Sản phẩm xanh là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp năm 2025

Cập nhật: 14 giờ trước

VOV.VN - Tuân thủ các tiêu chuẩn xanh để có sản phẩm xanh không chỉ là thách thức, còn là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi.

Sản phẩm xanh ngày càng được quan tâm, coi trọng khi các quy định như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và EUDR (Quy định về lâm sản của EU) ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN Việt Nam. Đặc biệt là các DN xuất khẩu vào thị trường EU, khi CBAM đã được kích hoạt từ tháng 10/2023 và từ 30/12/2025 EUDR cũng chính thức được đưa vào áp dụng.

Tăng sản phẩm xanh - giảm nhiều chi phí

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh không chỉ là thách thức, còn là cơ hội lớn cho DN Việt Nam trong nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Đặc biệt, thị trường châu Âu đang ngày càng yêu cầu cao về tính bền vững của sản phẩm, tạo ra áp lực nhưng cũng là động lực cho DN chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.

Khẳng định tầm quan trọng của các cơ chế, quy định từ thị trường xuất khẩu, ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam - ASEAN cho biết, CBAM sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ ngay lập tức đến 4 lĩnh vực các DN Việt Nam đang xuất khẩu, đó là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm. Sau đó, cộng với sự tác động từ EUDR, các lĩnh vực như nông sản, thủy sản, lâm sản, dệt may và các sản phẩm công nghiệp … cũng sẽ chịu sức ép từ việc đánh thuế carbon của châu Âu. “DN cần chủ động thích ứng để không chỉ tồn tại, còn phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu”, ông Minh lưu ý.

Sản phẩm xanh sẽ giảm được định mức tiêu hao, giảm được các chi phí xử lý chất thải, từ đó mang lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế. Đó là nhận định của ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khi cho rằng, tiêu chuẩn xanh trong công nghiệp hóa chất còn nâng cao vị thế của DN, đặc biệt là khi DN hòa nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu.

“DN hóa chất khi đã quản lý môi trường tốt, loại bỏ được các chất thải có thể dễ dàng xâm nhập được các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường EU. Hiện chi phí công nghệ cũng như giá thành sản xuất cho các sản phẩm xanh hiện nay còn cao, các cơ chế, chính sách dù đã có nhưng đối với ngành hóa chất để tiếp cận chưa thực sự rõ ràng”, ông Bộ nêu.

Công nghiệp da giày là một ngành hội nhập rất lớn, chính vì thế việc đáp ứng các yêu cầu đối với các tiêu chuẩn xanh bền vững là yêu cầu cấp bách đối với các DN. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trước đây yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra, nhưng đến nay các yêu cầu này đã được Luật hóa. Riêng với da giày, các thị trường chính như Mỹ, EU,… là những thị trường có đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao.

“Thị trường EU bắt đầu đưa ra những yêu cầu về chuyển đổi xanh, đặc biệt khối này ban hành đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay đạo luật về chống phá rừng. Sắp tới còn hàng loạt các đạo luật mới như đạo luật về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái và hàng loạt các yêu cầu khác, là những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi 2 thị trường này chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu”, bà Xuân thông tin.

Chuyển đổi xanh cho cuộc chơi bền vững

Xu thế chuyển đổi xanh của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là yêu cầu “sống còn” đối với các DN. Thời gian qua, Bộ Công Thương hiện đã có những chính sách, hoạt động hỗ trợ DN trong việc phát triển chuỗi cung ứng sản xuất bền vững nói chung và xanh hóa chuỗi cung ứng dệt may, da giày nói riêng. TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, các chương trình của Bộ Công Thương đều hỗ trợ các DN tiếp cận gần hơn từ chuyển đổi công nghệ, công nghệ nhập khẩu, công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của các thị trường quốc tế.

“Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu theo hướng bền vững, ổn định tại tất cả các thị trường. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến công quốc gia và công nghiệp hỗ trợ đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành công nghiệp đáp ứng được các yêu cầu phát triển đối với nguyên, phụ liệu, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn của thị trường”, ông Hội cho hay.

Theo bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhận thức về xanh hóa công nghiệp vẫn là khó khăn lớn nhất trong nhận thức cũng như triển khai thực hiện. Để thúc đẩy xanh hóa trong công nghiệp, các DN cần tập trung thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

“Bản thân các DN phải tự nghiên cứu tính toán các phương án xanh hóa trong giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng để giải bài toán về chi phí sản xuất. Từ những mô hình thí điểm, các DN sẽ lựa chọn được giải pháp nào là tối ưu nhất”, bà Phương nêu.

Xu hướng sản phẩm xanh đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư, nên các DN buộc phải chuyển đổi xanh để không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu. Mỗi DN cần phải chủ động thay đổi tư duy, để lộ trình chuyển đổi xanh sẽ được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp DN tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ khóa: sản phẩm xanh, sản phẩm xanh,xanh hóa, sản xuất xanh, thách thức, cơ hội

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập