành viên. Các quốc gia ứng cử viên phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện về nhà nước pháp quyền, về kỷ luật ngân sách, về tự do ngôn luận… mới có đủ tiêu chuẩn xin gia nhập EU. Đây chính là bài toán khó mà Scotland cần giải vì theo các số liệu hiện nay thì thâm hụt ngân sách của Scotland ở mức 7,2%, tức là cao hơn gấp đôi tiêu chuẩn 3% mà EU đề ra cho các nước thành viên. Vì thế, trong trường hợp Scotland độc lập và muốn gia nhập EU thì vùng đất này cần phải tiến hành tương đói nhiều cải cách về kinh tế để đáp ứng các quy định của EU. Ngoài ra còn nhiều khía cạnh khác về pháp lý và ngoại giao mà Scotland phải đáp ứng.
Một thực tế khác cũng rất quan trọng nhưng hiện vẫn chưa được đề cập đến, đó là kể cả khi Scotland quay trở lại làm thành viên EU thì cũng không có nghĩa là Scotland được tự động hưởng các quyền lợi như trước đây khi toàn bộ Vương quốc Anh vẫn nằm trong EU. Trước đây EU đã phải đưa ra tương đối nhiều nhượng bộ cho Vương quốc Anh, như việc Anh không phải tham gia Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển nội khối, hay việc Anh có các quy định về thuế giá trị gia tăng (VAT) linh hoạt hơn EU. Lí do là vì Vương quốc Anh là một cường quốc kinh tế-chính trị lớn và đủ sức mạnh để gây sức ép ngược lại với EU. Nhưng nếu là một quốc gia độc lập, với dân số khoảng 5,5 triệu người và GDP tầm 200 tỷ euro, thì Scotland chỉ là một nước bé trong EU và khó có thể được hưởng các đặc quyền như Vương quốc Anh trước đây. Đó là điều mà chắc chắn các lãnh đạo chính trị tại Scotland sẽ phải cân nhắc.
Anh nói “không” với kế hoạch trưng cầu ý dân về nền độc lập Scotland
Thời điểm Scotland có thể tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2
Cũng trong cuộc thăm dò của You Gov mà tôi nhắc đến ở trên thì mặc dù 51% cử tri Scotland có thể sẽ ủng hộ ly khai khỏi Vương quốc Anh nhưng cũng có đa số không muốn sớm có một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập trong thời gian tới mà muốn đến khoảng 2 năm sau. Thực ra đây cũng chính là tính toán của đảng SNP. Cuối tuần trước thì bà Nicola Sturgeon cũng tuyên bố là mặc dù việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 vẫn có thể diễn ra trong năm 2020 nhưng cần phải thực tế hơn. Thực tế ở đây đó là việc trước hết Scotland cần phải nhận được sự đồng ý của chính phủ Anh và Nghị viện Westminster thì mới có thể tổ chức trưng cầu ý dân một cách hợp pháp. Nếu không thì Scotland sẽ rơi vào tình huống như vùng Catalonia ở Tây Ban Nha năm 2017. Mà hiện tại, sau khi đã thực hiện thành công lời hứa Brexit vào ngày 31/01/2020, đồng thời đang có uy tín lớn sau cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12/2019 thì Thủ tướng Anh Boris Johnson đang ở thế thượng phong, rất khó đưa ra nhượng bộ.
Bản thân ông Johnson từng nhiều lần tuyên bố rằng cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Scotland năm 2014 có giá trị trong một thế hệ, tức 10-20 năm, nên rất khó để chính phủ Anh bật đèn xanh cho Scotland vào thời điểm này. Theo các tính toán thì đảng SNP của bà Nicola Sturgeon sẽ đợi đến sau cuộc bầu cử tại Scotland vào năm 2021 mới gây áp lực tối đa để tổ chức trưng cầu ý dân lần 2. Một mặt, SNP cũng cần có thời gian để chuẩn bị chiến lược truyền thông chu đáo cho chủ đề độc lập và củng cố quyền lực. Mặt khác, phe ly khai ở Scotland cũng chờ đợi uy tín của chính phủ Anh sụt giảm và các khó khăn thời hậu Brexit xuất hiện sau khi kết thúc giai đoạn quá độ vào cuối năm nay. Khi đó thì các lý lẽ của SNP sẽ mang tính thuyết phục hơn./.
Từ khóa: Anh rời EU, Scotland đòi độc lập, Brexit, Scotland muốn gia nhập EU, Liên minh châu Âu
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN