"Saudi Arabia là thị trường nhiều tiềm năng nhưng không dễ vào"
Cập nhật: 21/12/2023
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng, Saudi Arabia không phải là thị trường dễ vào. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tranh thủ cơ hội khi có được sự ưu tiên.
Hiện nay, đầu tư của các doanh nghiệp Saudi Arabia vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi khả năng và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp Saudi Arabia rất hùng mạnh. Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Saudi Arabia đầu tư vào Việt Nam, nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng, tháng 9 vừa qua, đã có một đoàn doanh nghiệp của Saudi Arabia và Qatar sang Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay đến từ khu vực Trung Đông. Quá trình chuẩn bị cho hoạt động này tương đối vất vả nhưng chuyến đi của đoàn cho thấy hiện sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Saudi Arabia cũng như Qatar đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
“Khi chúng ta giao lưu trực tiếp, những mối quan tâm chung chung sẽ trở thành cụ thể và dẫn đến một số dự án cụ thể, đặc biệt là đầu tư kinh doanh, thương mại. Đó là lý do chúng tôi cố gắng nỗ lực cùng với Bộ Ngoại giao, với Phòng Thương mại và Liên đoàn thương mại của Riyadh để tổ chức một đoàn như vậy. Thực tế sau khi đoàn về đã có một số hợp đồng được ký kết. Ngay tại diễn đàn doanh nghiệp cũng đã có 4 bản ghi nhớ được ký kết, sau đó các doanh nghiệp của phía Saudi Arabia đã tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam và ký hợp đồng thương mại cụ thể”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho hay.
Một số doanh nghiệp Saudi Arabia đã vào Việt Nam đúng vào khoảng thời gian Ủy ban hỗn hợp hai nước họp vào đầu tháng 12. Đây cũng là một cú huých cho cả hai bên.
Theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng, Saudi Arabia là đất nước có tới 95% lãnh thổ là sa mạc hoặc các vùng đất khô cằn và chỉ 1,45% diện tích đất là có thể canh tác. Họ chỉ có khoảng 15% sản phẩm là tự sản xuất được, còn lại 85% sản phẩm phải nhập từ nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh lớn nhất là về các sản phẩm nông-thủy-hải sản và đang phát huy tốt thế mạnh này. Năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang Saudi Arabia vượt mốc 1 tỷ USD.
Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cũng thường tổ chức diễn đàn thương mại tại thủ đô Riyadh, đi xuống các địa phương của nước sở tại, vừa làm việc vừa kết hợp giới thiệu về các chính sách thương mại, đầu tư của Việt Nam, giới thiệu nông sản phẩm, đem hàng mẫu đi để trưng bày. Đã có những hợp đồng cụ thể được kết nối ngay từ các hoạt động quảng bá như vậy.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Saudi Arabia vào tháng 10 vừa qua là sự kiện quan trọng. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Việt Nam tới Saudi Arabia trong 13 năm qua. Thái tử đồng thời là Thủ tướng Saudi Arabia đã nhận lời mời thăm Việt Nam trong năm 2024. Nếu chuyến thăm cấp cao được thực hiện, sẽ có các đoàn của Saudi Arabia sang Việt Nam. Đó sẽ là một kênh rất tốt để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ không chỉ về chính trị mà cả kinh tế, thương mại.
Theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng, Saudi Arabia không phải là thị trường dễ vào. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tranh thủ để có được sự ưu tiên, nếu không sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất là do đòi hỏi cao về tiêu chuẩn. Thứ hai là cạnh tranh tương đối lớn.
Hiện nay, một trong những chủ trương lớn của Saudi Arabia là phát triển nền kinh tế không dầu mỏ và đang giảm dần các ngành kinh tế sử dụng nhiều dầu mỏ. Thời gian gần đây lĩnh vực xe điện phát triển rất mạnh, Saudi Arabia đã mời các doanh nghiệp nước ngoài vào sản xuất xe điện.
Không chỉ Saudi Arabia mà cả Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm khí thải các bon. Sản xuất xe điện là điểm chung giữa 2 bên để thực hiện mục tiêu này.
"Bên cạnh việc phát huy những thế mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tiếp tục đổi mới vì sự cạnh tranh rất lớn ở thị trường Halal. Đây là thị trường mà Việt Nam mới đang hướng đến, do đó các doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải có sự chuẩn bị, đáp dứng đầy đủ các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường Halal nói chung và thị trường Halal ở Saudi Arabia nói riêng", Đại sứ Đặng Xuân Dũng nói.
Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết, năm 2024, nhân dịp Việt Nam và Saudi kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia dự kiến tổ chức Tuần Việt Nam khoảng 5-7 ngày với nhiều hoạt động phong phú như các buổi biểu diễn văn nghệ, các diễn đàn kinh doanh thương mại, các cuộc tiếp xúc cấp cao…
Tuần Việt Nam tại Saudi Arabia không giúp người dân Saudi Arabia hiểu về văn hóa Việt Nam hơn mà còn mở ra các kênh tiếp xúc, thúc đẩy quan hệ văn hóa nói riêng và quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian tới.
“Đây sẽ là một kênh hiệu quả để người dân ở Saudi Arabia biết nhiều đến Việt Nam hơn. Chúng tôi hy vọng, sau sự kiện này, không chỉ các chính trị gia, các doanh nghiệp, mà cả nhân dân, những nghệ sĩ ở Saudi Arabia cũng sẽ tò mò hơn về Việt Nam, đến Việt Nam tham quan du lịch và tìm hiểu cơ hội kinh doanh đầu tư”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng nhấn mạnh.
Tuần Việt Nam tại Saudi Arabia năm 2024 dự kiến có cả sự liện quảng bá du lịch. Hiện nay Đại sứ quán đang lên kế hoạch và tìm cách phối hợp với các doanh nghiệp trong nước, Tổng cục du lịch Việt Nam cũng như với các doanh nghiệp của Saudi Arabia.
Từ khóa: saudi arabia, việt nam, thị trường saudi arabia, doanh nghiệp việt nam,hội nghị ngoại giao lần thứ 32, ngoại giao kinh tế, đại sứ việt nam tại saudi arabia, tuần việt nam tại saudi arabia, thị trường halal
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hoàng kiều trang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN