Sân khấu nghệ thuật truyền thống ngậm ngùi cảnh “thầy già, con hát cũng già”

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Câu chuyện về sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ ở lĩnh vực sân khấu nghệ thuật truyền thống được nhắc tới trong nhiều năm, không ít giải pháp đã được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa thoát được cảnh “thầy già, con hát cũng già”.

“Thầy già, con hát cũng già”

Sân khấu nghệ thuật truyền thống đang phải đối mặt với “bài toán” khủng hoảng thiếu nghệ sĩ trẻ, nhất là nghệ sĩ tài năng đủ sức để gìn giữ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật quý báu này của cha ông. Theo thống kê năm 2024 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số lượng diễn viên trong độ tuổi từ 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%.

NSƯT Trần Quang Khải, Đoàn nghệ thuật Cải lương, Nhà hát sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam cho biết, lực lượng diễn viên biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Cải lương hiện có độ tuổi 40 trở lên ở chiếm 64%. Điều này dẫn đến thực tế ở rất nhiều vở diễn, diễn viên già phải hóa trang vào vai diễn trẻ.

“Nhiều năm nay trường Đại học Sân khấu Điện ảnh không tuyển sinh nghệ thuật truyền thống. Các bộ môn như Tuồng, Chèo, Cải lương nhiều năm nay thiếu vắng đội ngũ nghệ sĩ trẻ. Các đoàn nghệ thuật truyền thống mặc dù có nhu cầu tuyển nghệ sĩ trẻ rất lớn nhưng lại thiếu cơ chế linh hoạt, chỉ tiêu biên chế lại ngày càng giảm. Thêm đó là quy định về tuổi nghỉ hưu và hưởng lương hưu tăng, dẫn đến nhiều nghệ sĩ đã hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu đang lấp đầy biên chế của các nhà hát. Những tồn tại này dẫn đến thực tế ở các đoàn nghệ thuật truyền thống hiện này là “thầy già, con hát cũng già”, NSƯT Trần Quang Khải cho biết.

NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền, Đoàn nghệ thuật Tuồng, Nhà hát sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam cũng đồng ý kiến, nhiều năm không có sinh viên theo học Tuồng và nhà trường không mở được lớp đào tạo, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi.

“Ở Ninh Bình, nhiều xã có không chỉ 1 CLB chèo, thậm chí là có tới 6 CLB chèo trong 1 xã. Ở những CLB này, các nghệ nhân chèo tự dạy nhau theo lối truyền khẩu, người này dạy cho người kia, tuy không hoàn toàn đúng và chất lượng nghệ thuật không cao, nhưng để sinh hoạt nghệ thuật cộng đồng, sinh hoạt văn hóa quần chúng thì như vậy là đủ. Đây cũng là lực lượng nguồn tiềm năng cho các trường trung cấp nghệ thuật ở địa phương, từ đó hướng tới các cấp đào tạo cao hơn. Tuy nhiên, đấy chỉ là với nghệ thuật chèo thôi, bởi miền Bắc là cái nôi của nghệ thuật chèo, với tuồng và cải lương thì rất khó, nhiều năm rồi không có nghệ sĩ trẻ theo nghề”, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ.

Đầu ra hạn hẹp, cơ chế không nuôi nổi đam mê cho nghệ sĩ trẻ

Sáp nhập 3 nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương Việt Nam thành Nhà hát sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, sắp xếp tinh gọn, giảm biên chế… đang là cơ hội để các sân khấu truyền thống mạnh mẽ sắp xếp lại, cải tổ, tiếp nhận nghệ sĩ trẻ làm thế hệ kế cận, tạo luồng “máu mới” để làm mới, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hiện nay là: thiếu “máu mới”.

Theo nhiều nghệ sĩ sân khấu truyền thống, các bạn trẻ hiện nay ngần ngại khi đăng ký vào các ngành học này. Một trong những lý do là đầu ra của sinh viên khá hẹp, chẳng hạn không có biên chế khi các em về đơn vị nghệ thuật truyền thống. Có những em rất đam mê với nghề nhưng cũng không có cơ hội để đầu quân ở các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật. Việc học tập lại thiếu cơ chế hỗ trợ cho một ngành học khó, đặc thù và đòi hỏi khắt khe. Điều này dẫn đến thực trạng không có sinh viên đăng ký theo ngành sân khấu truyền thống, nhà trường cũng không thể tuyển sinh.

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, việc đào tạo một nghệ sĩ sân khấu nghệ thuật truyền thống đòi hỏi thời gian dài, phải phát hiện tài năng từ khi còn nhỏ tuổi rồi bồi dưỡng, đào tạo nâng cấp dần, nâng cấp từ tình yêu với sân khấu nghệ thuật truyền thống đến tài năng, nhân cách, nhận thức của nghệ sĩ. Tất cả đều phải làm từng bước và cần nhiều thời gian. Phải đào tạo từ sơ cấp, trung cấp rồi đến cao cấp, đại học… Các nghệ sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp các trường rồi vẫn cần tiếp tục đào tạo sâu, đào tạo lại hằng năm tại các đoàn nghệ thuật thì mới có thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ sĩ tài năng.

“Thực tế hiện nay việc đào tạo sơ cấp, trung cấp là gần như không có, riêng bộ môn chèo có đào tạo sơ cấp nhưng không đáng kể, và cũng không duy trì được lên cấp đại học. Trong khi đó, tuyển sinh cấp đại học khi các tài năng đã 18 tuổi trở lên là quá muộn, nhiều yếu tố liên quan tới năng khiếu, cái tôi cá nhân… đã được định hình rõ ràng thì rất khó để đào tạo nên một nghệ sĩ tài năng. Chưa kể thời gian 4 năm là quá ngắn để đào tạo nên một nghệ sĩ sân khấu. Thêm vào đó, việc đào tạo nâng cao, đào tạo lại, ở các đoàn nghệ thuật lại không thực hiện được do thiếu cơ chế chính sách phù hợp. Hậu quả là sân khấu nghệ thuật truyền thống không thu hút được người trẻ, các trường không tuyển được học viên”, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

NSND Lê Tiến Thọ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, trong nghệ thuật phải có đội ngũ, tác phẩm và công chúng. Nếu đội ngũ mà không có thì sẽ không có người kế cận để phát triển. Nhà nước đã có những chế độ động viên đối với các học viên theo học nghệ thuật truyền thống. Nhưng vẫn chưa đủ, bởi đầu ra khi các học viên học xong về các đơn vị nghệ thuật hoạt động ít hiệu quả.

Vấn đề lớn nhất là thiếu cơ chế phù hợp nên không thu hút được người trẻ, mặc dù rất nhiều người trẻ có năng khiếu, có tài năng và tình yêu với nghệ thuật truyền thống. “Cơ chế chính sách mấy chục năm rồi không thay đổi, không có cơ chế chính sách phù hợp. Nếu các em không được hỗ trợ bởi cơ chế chính sách phù hợp, không nhìn thấy tương lai sống được với nghề thì dù cho có yêu đến mấy, các em cũng sẽ không lựa chọn nghề. “Có thực mới vực được đạo” là chân lý, và thực tế “thầy già, con hát cũng già” phản ánh rất rõ cách nhìn và lựa chọn của người trẻ khi chứng kiến đời sống khó khăn của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống. Các bạn trẻ không lựa chọn theo con đường “khổ với nghề” của thế hệ đi trước”, NSND Trịnh Thúy Mùi nói.

“Sân khấu nghệ thuật truyền thống là lĩnh vực ngành nghề đặc thù. Việc đào tạo nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật truyền thống cũng cần những cách thức đào tạo đặc thù. Vì vậy đầu tiên là cần có cơ chế đặc thù trong vấn đề đào tạo để thu hút tài năng trẻ, những người có sức trẻ, có năng khiếu và tình yêu với sân khấu truyền thống thì mới có thế hệ kế cận để bổ sung “máu mới” cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của sân khấu nghệ thuật truyền thống. Thứ 2 là cần cơ chế đặc thù cho nghệ sĩ sân khấu truyền thống để họ sống được với nghề”, NSƯT Trần Quang Khải nêu ý kiến.

Từ khóa: Sân khấu, Sân khấu, thầy già con hát trẻ, nghệ thuật truyền thống, cải lương, chèo, tuồng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: thư vũ/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập