Sau dịch Covid-19, tiểu thương các chợ Đà Nẵng mỏi mòn đợi khách
Cập nhật: 22/09/2020
Nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2025 có nguy cơ chậm thanh toán (13/1/2025)
Một nông dân Tiền Giang dự trữ hơn 3 tấn cá “khủng” phục vụ thi trường Tết
VOV.VN - Dù các hoạt động trở lại bình thường nhưng các tiểu thương ở Đà Nẵng vẫn bán buôn chật vật vì vắng khách.
Ế ẩm, tiểu thương ngồi lướt điện thoại
Những ngày qua, tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng vẫn khá vắng dù hoạt động buôn bán đã trở lại bình thường.
Là khu điểm mua sắm sầm uất bậc nhất Đà Nẵng những ngày này chợ Hàn (quận Hải Châu) vẫn trong cảnh đìu hiu. Ngoài những mặt hàng thiết yếu như rau quả, thịt cá... thì các mặt hàng khác thi thoảng mới có khách.
Theo ghi nhận của PV, hiện vẫn có khoảng 50 - 60% ki ốt tại chợ này đang đóng cửa, chỉ mở để quét dọn, tránh hư hỏng, ẩm mốc hàng hóa.
Chị Hồ Thị Lệ Thủy, chủ một ki ốt bán quần áo cho biết, dự định hết tháng 9 ngày chị mới mở cửa buôn bán trở lại vì từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các gian hàng bán quần áo đều không có khách.
“Ngoài phục vụ người dân địa phương, chúng tôi còn phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Thế nhưng từ khi có dịch đến nay khách không có, người dân cũng chẳng mua hàng nên có mở cửa thì cũng không biết bán cho ai”, chị Thủy cho biết.
Cũng theo chị Thủy, chợ Hàn thường ngày nhộn nhịp bởi đây luôn là điểm tham quan, mua sắm của du khách. Vì vậy, nếu đầu tháng 10 tình hình khá hơn thì các tiểu thương mới mở cửa buôn bán trở lại.
Theo chị Trương Thị Định (tiểu thương chợ Hàn), ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình buôn bán của hầu hết tiểu thương giảm sút, nhiều người đóng cửa quầy hàng.
“Từ khi có dịch, người dân hạn chế đến chợ nên việc buôn bán ế ẩm. Bây giờ dịch đã được khống chế, hy vọng du khách sớm trở lại với Đà Nẵng, với chợ Hàn” chị Định nói.
Không chỉ những ki ốt quần áo, đồ may mặc, các quầy hàng bán đồ lưu niệm, hàng đặc sản Đà Nẵng tại chợ Hàn cũng rơi vào cảnh ế ẩm.
Phần lớn các tiểu thương mở cửa bày bán hàng hóa nhưng không có khách nên ngồi chuyện phiếm, bấm điện thoại giết thời gian.
“Không mở cửa thì nóng ruột, mà mở cũng chẳng có khách. Vậy là cứ mở cửa rồi các tiểu thương ngồi tán gẫu hoặc tranh thủ làm những việc lặt vặt giết thời gian”, một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm nói.
Không riêng chợ Hàn, tiểu thương các chợ khác như chợ Cồn, Đống Đa, Bắc Mỹ An... cũng than thở vì ế.
Chị Nguyễn Thị Thuận, tiểu thương bán giày dép, cặp sách tại chợ Bắc Mỹ An cho biết, khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm là cao điểm bán hàng nhưng năm nay tình cảnh quá bi đát.
“Thường vào thời điểm đầu năm học lượng người mua sắm quần áo, cặp sách, giày dép cho con em rất đông nhưng cả tháng nay chỉ lác đác. Do dịch bệnh, những thứ thiết yếu lắm người dân mới mua, còn cái gì chưa cần gấp thì người ta để sau”, chị Thuận nói.
Mong được giảm thuế
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, người dân hạn chế mua sắm nên tiểu thương tại các chợ rơi vào tình cảnh khó khăn.
Hàng hóa không bán được nhưng các tiểu thương vẫn phải “gánh” nhiều chi phí nên khó khăn thêm chồng chất.
Chị Trần Thị Thu Cúc, tiểu thương chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) cho biết, chị và các tiểu thương đang làm đơn xin được giảm thuế vì buôn bán ế ẩm.
“Dịch bệnh, người dân hạn chế đi chợ nên hàng hóa bán rất chậm. Đặc biệt, từ khi Đà Nẵng áp dụng phát phiếu cho các hộ gia đình vào chợ theo ngày tháng cụ thể để phòng chống dịch thì lượng người đi chợ càng ít”, chị Cúc than thở.
Chị Đinh Thị Hồng, tiểu thương chợ Cồn (quận Hải Châu) than thở, buôn bán không được nhưng tiền mặt bằng, tiền thuế… vẫn phải đóng.
“Hàng hóa chủ yếu bán cho khách du lịch nên tôi đang lo để lâu sẽ hết hạn, vứt bỏ. Chỉ mong chính quyền các cấp hỗ trợ, giảm thuế, đồng hành cùng tiểu thương trong lúc khó khăn này”, chị Hồng bày tỏ.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn cho biết, toàn chợ có 800 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các tiểu thương kinh doanh mặt hàng không thiết yếu trong chợ đều phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định. Chỉ một số quầy hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm được hoạt động.
Tuy nhiên, từ khi TP.Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội thì đến nay cũng chỉ có 15-20% hộ kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại do chưa có khách.
Theo ông Thành, để hỗ trợ cho các tiểu thương kinh doanh, trong đợt dịch đầu năm, Công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng (Sở Công Thương TP.Đà Nẵng) đã miễn tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương tạm dừng hoạt động trong suốt thời gian xảy ra dịch.
Đợt dịch này, các tiểu thương tiếp tục dừng hoạt động nên Ban Quản lý chợ Hàn đã có văn bản đề xuất Công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng tiếp tục miễn tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương trong thời gian xảy ra dịch.
Ngoài ra, Ban Quản lý chợ đã làm việc với Đội thuế của Chợ để xem xét miễn thuế cho các hộ tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Đối với các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tạm đóng cửa để phòng chống dịch thì sẽ đề xuất miễn tiền thuê mặt bằng 100% trong thời gian đóng cửa. Các hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu sẽ có thể được giảm 30% tiền thuê mặt bằng trong suốt thời gian bị ảnh hưởng của dịch.
Ngoài ra, BQL cũng miễn tiền điện nước của các hộ kinh doanh trong thời gian tạm dừng hoạt động”, ông Thành cho biết./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN