Sa Pa thay đổi ra sao sau 5 năm công bố thị xã?

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau 5 năm công bố thị xã, Sa Pa đã và đang dần khẳng định thương hiệu là khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế.

Đều đặn mỗi tuần một lần, tại 16 xã, phường ở Sa Pa, cán bộ, đảng viên đi trước, bà con theo sau, cùng xuống đường thu gom, phân loại rác thải; gần 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng hưởng ứng đăng kí chia sẻ nhà vệ sinh miễn phí cho du khách. Tất cả cùng chung tay hưởng ứng một Đề án mang tên “Sa Pa sạch”.

Sau hơn 1 năm kiên trì thực hiện “Thứ 6 xanh”, “Chủ nhật sạch” với khoảng 100.000 lượt người tham gia trên 3.000 tuyến đường, diện mạo Sa Pa đã cải thiện đáng kể, tỷ lệ phân loại rác, đặc biệt ở khu vực đô thị được nâng cao, đạt 98,5%.

Ông Cung Chấn Đông, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa cho biết: "Đề án của thị xã thực sự rất tốt, giúp cho người dân có trách nhiệm hơn, bà con tích cực để rác đúng nơi quy định, tự ý thức dọn sạch rác ngay trước cửa nhà mình."

Quyết tâm xây dựng thị xã Sa Pa văn minh, hiện đại, trở thành một trong 3 địa phương “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp” nhất trong cả nước và là khu đô thị sạch ASEAN vào năm 2025, các Đề án nhắm vào những vấn đề nhức nhối của Sa Pa như xử lý ùn tắc giao thông, ăn xin, chèo kéo du khách đã được triển khai, gắn trách nhiệm trực tiếp cho thường trực Thị ủy.

Theo ông Cao Bá Quý, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, sau khi ban hành Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vào năm 2022 và Kế hoạch 127 năm 2023 nhằm lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, chính quyền Sa Pa đã mạnh tay xử phạt trên 300 trường hợp sai phạm về đất đai; xử lý trên 1.700 trường hợp có nhà ở và công trình xây dựng trên đất chưa phù hợp.

"Trong năm 2023 – 2024, việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở Sa Pa đã có chuyển biến rõ nét, tích cực. Cán bộ, công chức các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường buộc phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh vi phạm. Chúng tôi đang thực hiện là 3 lần nhắc nhở sẽ phê bình, 3 lần phê bình sẽ kỷ luật, rất rõ ràng."- ông Quý nói.

Ngay trong những ngày cuối năm 2024, chính quyền thị xã đã kiên quyết đình chỉ công tác 3 lãnh đạo xã, phường vì buông lỏng quản lý trật tự xây dựng.

Những việc làm nói trên của thị xã trẻ Sa Pa có thể nói là đột phá khi chuyển bộ máy quản lý từ chính quyền nông thôn sang đô thị.

5 năm kể từ khi trở thành thị xã, hạ tầng giao thông ở Sa Pa cũng chuyển biến rõ rệt. Sau khi hoàn thành đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa và hàng loạt tuyến liên xã, thôn, các dự án trọng điểm như đường hầm xuyên đèo Hoàng Liên; đường tránh Quốc lộ 4D kết nối với trung tâm thị xã; nâng cấp tuyến Sa Pa – Hầu Thào đang chuẩn bị triển khai.

Ban Chấp hành Tỉnh ủy Lào Cai cũng ban hành riêng Nghị quyết mang số 18 định hướng phát triển Sa Pa đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố đô thị loại I. Càng thêm thuận lợi khi năm 2023, Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện, thị xã đang tập trung triển khai 50 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng. Bên cạnh đó, Sa Pa cũng đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm theo quy hoạch như dự án Khu dự phòng Tây Bắc; Khu hành chính mới; Khu đô thị mới ngàn thông Sa Pa; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Sâu Chua…

Từ khi nâng cấp lên thị xã, tốc độ phát triển kinh tế duy trì ấn tượng, riêng 3 năm gần đây đều đạt cao, bình quân gần 14%. Từ năm 2022 đến nay, Sa Pa đã lọt top câu lạc bộ các địa phương thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng.

Riêng đối với du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Sa Pa đã và đang khai thác hiệu quả quần thể cáp treo Fansipan, hệ sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên, bản du lịch Cát Cát; sắp tới sẽ là Công viên văn hóa Mường Hoa, Làng tâm linh Lếch Dao, Khu nghỉ dưỡng Tả Phìn…

Sa Pa cũng quan tâm bảo tồn văn hóa của 5 nhóm dân tộc thiểu số bản địa, gắn với xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN; đầu tư phát triển thương hiệu thổ cẩm; tổ chức chuỗi lễ hội “5 mùa”, hoạt động du lịch gắn với hành trình 120 năm hình thành Sa Pa…

Theo ông Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa, song song với phát triển vùng lõi, Sa Pa cũng chú trọng đầu tư cho 10 xã nông thôn, bảo đảm an sinh, xã hội. Lũy kế hết năm 2024, toàn thị xã có 06/10 xã hoàn thành nông thôn mới; 02/06 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người những năm gần đây ở vùng nông thôn Sa Pa tăng 4 triệu đồng/người/năm.

"Xây dựng Sa Pa thành một khu du lịch vừa mang tính hiện đại nhưng vừa đảm bảo các bản sắc văn hóa, đồng thời giữ gìn cảnh quan môi trường, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Đây là những vấn đề chúng tôi cho rằng Sa Pa cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới."- ông Phan Đăng Toàn cho biết thêm.

Trong năm 2024, lượng khách đến Sa Pa đạt 4,5 triệu lượt, mang về doanh thu 15 nghìn 500 tỷ đồng. Năm qua, Sa Pa cũng vinh dự được nền tảng du lịch trực tuyến Tripadvisor bình chọn là top 10 điểm đến thịnh hành nhất thế giới. Những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã giúp Sa Pa từng bước khẳng định vị thế, vai trò của một Khu du lịch Quốc gia mang tầm quốc tế như mục tiêu đề ra.

 

Từ khóa: Lào Cai, Sa Pa thay đổi,du lịch trọng điểm,Lào Cai,khẳng định thương hiệu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: an kiên/vov tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập