Sắc màu văn hóa tạo sự khác biệt ở Ngọc Chiến

Cập nhật: 05/09/2023

VOV.VN - "Miền cổ tích" hay "miền quê đáng sống" là những tên gọi thân thuộc của du khách và người dân khi kể về xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La. Bởi lẽ, không chỉ có vẻ đẹp bình yên, thơ mộng, Ngọc Chiến luôn chọn những điều khác biệt, được tạo nên từ việc trân trọng và gìn giữ sắc màu văn hóa.

Trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mông, La Ha... chị em phụ nữ ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La hăng say tranh bóng, sút phạt, bắt gôn... Những hình ảnh hiếm thấy và độc lạ này chỉ xuất hiện trong phần thi đá bóng bưởi, tại lễ hội mừng cơm mới xã Ngọc Chiến tổ chức dịp Tết độc lập năm nay.

Chị Lường Thị Hoa, cầu thủ đội bóng nữ bản Phày, xã Ngọc Chiến chia sẻ: "Trang phục dân tộc Người thái bó sát người nên lúc chạy hơi khó một chút. Nhưng đến lúc vào đá rồi thì cảm thấy sự bất tiện ấy không còn nữa, chỉ còn sự nỗ lực thi đấu thôi. Đặc biệt là việc mặc trang phục đá bóng bưởi không chỉ quảng bá trang phục truyền thống của dân tộc Thái mà còn mang lại cho du khách vẻ đẹp và ấn tượng về Ngọc Chiến".

Bên tấm vải lanh, chậu sáp ong nóng chảy, từ thiếu nữ đôi mươi đến những cô, những bà tóc đã điểm bạc, ai nấy đều thoăn thoắt đôi tay, khéo léo thể hiện kinh nghiệm vẽ sáp ong tạo họa tiết trên bộ trang phục truyền thống của người Mông. Đây là một trong những kỹ năng thủ công truyền thống, nét đẹp văn hoá từ xa xưa được phụ nữ Mông vùng cao Tây Bắc nói chung và xã Ngọc Chiến nói riêng lưu giữ cho đến ngày nay.

Chị Giàng Thị So, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến nói: "Chị em phụ nữ chúng tôi từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cách vẽ sáp ong, làm trang phục cho bản thân, gia đình. Đây là nét đẹp văn hoá của dân tộc mà chúng tôi gìn giữ, mong muốn du khách biết đến và cùng trải nghiệm".  

Những hình ảnh, kỹ năng, kinh nghiệm vẽ sáp ong được phụ nữ Mông ở Ngọc Chiến tái hiện sinh động trong Lễ hội mừng cơm mới, vẽ nên một bức tranh văn hoá đầy sắc màu khiến du khách phương xa thích thú và hoà mình trải nghiệm.

Anh Hoàng Huy, đến từ Hà Nội phấn khởi nói: "Tôi biết về vẽ sáp ong của người Mông từ rất lâu rồi, cũng có những sản phẩm đang dùng từ vải lanh vẽ sáp ong của người Mông, nhưng chưa lần nào được xem trực tiếp mọi người vẽ. Thực sự nay rất vui được đến xem và trải nghiệm trực tiếp. Mong có những lễ hội như này, bà con cũng sẽ giữ được nét văn hoá của dân tộc mình".

Còn rất nhiều điều riêng có trong Lễ hội mừng cơm mới ở xã Ngọc Chiến như cuộc thi “hoàng tử trâu”, thi làm cốm từ những mẻ lúa nếp tan đầu tiên của mùa vụ, thi “Tó Yến”, “Ngu Kin Thiết”... Các nghi lễ truyền thống được tái hiện như lễ cúng cơm mới, lễ cúng Pang A của dân tộc La Ha, nghi lễ cúng vía trâu.

Lấy nét đẹp truyền thống, sắc màu văn hoá làm điểm tựa phát triển du lịch, để tạo nên những hướng đi riêng, điều khác biệt – đó là tâm huyết của cấp uỷ, chính quyền, tạo nên sự đồng lòng, đồng thuận và lan tỏa trong đồng bào các dân tộc Ngọc Chiến.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư đảng uỷ xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La cho biết: "Chúng tôi muốn xây dựng Lễ hội mừng cơm mới thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Ngọc Chiến. Mục đích là khôi phục lại những giá trị văn hoá, những sản phẩm văn hoá đã bị mai một qua thời gian của cha ông để lại, để trở thành sản phẩm du lịch. Đặc biệt là Ngọc Chiến đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng trên cơ sở khôi phục và gìn giữ các giá trị văn hoá của riêng Ngọc Chiến, mà chỉ ở Ngọc Chiến mới có, để tạo thành một sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách đến với Ngọc Chiến".

Từ khóa: ngọc chiến, miền quê đáng sống, văn hóa, tin văn hoá, tin tức văn hoá nghệ thuật, tin tức về văn hoá, văn hoá giải trí

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: lê hạnh/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan