Samsung Electronics đang mất đà tăng trưởng?

Cập nhật: 20/07/2023

Khi các mảng kinh doanh bán dẫn, smartphone, gia dụng đều đi lùi, ban lãnh đạo Samsung dường như chưa tìm được chiến lược vượt khó.

Nhà lãnh đạo xuất chúng cần mở lối đi riêng, có khả năng thuyết phục, khuyến khích và động viên người khác làm theo.

Cố nhà sáng lập Apple Steve Jobs là một ví dụ. Ông bất chấp sự chế giễu của các nhà phân tích thị trường và đồng nghiệp để mở chuỗi Apple Store. Ngày nay, chúng đã vươn ra toàn cầu và vượt xa các cửa hàng bán lẻ thông thường về doanh số. Sau đó, Microsoft, Samsung và Sony đều theo chân Apple mở cửa hàng bán lẻ nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu.

Tất nhiên, ví dụ của Steve Jobs không phản ánh mọi yếu tố căn bản đứng sau sự bền vững của một doanh nghiệp. Song, nó là minh chứng vì sao các lãnh đạo và giám đốc nên nhạy bén để công ty của họ có thể hành động nhanh, linh hoạt và thích ứng tốt hơn với những thay đổi của môi trường kinh doanh thách thức hiện nay.

Thay đổi quyết liệt và nhanh chóng buộc các công ty phải đưa ra ý tưởng và đọc vị thị trường từ sớm. Nó sẽ giúp họ tránh được nước đi sai ngay từ ban đầu. Dù vậy, các chuyên gia lại bày tỏ lo ngại khi chưa nhìn thấy điều này ở Samsung Electronics, nhà sản xuất memory chip hàng đầu thế giới.

Cần một chiến lược mới

Với dải sản phẩm rộng từ điện tử tiêu dùng, màn hình, thiết bị viễn thông, chip, Samsung Electronics ở vị trí lý tưởng để tổng hợp sức mạnh từ các mảng kinh doanh chính. Tính chất tích hợp ngành dọc của Samsung khiến đối thủ e ngại nhờ khả năng củng cố sâu sắc việc hợp tác giữa các công ty thành viên trong chia sẻ công nghệ mới, đưa vào thành phẩm.

Chẳng hạn, với bộ phận tivi và smartphone, Samsung thường ra mắt phiên bản riêng sau các hãng lớn vài tháng hoặc một năm. Chiến lược này cho đến nay vẫn hiệu quả vì cơ cấu tích hợp ngành dọc độc đáo giúp tìm ra thị trường nằm ở đâu.

Một chuyên gia chia sẻ với Korea Times, về cơ bản, Samsung từ lâu theo đuổi chiến lược “theo chân nhanh”, đòi hỏi kha năng sáng tạo và kỹ năng. Samsung có thể xử lý chiến lược cổ điển này mà không có rủi ro lớn nào. Song, nếu muốn trở nên tinh gọn hơn, đội ngũ lãnh đạo cần xác định chiến lược chiến thắng mới để thuyết phục nhân viên.

Mảng bán dẫn Samsung được cho là lỗ 8 nghìn tỷ won trong 6 tháng đầu năm nay do đang trên đà giải phóng hàng tồn kho. Con số trái ngược hoàn toàn với đầu những năm 2010, khi hãng vẫn giữ được lợi nhuận bất chấp thị trường hỗn loạn do khủng hoảng tài chính châu Á.

Trong mảng chip, khi các đối thủ đang khó khăn, Samsung có thể giành thị phần từ họ nhờ công nghệ tốt hơn nhiều đối thủ. Với một công ty công nghệ như Samsung, công nghệ là thứ quan trọng nhất. Dù vậy, dường như Samsung đang muốn thực hiện chiến lược cùng tồn tại với các đối thủ, bao gồm SK và Micron Technology, một nguồn tin nội bộ tiết lộ.

Dù phủ nhận điều này, Samsung thông báo sẽ điều chỉnh sản lượng chip nhớ xuống “mức có ý nghĩa”. Công ty không nêu rõ sẽ cắt giảm bao nhiêu. SK và Micron cho rằng đây là quyết định tích cực để giúp giá chip phục hồi. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu lợi thế thương lượng giá của Samsung trên thị trường chip nhớ không còn mạnh như trước.

Pierre Ferragu, nhà nghiên cứu của tổ chức New Street Research (Anh), giải thích: “Khi không còn đấu tranh cho sự sống nữa, bạn sẽ trở nên tự mãn. Samsung là thương hiệu bán dẫn lớn thứ tư sau Nvidia, TSMC, Broadcom về vốn hóa thị trường. Năm 2018, Samsung còn là thương hiệu bán dẫn giá trị nhất thế giới”.

Đưa ra chiến lược chiến thắng và kiếm lợi nhuận đòi hỏi nhiều thời gian. Tuy nhiên, ngay cả với chiến lược hiệu quả nhất, các sản phẩm và dịch vụ cũng phải thay đổi khi thách thức và cơ hội cùng xuất hiện.

Nhà phân tích Choi Doh Yeon của công ty đầu tư Shinhan Investment (Hàn Quốc) nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh nhạy của Samsung. Dù mạnh về công nghệ, Samsung cần phải tìm những cách khả thi nhất để tạo môi trường đổi mới, giúp nhân viên thắp sáng đường đến thành công.

Khi thị trường chip nhớ toàn cầu đang bị ba ông lớn chi phối, Samsung đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu về sản xuất theo hợp đồng chip logic vào năm 2030. Dù vậy, công ty vẫn đang gặp khó khăn trong việc ổn định năng suất sản xuất chip logic dưới 5nm.

Chất bán dẫn không có đặc tính nhớ (non-memory semiconductor) chiếm doanh thu lớn nhất trên thị trường bán dẫn toàn cầu. Với sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu và điện toán lượng tử, các loại chip này ngày càng được xem trọng nhìn từ góc độ an ninh quốc gia. TSMC – chuyên sản xuất chip cho đối tác – đang dẫn đầu lĩnh vực non-memory semiconductor.

Hai mảng smartphone và gia dụng của Samsung được cho là còn tệ hơn trong quý II so với quý đầu năm, theo ước tính của IBK Investment và Hana Investment. Dù nói Samsung đang mất động lực có thể hơi quá, nội bộ công ty cho biết họ đang yêu cầu ban lãnh đạo thực hiện các biện pháp nhằm vượt qua tình trạng trì trệ, duy trì sự linh hoạt.

Đại diện Samsung từ chối bình luận về thông tin của Korea Times.

Từ khóa: Samsung Electronics, smartphone, Samsung đang mất đà tăng trưởng, ban lãnh đạo Samsung, công nghệ, tin công nghệ, tin tức công nghệ mới nhất, Tin công nghệ mới nhất 24h

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả: theo du lam/vietnamnet

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập