Sao dư luận lại định kiến khi bổ nhiệm “con ông, cháu cha”? ​

Cập nhật: 24/07/2020

VOV.VN - Câu trả lời cũng không khó bởi từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã bao nhiêu “hạt giống đỏ” bị “chín ép”, chưa kịp tỏa sáng đã thui chột.

Hai ngày hôm nay, mạng xã hội bàn tán câu chuyện một cán bộ trẻ thuộc thế hệ 8X được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư thành ủy của một thành phố rất gần với Thủ đô Hà Nội. Họ bàn vào, tán ra, soi xét lý lịch, soi xét bằng cấp, soi xét con đường “thăng quan, tiến chức”. Tất cả cũng bởi vị cán bộ này xuất thân trong một gia đình có "truyền thống làm quan" và cha ông đang giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của tỉnh.

sao du luan lai dinh kien khi bo nhiem "con ong, chau cha"?  ​ hinh 1
Sao dư luận lại định kiến khi bổ nhiệm “con ông, cháu cha”? Ảnh: Vietnamnet

Trước hết, việc điều động, bổ nhiệm nhân sự trong dịp Đại hội Đảng cũng là chuyện hết sức bình thường nhằm củng cố đội ngũ lãnh đạo, trong đó “cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc” được ưu tiên giữ một tỷ lệ nhất định. Quá trình điều động, bổ nhiệm phải tuân thủ các quy trình, quy định và chắc hẳn vị cán bộ này phải có những ưu điểm vượt trội, có khả năng lãnh đạo thật sự thì những người làm công tác tổ chức mới đề đạt, giới thiệu. Sử dụng người trẻ, người tài để tạo ra những luồng gió mới chẳng phải là chủ trương được khuyến khích hay sao?

Truyền thống gia đình cũng là một điểm cộng. Nhiều người, bằng cấp có thể không “nuột nà”, không tốt nghiệp những trường danh tiếng nhưng kế thừa “truyền thống cha ông”, họ có khả năng quy tụ và tập hợp quần chúng, có tài ăn nói hơn người. Bởi vậy, dù còn trẻ tuổi nhưng họ đã mạnh dạn nhận sự phân công, điều động của tổ chức, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách phía trước. Đó cũng là yếu tố hơn người. Các cụ nói “tre già, măng mọc”. Đội ngũ kế cận như vậy rất đáng được trân trọng.

Vậy, dư luận vẫn phản ứng, vì sao? Phải chăng họ định kiến?

Câu trả lời cũng không khó bởi từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã bao nhiêu “hạt giống đỏ” bị “chín ép” hoặc bị "lép", chưa kịp tỏa sáng đã thui chột, bao nhiêu người được bổ nhiệm thần tốc, được "nâng đỡ không trong sáng", bao nhiêu người bẽ bàng làm lại từ đầu, bao nhiêu người âm thầm chọn một lối đi khác…. mà lẽ ra, với bằng cấp được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế, nếu để họ phấn đấu một cách bền vững thì có thể, một ngày nào đó, họ sẽ khẳng định được mình, được tỏa sáng trong sự nể trọng của bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân.

Bởi vậy, có người lại thủng thẳng bảo rằng “thương con như thế, khác gì hại con”.

Quyền lực như con dao hai lưỡi. Quyền lực quá sớm cũng khiến người ta dễ ảo tưởng về bản thân. Họ không được rèn luyện, tu dưỡng trong những môi trường khắc nghiệt, không kinh qua những khó khăn, thử thách, không thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nhân dân. Bởi vậy, nếu có quyền lực trong tay, họ rất dễ bị tha hóa, dễ bị những “viên đạn bọc đường” làm lu mờ lí trí, sa đà vào việc hưởng thụ bổng lộc mà quên mất việc phải cống hiến, cống hiến và cống hiến.

Tham nhũng trong công tác cán bộ còn tệ hại hơn tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế. Một cán bộ tham nhũng có thể bòn rút của nhân dân một số tiền nhất định. Một cán bộ không đặt đúng chỗ, nhất là cán bộ giữ vị trí trọng yếu thì ảnh hưởng đến cả một ngành, một địa phương.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, Đảng ta ra hẳn một Quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền (Quy định 205-QĐ/TW 2019). Quy định nêu rõ: Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ./.

Từ khóa: bổ nhiệm bí thư thành ủy bắc ninh, nguyên nhân chinh, nguyễn nhân chiến, cả họ làm quan

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập