Sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL phải có mặt ở các địa phương

Cập nhật: 25/03/2021

VOV.VN - Với thế mạnh là thủy sản, trái cây và lúa gạo, các địa phương vùng ĐBSCL đã khai thác, phát huy, đánh thức thế mạnh tài nguyên bản địa khu vực nông thôn vào từng sản phẩm OCOP và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân.

Để sản phẩm OCOP với khát vọng vươn xa, ngoài việc đầu tư dây chuyền, quảng bá sản phẩm trên các kênh phân phối thì các doanh nghiệp cần chú trọng tới tính đa dạng của sản phẩm, vùng nguyên liệu và chỉ dẫn địa lý.

Trong thời gian qua, cùng với việc tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm được tỉnh Sóc Trăng chú trọng. Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng còn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời ký kết 25 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, 75 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp với các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối lớn, như Co.opMart, Lotte, Tứ Sơn.

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, điểm nhấn để phát triển sản phẩm OCOP là địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp, các chủ thể OCOP tìm hiểu về tiềm năng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại các cửa khẩu vùng giáp biên giới; tìm kiếm và kết nối giữa các nhà nhập khẩu, đơn vị phân phối, các đối tác liên doanh để từ đó đưa sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến.

"Chọn điểm thành lập trung tâm OCOP và đặc sản vùng miền của tỉnh, nhằm giới thiệu quảng bá, kết nối giao thương hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành trong cả nước. Xây dựng sàn thương mại giao dịch, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, từng bước đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng chủ lực của tỉnh Sóc Trăng đặc biệt là sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trong cả nước, từng bước sẽ đi vào thị trường thế giới" - ông Võ Văn Chiêu chia sẻ.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã mang lại kết quả tích cực, phát triển nhiều sản phẩm tiêu biểu tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, tỉnh Vĩnh Long tập trung vào 4 nhóm sản phẩm là thực phẩm đồ uống, sản phẩm lưu niệm, nội thất trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn.

Đến nay, địa phương đã công nhận được 34 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao của 24 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Trong đó, có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 26 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn do thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận công nghệ mới, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại và sản xuất đại trà đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mặc dù các sản phẩm OCOP tiêu thụ nhanh nhưng chưa thực sự bền vững khi vẫn còn nhiều sản phẩm khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: "Tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường thông tin tuyên truyền cho các sản phẩm dịch vụ làng nghề nông thôn và tiến hành nâng cao năng lực cho các tổ chức cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình. Quan trọng nhất là thường xuyên đánh giá phân hạng, xếp loại các sản phẩm OCOP để tiến hành phát triển các sản phẩm này hoàn thiện trong thời gian tới".

Với thế mạnh là thủy sản, trái cây và lúa gạo, các địa phương vùng ĐBSCL đã khai thác, phát huy, đánh thức thế mạnh tài nguyên bản địa khu vực nông thôn vào từng sản phẩm OCOP và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân.

Đã có hơn 500 sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL được công nhận, nhiều sản phẩm đã chinh phục được thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ quảng bá trên các kênh thương mại điện tử, các địa phương đã tổ chức hội chợ, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại để người tiêu dùng cảm nhận và đón nhận các sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ thực tế, các sản phẩm OCOP hiện nay vẫn còn đơn điệu, chưa chú trọng nhiều đến mẫu mã, bao bì sản phẩm hay bộ nhận diện thương hiệu, điều này dẫn tới sản phẩm chưa khẳng định được thế mạnh vốn có. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn để ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng vẫn chưa nhiều, đây là những khó khăn để sản phẩm OCOP vươn xa.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, để thực hiện ước mơ đưa sản phẩm của địa phương đi xa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, thời gian qua, Đồng Tháp đã khai thác các sản phẩm thế mạnh khu vực nông thôn, có 161 sản phẩm OCOP được công nhận. Để sản phẩm bay cao, bay xa địa phương đã thành lập Trung tâm Giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội và TP. HCM, bước đầu đã được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.

Ngoài ra, trong định hướng phát triển sản phẩm OCOP địa phương sẽ phát triển các sản phẩm chủ lực để nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế.

Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết thêm: "Trong thời gian tới Đồng Tháp sẽ kích hoạt mạnh hơn, tuyên truyền mạnh hơn, vận động mạnh hơn, phát động phong trào khởi nghiệp, phong trào toàn dân thực hiện những sản phẩm này sẽ chuyển mạnh hơn trong thời gian tới. Một điểm mừng bên cạnh phát triển OCOP thì Đồng Tháp sẽ tăng cường việc xác nhận những tiêu chuẩn, tiêu chí đạt tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài, đồng thời, gắn chặt với phát triển thương mại". 

Theo ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương vùng ĐBSCL cần nghĩ tới việc thành lập Trung tâm giao dịch sản phẩm OCOP và đặc sản của các địa phương đặt ở các tỉnh khác, đặc biệt là tại Hà Nội. Thời gian qua, Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm nông sản đặc sản ở Hà Nội, đây cũng là địa phương đầu tiên của vùng tiên phong đưa sản phẩm đặc sản của địa phương ra Hà Nội.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi thành lập Trung tâm giao dịch sản phẩm OCOP và đặc sản, thì các địa phương cần tổ chức sự kiện văn hoá mang dấu ấn địa phương để tạo ra hình ảnh, điểm nhấn của mình. Đây là cách để các địa phương quảng bá và tiêu thụ nhanh các sản phẩm do tập thể tạo dựng nên.

"Tạo ra hình ảnh, điểm nhấn ra ngoài Hà Nội kèm theo hình ảnh, kèm theo sản phẩm của đồng bằng, sản phẩm của từng địa phương. Tôi nghĩ rằng lúc đó chúng ta mở ra được thị trường nội địa 100 triệu dân" - Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đã có nhiều sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL có mặt tại nhiều siêu thị, kênh phân phối lớn và các sàn thương mại điện tử, những sản phẩm OCOP đã phần nào làm thay đổi diện mạo nông thôn, phát huy được giá trị tài nguyên bản địa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của các địa phương trong vùng.

Việc mở các Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cho thấy khát vọng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng được các địa phương đặc biệt quan tâm, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm./.

Bài 1: Xây dựng sản phẩm OCOP – khát vọng vươn xa

Từ khóa: xây dựng sản phẩm OCOP, khởi nghiệp, ĐBSCL, sản phẩm OCOP, Đồng Tháp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập