VOV.VN - Các cuộc tấn công gần đây của UAV Lancet từ Nga không chỉ cho thấy khả năng ngày càng gia tăng của vũ khí này mà còn cho thấy thách thức của Ukraine nhằm bảo vệ các phương tiện giá trị của mình.
UAV Lancet – “Sát thủ bầu trời”
Kể từ khi được sử dụng với số lượng lớn trên chiến trường vào cuối năm 2022, UAV Lancet được biết tới là vũ khí hiệu quả nhất của Nga nhằm vào các mục tiêu giá trị cao của Ukraine, thường được đặt cách tiền tuyến hàng chục km. Các mục tiêu bị UAV loại bỏ bao gồm mọi thứ từ xe tăng Leopard, hàng chục lựu pháo của phương Tây, hệ thống phòng không S-300, radar và nhiều vũ khí khác.
Đặc biệt, vào mùa thu năm nay, 2 chiến đấu cơ của Ukraine gồm một tiêm kích MiG-29 và Su-25 đã bị UAV Lancet phá hủy tại căn cứ không quân gần Kryvyi Rih, cách vùng lãnh thổ gần nhất Nga kiểm soát khoảng 65km.
Các cuộc tấn công này không chỉ cho thấy khả năng ngày càng gia tăng của UAV trên mà còn cho thấy thách thức của Ukraine nhằm bảo vệ các phương tiện giá trị của mình. Các quan chức Ukraine cũng công khai nói về mối nguy hiểm do UAV Lancet gây ra.
Trong một bài bình luận được đăng tải trên Economist ngày 1/11 về những thách thức công nghệ trong tình hình chiến trường hiện nay, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã đặc biệt đề cập đến UAV Lancet và cho rằng việc đối phó với chúng "khá khó khăn".
"Nga đã có một vũ khí đáp ứng nhiều yêu cầu trong giao tranh và đó là một hệ thống có khả năng giúp họ đạt tiến triển", chuyên gia về UAV và robot Samuel Bendett nhận định. Theo ông, đó là lý do tại sao Ukraine "công khai nói rằng chúng vô cùng nguy hiểm".
Nhận thấy thành công của loại vũ khí này, Moscow hiện đang tìm cách tăng cường khả năng của UAV Lancet với một phiên bản mới được cho là có thể bay thành bầy đàn, tìm và tấn công mục tiêu tự động.
UAV Lancet lần đầu tiên được Zala Aero cho ra mắt tại một triển lãm quân sự ở Moscow năm 2019, ngay trước thời điểm vũ khí cảm tử lưu động bắt đầu khẳng định vai trò trên chiến trường.
2 mẫu UAV được tiết lộ bao gồm Lancet-3 với tải trọng tối đa là 3kg cùng với phiên bản nhỏ hơn là Lancet-1 với tải trọng 1kg. Mặc dù chỉ có tải trọng nhỏ nhưng vũ khí này có thể vô hiệu hóa và phá hủy các phương tiện quân sự lớn với một cú tấn công chính xác.
UAV Lancet là một vũ khí gây khó khăn đáng kể cho các lực lượng của Ukraine. Các máy bay không người lái trinh sát tầm xa của Nga như Orlan-10 và SuperCam sẽ phát hiện mục tiêu, sau đó UAV Lancet sẽ được phóng từ một vị trí đặc biệt và bay tới tốc độ khoảng 300km/h.
Cũng giống như các tên lửa tầm xa của Nga, các thiết bị điện tử trang bị trên UAV Lancet, chạy bằng các vi mạch do phương Tây sản xuất, hiện vẫn tiếp tục chảy vào Nga qua các nước thứ ba, bất chấp lệnh trừng phạt.
UAV Lancet đã lấp đầy khoảng trống quan trọng của các cuộc tấn công chính xác tầm trung và chiến thuật phản pháo.
"Thậm chí cả khi các phương tiện của chúng tôi bị giấu trong bụi cây thì UAV Lancet vẫn phát hiện ra chúng từ xa và lao vào nó giống như một con chim ưng", Oleksandr “Hollywood", một chuyên gia phòng không thuộc Lữ đoàn Cơ giới 47 của Ukraine cho hay.
VOV.VN - Các chuyên gia quân sự đánh giá rằng, trong thời gian gần đây, Ukraine có thể đã thay đổi chiến thuật và sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để phá hủy và đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Nga.
Theo một báo cáo trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1 của Nga vào tháng 7/2023, Nga đã tăng cường quy mô sản xuất UAV Lancet, điều chỉnh lại mục đích sử dụng các trung tâm thương mại bị bỏ lại bởi các công ty phương Tây.
Hình ảnh về một nhà máy sản xuất UAV Lancet đã làm dấy lên phản ứng rộng rãi của Ukraine trên mạng xã hội khi nhiều người cảnh báo mối nguy hiểm của việc đánh giá thấp khả năng của Nga cả về quy mô cải tiến và sản xuất trong các khu quân sự - công nghiệp.
Cũng giống như các UAV và thiết bị khác, phần cứng và phần mềm của UAV Lancet thường xuyên được Zala Aero điều chỉnh để bay xa hơn và chính xác hơn như đã thấy trong các cuộc tấn công vào tiêm kích của Ukraine vừa qua.
"Rõ ràng có nhiều phản hồi từ tiến tuyến và có nhiều sức ép lên các nhà phát triển UAV trong nước để sản xuất ra những UAV cần thiết nhất", ông Bendett cho hay.
Theo ông: "Hai nhân tố trên đã kết hợp để tạo điều kiện cho các cuộc thử nghiệm và đánh giá diễn ra”.
Thiếu khả năng đối phó hiệu quả với UAV Lancet, các lực lượng của Ukraine đã tăng cường bảo vệ các tài sản của mình bằng các biện pháp phối hợp.
Với kích cỡ nhỏ và tín hiệu nhiệt thấp, các UAV Lancet rất khó bị phát hiện bằng các radar phòng không thông thường và bởi vì chúng chỉ có chi phí sản xuất thấp nên việc sử dụng tên lửa phòng không dẫn đường để đối phó với chúng là không phù hợp.
Thông thường, nhiệm vụ bắn hạ UAV Lancet thuộc về pháo phòng không ZU-23 thời Liên Xô của lực lượng phòng không Ukraine, Mặc dù Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một số UAV Lancet nhưng kích cỡ nhỏ và việc khó có thể phát hiện ra chúng khiến những chiến thắng của Kiev trở nên hiếm hoi.
"Chúng tôi có một lữ đoàn có người bắn hạ UAV này bằng một khẩu AK nhưng đó hoàn toàn là nhờ may mắn", ông Oleksandr cho hay.
Hệ thống tác chiến điện tử cũng là một lựa chọn. Hiện nay, cả Nga và Ukraine đều chạy đua trong việc triển khai nhiều hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ hơn trên chiến trường.
Khi những nỗ lực trên đều thất bại, pháo binh Ukraine thường xây dựng các tấm lưới thép quanh lựu pháo để bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công của UAV Lancet. Đây thường là cách phòng thủ hiệu quả nhất. Thậm chí cả khi tấm lưới trên không thể gài bẫy UAV mà không làm nó phát nổ, sự bảo vệ trên vẫn hạn chế tổn thất so với một cú tấn công trực tiếp.
Dù vậy, theo ông Bendett, không có biện pháp đối phó đơn lẻ nào là hiệu quả 100% với UAV Lancet và cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau.
Mối đe dọa mới của Ukraine
Trong khi các mẫu UAV Lancet hiện nay tiếp tục phát huy hiệu quả thì Nga tuyên bố sẽ xem xét phát triển một phiên bản mới. Điều này được cho là không chỉ gây ra mối đe dọa mới cho Ukraine mà còn thay đổi hoàn toàn tác chiến tương lai của thế kỷ 21.
Ngày 21/10, các kênh Telegram của Nga đã ghi nhận việc sử dụng Izdelie-53 lần đầu tiên - một mẫu UAV Lancet mới. Video được đăng tải cho thấy điểm nhìn của UAV, được cho là Izdelie-53 đang lao xuống hệ thống tên lửa phóng loạt Vampire do Cộng hòa Séc sản xuất. Một video quảng bá về UAV mới của Zala Aero đã cho thấy các đặc tính hình học đặc biệt của Izdelie-53, vẫn có 4 cánh lớn gắn phía trước, nhưng lần này được gắn ở góc 45 độ, thay vì ở cấu hình chữ X và mở ra khi phóng. Biến thể mới không có cánh nhỏ ổn định phía sau. Izdelie-53 có một camera hướng xuống dưới để lập bản đồ môi trường xung quanh và tìm mục tiêu.
Các UAV mới của Nga được cho là có thể bay thành bầy đàn với hàng chục UAV cùng lúc. Theo nhà sản xuất Zala Aero, các UAV trong bầy đàn sẽ liên lạc với nhau một cách tự động qua "mạng thần kinh", khiến cho chúng có thể xác định vị trí, ưu tiên và tấn công các mục tiêu, áp đảo hệ thống phòng không đối phương.
Dù chúng có hoạt động tự động hay không thì việc sử dụng bầy đàn UAV là một bước đi tất yếu tiếp theo trong cuộc đua vũ trang UAV toàn cầu và là một mối lo ngại lớn cho Ukraine, hiện đang chật vật để bảo vệ các mục tiêu giá trị cao phía sau phòng tuyến.
VOV.VN - Trang tin Avia.pro đưa tin, các lực lượng Nga đã phá hủy một trạm radar phản pháo AN/TPQ-37 của Ukraine ở phía Bắc làng Alexandro-Kalinovo thuộc vùng Donetsk.
Từ khóa: uav lancet, uav của nga, thách thức của ukraine, ukraine tiến thoái lưỡng nan, sát thủ bầu trời, vũ khí nga, vũ khí ukraine, xung đột ở ukraine