Sau cánh màn nhung

Cập nhật: 09/02/2024

VOV.VN - Tôi từng ngỡ các nghệ sĩ có ê-kíp hóa trang hỗ trợ trước mỗi đêm diễn. Mãi sau này tôi mới biết, không có ê-kíp nào cả, mỗi nghệ sĩ phải tự hóa trang cho mình.

Tôi là fan của nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc, càng là fan của các vở diễn cổ trang, thần thoại. Mê mẩn những vai diễn lung linh, huyền bí, đầy mê hoặc trên sân khấu, tôi từng ngỡ các nghệ sĩ có ê-kíp hóa trang hỗ trợ trước mỗi đêm diễn. Mãi sau này tôi mới biết, không có ê-kíp nào cả, mỗi nghệ sĩ đều phải tự hóa trang cho mình.

Chuyện về hóa trang

Hậu trường sân khấu của một liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc, NSƯT cải lương Thu Trang chăm chú hóa trang. Sau những thao tác thuần thục, khéo léo, cẩn thận, kỹ lưỡng, trước mắt tôi, nàng Tô Đát Kỷ - Hoàng hậu nước Thương, Vương hậu thứ hai của Trụ Vương - hiện ra với vẻ đẹp sống động, quyến rũ, ma mị. Ngay sau đó, trên sân khấu, nàng Tô Đát Kỷ của NSƯT Thu Trang trong tiểu phẩm “Văn Vương ăn thịt con” đã nhận về những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Tài năng diễn xuất, tài năng hóa trang đã giúp Trang làm nên một vai diễn xuất sắc.

Đáp lại vẻ thán phục của tôi trong suốt thời gian quan sát các nghệ sĩ hóa trang, NSƯT Thu Trang cho hay: Hóa trang là một trong những việc bắt buộc của người nghệ sĩ. Khi còn học ở trường, các sinh viên Khoa kịch hát dân tộc đã được dạy cách hóa trang các kiểu nhân vật: Cổ trang, cận đại, hiện đại, trẻ, già, nghèo khó, sang trọng, lẳng lơ, đau khổ và cả cách hóa trang thành con thú.

Thu Trang là một nghệ sĩ tài năng, kỹ tính, cầu toàn trong nghề nghiệp. Nét kỹ tính ấy, Trang thể hiện không chỉ ở diễn xuất mà cả trong hóa trang nhân vật. Thay vì đặt mua những bộ tóc giả được làm sẵn, Trang tỉ mỉ tự tay làm những bộ khung, cái đảnh - vật dụng lót dưới mái tóc để tạo hình khối và độ dày cho tóc, chọn mua những phụ kiện cài đầu tóc cho những vai cổ trang. Với mỗi nhân vật, Trang tự hình dung ra kiểu dáng đầu tóc phù hợp, rồi khéo léo vén từng lọn tóc cuộn nương theo hình khối, ghim kẹp cho chắc. Sau cùng, cô cài thêm những chiếc trâm, ngắm nghía, chỉnh sửa đến khi hoàn toàn ưng ý mới thôi.

Ngồi kế bên Thu Trang, NSƯT Hoàng Tùng dường như không mảy may bị phân tâm bởi người qua kẻ lại, những ồn ào xung quanh. Anh chú tâm vẽ từng nét chân mày, kiên trì dán từng sợi râu giả, rồi trau chuốt, cắt tỉa… Cứ vậy, sau gần 2 giờ đồng hồ, khi anh đội lên chiếc đầu thụ cũng là lúc anh hóa trang hoàn thiện cho vai diễn của mình - Tây bá hầu Cơ Xương (Chu Văn Vương), một bậc quân vương được coi là chuẩn mực, vì nghĩa lớn phải dằn lòng, nuốt lệ trước nỗi đau nhi tử của ông bị Tô Đát Kỷ giết chết.

Tôi không thể rời mắt khỏi các thao tác hóa trang chuyên nghiệp của NSƯT Hoàng Tùng. Chờ đến khi anh hóa trang xong, tôi hỏi: “Nghệ sĩ phải tự mình hóa trang thế này thì có bị phân tâm trước khi diễn không anh?”, anh bảo: “Với sân khấu truyền thống dân tộc, đặc biệt là tuồng, chèo, cải lương, việc nghệ sĩ tự hóa trang có những ích lợi nhất định. Một là diễn viên hiểu được nhân vật mà mình hóa thân nên sẽ hóa trang được đúng màu của nhân vật đó. Hai là, bản thân hiểu những ưu - nhược điểm trên gương mặt mình, người nghệ sĩ sẽ biết cách khắc phục nhược điểm, tôn lên ưu điểm. Tuy vậy, tôi cũng không phủ nhận nếu có ê-kíp hỗ trợ hóa trang thì trước khi lên sân khấu, diễn viên sẽ có thời gian lắng lại để nhập tâm vào vai diễn hơn”.

“Vừa rồi hóa trang, anh đã mất khá nhiều thời gian cho bộ râu nhỉ!”, nghệ sĩ Hoàng Tùng gật đầu: “Tôi muốn làm râu từ những sợi tóc thật và dán râu để đảm bảo yếu tố chân thực. Đeo râu sẽ không đảm bảo tính thẩm mỹ, còn bị dây thép ghì chặt hàm, gây đau, khó có thể chịu nổi suốt buổi diễn và cũng ảnh hưởng khi mình ca. Tất nhiên, dán râu thì mình phải đầu tư về chất liệu và mất nhiều thời gian hóa trang".

Góp cho vai diễn thành công

Ở nghệ thuật sân khấu tuồng, ngoài việc học hóa trang ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, diễn viên còn được các thế hệ nghệ sĩ tiền bối truyền lại hệ thống mặt nạ mẫu thể hiện tính cách của từng nhân vật đi theo mặt nạ đó. Nghệ sĩ tuồng Vũ Mạnh Linh chia sẻ, thường trong tuồng cổ mới có mặt nạ mẫu và phải vẽ theo những nét được truyền lại đó. Còn tuồng lịch sử, tuồng hiện đại hóa trang đơn giản hơn và các nghệ sĩ phải nghiên cứu xuất thân của nhân vật để có được những nét vẽ mặt phù hợp với thời đại đó ấy. Hóa trang trong nghệ thuật tuồng rất khó. Để hóa trang thành thục, nét vẽ đẹp hơn, nhân vật của mình giống nhất so với bản mặt nạ mẫu thì chỉ có cách là được biểu diễn nhiều lần, vẽ nhiều, có như vậy, trình độ hóa trang mới tốt hơn, nhanh hơn.

Đưa tôi xem ảnh chụp mình đang hóa trang một vai tướng, NSƯT Vũ Mạnh Linh cho hay: “Hóa trang đào kép đẹp đơn giản hơn hóa trang vai phản diện hoặc vai tướng, nhất là những vai tướng nổi tiếng trong tuồng thường có những nét vẽ chi tiết rất khó".

Trò chuyện với NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam về câu chuyện hóa trang của diễn viên, anh chia sẻ: “Trước đây, khi còn là một diễn viên, những hôm hóa trang mà vẽ được dung mạo đẹp, tôi rất hạnh phúc. Việc tự mình hóa trang là một yêu cầu nghề nghiệp, cũng là một niềm say mê chứ không gây áp lực cho nghệ sĩ. Để dành một khoảng thời gian tĩnh tâm cho việc chuẩn bị nhập vai trước khi lên sân khấu, thường thì các nghệ sĩ sẽ hóa trang sớm lên một chút trước giờ biểu diễn. 

Ở miền Bắc, trong các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay thường không có biên chế cho các chuyên gia hóa trang. Các nghệ sĩ thường tự hóa trang cho mình, trừ một số vai diễn cần hiệu ứng đặc biệt - như vai Bác Hồ - sẽ phải ký hợp đồng với chuyên gia hóa trang. Còn với các đơn vị cải lương miền Nam ngoài công lập, hoạt động trong môi trường xã hội hóa, không bị ràng buộc bởi các quy định về mặt quản lý Nhà nước nên thường có có chuyên gia hóa trang hỗ trợ cho diễn viên.

Giảng dạy môn hóa trang tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, ngay khi còn học ở trường, sinh viên đã phải nắm được các kiến thức hóa trang cơ bản cho các mô hình nhân vật: đào, kép, lão, mụ, đào lẳng, kép độc … và cách hóa trang tạo hiệu quả đặc biệt như hóa trang nhân vật Chí Phèo, Thị Nở; hóa trang các nhân vật thần thoại… Cần chú ý nghiên cứu kỹ tới các yếu tố bối cảnh, thời đại, tính chất, đặc điểm bên trong, bên ngoài của nhân vật để có cách hóa trang cho phù hợp. Với đề tài cận và hiện đại thì chỉ hóa trang nhẹ như trang điểm. Đề tài thần thoại, cổ điển sẽ hóa trang đậm và mang yếu tố biến hóa nhiều hơn. Hóa trang trong nghệ thuật Tuồng thì khuôn thước, bài bản; trong nghệ thuật Chèo thì khá mộc mạc và thường tôn vinh những nét đẹp dân gian, gần với thực tế đời sống.

Cách hóa trang, tạo nên diện mạo của mỗi tuyến nhân vật chính diện hay phản diện trong sân khấu truyền thống dân tộc từ xưa đã được quy định rất chặt chẽ, được định hình thành quy chuẩn, quy ước. “Người nghệ sĩ có thể phá cách đôi chút theo cá tính, quan điểm sáng tạo của mình, nhưng không được quyền làm sai lệch mô hình, tính chất của nhân vật được đảm nhiệm”, NSND Triệu Trung Kiên lưu ý.

Hiện nay, do đã có phương tiện trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, hiệu ứng sân khấu rất tốt, các khán phòng cũng không quá rộng, lại thường có các kênh truyền hình đến ghi hình quảng bá hoặc phát sóng trực tiếp, vì vậy, nếu hóa trang quá đậm sẽ bị lố, khán giả sẽ thấy phản cảm. Bởi thế, xu hướng hóa trang hiện nay của nghệ thuật sân khấu truyền thống là nhẹ nhàng hơn nhiều so với trước. Đó là nhận định chung của các nghệ sĩ khi nói về chủ đề này.

Việc hóa trang nhân vật góp phần không nhỏ vào thành công của một vai diễn. “Thế nhưng, hiện nay, việc học hóa trang của sinh viên Khoa kịch hát dân tộc chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Số giờ học hóa trang không nhiều nên sinh viên chỉ được học những kiến thức cơ bản. Đào tạo diễn viên ngành nghệ thuật truyền thống lẽ ra phải từ trung cấp lên đại học, tức là khoảng 14, 15 tuổi đã bắt đầu phải học rồi. Thế nhưng, hiện việc đào tạo sinh viên Kịch hát dân tộc chỉ ở cấp độ đại học, thời gian quá ngắn ngủi nên các em khó có thể thẩm thấu được đầy đủ giá trị của nghệ thuật truyền thống. Đấy là bất cập trong đào tạo diễn viên sân khấu nghệ thuật truyền thống hiện nay. Giới sân khấu đã và đang có ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, NSND Triệu Trung Kiên trăn trở.

Từ khóa: Nghệ sĩ, Nghệ sĩ,Nghệ sĩ tự hóa trang cho mình sau cánh màn nhung

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: ngọc vũ/ báo tnvn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập