Sáng suốt lựa chọn đại biểu xứng đáng vào cơ quan dân cử
Cập nhật: 17/03/2021
(VOV5) - Hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam các cấp.
Từ ngày 15/3 đến ngày 13/4, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bắt đầu đợt 1 kiểm tra, giám sát công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Mỗi đoàn giám sát tổ chức đi kiểm tra tại 3 địa phương cấp tỉnh và 1 địa phương cấp huyện ở mỗi tỉnh.
Ảnh minh họa: stp.thanhhoa.gov.vn |
Trong công tác bầu cử, ngoài thực hiện các quyền và trách nhiệm tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hôi, đại biểu Hội đồng nhân dân, tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử… MTTQ các cấp có còn thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Việc giám sát góp phần lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Quy trình chặt chẽ
Việc kiểm tra, giám sát của MTTQ nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương, qua đó phát hiện khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: VOV |
Theo ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, mục đích của giám sát góp phần làm cho công tác chuẩn bị, thông tin tuyên truyền đầy đủ đến người dân, nhất là việc liên quan đến công tác lập danh sách người ứng cử để người dân hiểu và nắm rõ thông tin của người mà mình sẽ bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương, ở địa phương. Về những nội dung cụ thể được tập trung giám sát, ông Ngô Sách Thực cho biết: “Trong Chương trình đề ra 8 nội dung, trong đó tập trung vào những nội dung, những khâu liên quan đến công tác Mặt trận các cấp từ trung ương, địa phương tham gia vào các tổ chức bầu cử, làm sao phải đúng thành phần và có tiếng nói. Mỗi tổ chức bầu cử đều có sự tham gia của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Sự tham gia đó góp phần cho các phần công việc chuẩn bị bầu cử, thông tin tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Đấy là khâu rất quan trọng. Thứ hai là tập trung vào những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn ứng cử và những phần hiệp thương để đảm bảo các quy định của luật. Trong những nội dung này thì các bước được thực hiện phải rất chặt chẽ để lựa chọn, sàng lọc những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội cũng như HĐND các cấp”.
Để việc giám sát hiệu quả cao nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai nhiều hình thức. Mỗi thành viên của Mặt trận đều có quyền tham gia góp ý vào những nội dung công tác chuẩn bị, qua phản ánh của người dân. Ông Ngô Sách Thực chia sẻ: “Trách nhiệm của từng cấp Mặt trận sẽ phải tổ chức các cuộc giám sát để qua các cuộc giám sát có ý kiến, kiến nghị ngay. Đặc thù của vấn đề là không thể để kỳ sau được, mà trong từng giai đoạn, từng bước, những vấn đề gì mà bất cập, cần phải hoàn chỉnh trong từng bước trong quy trình 16 bước để đến ngày bầu cử là 23 tháng 5 thì phải kiến nghị kịp thời trước các bước đó để hoàn chỉnh. Như vậy, giám sát góp phần vào mục đích là chúng ta chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và công bằng”.
Thực hiện khoa học đạt hiệu quả cao nhất
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết trong công tác bầu cử, hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam các cấp. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, để chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ giám sát bầu cử, MTTQ Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử và Kế hoạch triển khai kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát bầu cử luôn bảo đảm thực hiện đúng các quy định về bầu cử, bám sát các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Việc giám sát phải có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan. Phát huy các hình thức giám sát theo quy định của phát luật, giám sát của Nhân dân, đại diện các tổ chức, báo chí.
Kiểm tra, giám sát công tác bầu cử nhằm nắm bắt tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để hướng dẫn hoặc đề xuất các biện pháp khắc phục kịp thời. Việc kiểm tra, giám sát được triển khai chặt chẽ, hệ thống sẽ góp phần bảo đảm thành công của cuộc bầu cử, đảm bảo sự dân chủ, đúng luật, lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giám sát, công tác bầu cử, Đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ quan dân cử, công tác bầu cử
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5