Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Dấu ấn tỉnh Thanh Hóa năm 2019
Cập nhật: 07/01/2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội: QĐND Việt Nam trung thành, xung kích, tin cậy
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai
VOV.VN - Một trong những dấu ấn nổi bật của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2019 là kết quả thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Là tỉnh có số đơn vị phải sắp xếp nhiều nhất, số đơn vị hành chính cấp xã giảm đi nhiều nhất, nhưng với quyết tâm cao và những cách làm khoa học, Thanh Hóa đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, được Chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá cao.
Sơ đồsắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Thanh Hóa. |
Triển khai Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh Hóa đã xây dựng đề án tổng thể sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị.
Để tạo đồng thuận trong cán bộ và nhân dân, địa phương đã làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Do vậy, kết quả lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập, tỷ lệ đồng ý lên đến 93,81%.
Vấn đề mấu chốt, được quan tâm hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa khi thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đó là công tác cán bộ. Tính chung trong toàn tỉnh, số đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp lên tới 143 đơn vị, sau khi sắp xếp sẽ giảm 76 đơn vị, nên sẽ dôi dư 629 cán bộ, 679 công chức, 1.199 người hoạt động không chuyên trách.
Xác định đây là việc khó, nên tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố chủ động gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của từng cán bộ, động viên, giải thích để họ yên tâm làm việc. Đồng thời, tiến hành rà soát chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của từng cán bộ để lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là những cán bộ giữ chức danh đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Sở Nội vụ cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, theo nguyên tắc vừa đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, vừa hợp tình, hợp lý, tránh để cán bộ công chức tâm tư, bức xúc.
Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc sát nhập đơn vị hành chính, nhất là những đơn vị chưa đạt chuẩn là tầm nhìn rất đúng, trước mắt rất khó khăn nhưng về mặt lâu dài huy động nguồn lực bố trí sẽ hợp lý đặc biệt là vấn đề tăng cường cơ sở vật chất cho cấp xã không lãng phí, tiết kiệm sự huy động đóng góp của nhân dân cũng như sự đầu tư của nhà nước”.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đó là việc sử dụng hợp lý, hiệu quả công sở và cơ sở vật chất hiện có. Sắp xếp lại trạm y tế theo hướng giảm đầu mối, nhưng trước mắt vẫn sử dụng các trạm y tế cũ để tạo thuận lợi cho nhân dân trong khám, chữa bệnh. Đối với các trường học, tinh thần chung là giữ ổn định để không làm xáo trộn việc học tập của học sinh.
Với sự nỗ lực, quyết tâm và những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tháo gỡ, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã một cách thuận lợi, đảm bảo các yêu cầu đề ra. Ngày 1/12/2019, các địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ công bố quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trong niềm hân hoan, đồng thuận và tin tưởng của cán bộ, nhân dân.
Một góc xã Yên Trường - một trong những xã ở huyện Yên Định thuộc diện phải sắp xếp lại đơn vị hành chính. |
Ông Nguyễn Lợi Đức, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền tạo sự đồng thuân cho nhân dân, quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các công viện như bố trí sắp xếp cán bộ đảm bảo theo quy định,đồng thời quan tâm chế độ chính sách cán bộ sau sắp xếp theo quy định của trung ương và của tỉnh”.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương đúng đắn, khách quan, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của cuộc sống, nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc.
Là tỉnh có diện tích rộng thứ 5, dân số đông thứ 3 và số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất cả nước, thành công bước đầu trong thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ là tiền đề tạo ra những động lực rất quan trọng cho sự phát triển của các địa phương, cũng như sự phát triển lâu dài của tỉnh Thanh Hóa./.
Từ khóa: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Thanh Hóa, đơn vị hành chính, sáp nhập xã
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN