Rước họa do điều trị bệnh trĩ bằng thuốc “truyền miệng”
Cập nhật: 25/09/2019
Những ai có thể phẫu thuật khi mắc tật khúc xạ?
Loại quả Việt Nam mùa nào cũng có, giá cực rẻ lại bổ đủ đường
VOV.VN - Dù y học hiện đại đã có thể điều trị bệnh trĩ hiệu quả, nhưng một số người vẫn chọn phương pháp “truyền miệng” để rồi rước họa vào thân.
Sự thật về phương pháp chữa bệnh “truyền miệng”
Bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn Long, 65 tuổi, ở Quảng Ninh cho biết: “Bệnh trĩ hành hạ tôi đến mất ăn mất ngủ đã rất lâu rồi. Tôi đã chữa thuốc nam, thuốc bắc, thuốc quảng cáo trên tivi, rồi tây y… mất khoảng 500 triệu đồng nhưng chỉ cầm cự được một thời gian.
Cách đây 2 tháng, tôi đến Bệnh viện 108 khám thì các bác sĩ kết luận trĩ độ 3 và khuyên phẫu thuật sớm nhưng nghe nhiều người dọa đau nên tôi sợ không dám mổ”.
Bác sĩ Lê Mạnh Cường tưvấn cho người bệnh.Ảnh : L.H |
Trong lúc đang do dự có nên mổ hay không thì ông Long nghe mách có phương thuốc gia truyền của ông Quốc (người Việt gốc Hoa) tại phường Hà Khẩu, Hạ Long đã tiêm cho nhiều người trĩ nặng đều khỏi. Đặc biệt, khi “thầy thuốc” cho xem clip có được “thần dược gia truyền” phải kỳ công vào rừng đào rễ cây thuốc như thế nào, bào chế chiết xuất ra sao; rồi cam kết rằng thuốc này tiêm đến đâu, búi trĩ sẽ teo mà không đau đớn nên ông Long và cô em gái cùng 2 điều dưỡng viên gần nhà ông đã tin tưởng. “Khi “thầy thuốc” bảo năm ngoái có bệnh nhân bị trĩ độ 4 kèm bệnh tiểu đường, sau khi tiêm 14-15 mũi chỉ mất 18-20 triệu đồng đã khỏi, và còn hứa khi nào khỏi mới lấy tiền nên tôi mừng lắm”, ông Long kể.
Sau 2-3 mũi tiêm thấy đỡ đau, ông Long mừng thầm nhưng đến mũi tiêm thứ 5 thì thấy người như sốt, hậu môn đỏ rộp, vón cục. 11 ngày sau, búi trĩ lở loét, không đại tiện được nên ông không dám ăn uống gì, người gầy rộc từ 80kg còn 71kg trong vòng nửa tháng.
Sau khi lên Hà Nội thăm khám, ông Long được biết, vết thương của mình đã hoại tử do nhiễm trùng, nếu không mổ nhanh thuốc đọng vón cục sẽ ăn vào trực tràng, nguy hiểm đến tính mạng.
TS.BSCC Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, phụ trách Bệnh trĩ Hà Nội - số 1 cho biết, đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, riêng cơ sở này đã mổ cho 5 trường hợp biến chứng nặng do dùng thuốc truyền tai. Nắm bắt tâm lý của người bệnh trĩ sợ mổ nên các “thầy thuốc dạo” đã dùng chiêu thức quảng cáo “có cánh” về các loại thuốc được gắn mác gia truyền và cam kết: đảm bảo 100% không tái phát, không khỏi không lấy tiền… Trong khi, người bệnh không hiểu thế giới hiện chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh trĩ, và các nhà khoa học giỏi nhất chuyên ngành hậu môn trực tràng đều không dám cam kết sau khi điều trị trĩ sẽ không tái phát. Bởi việc tát phát bệnh trĩ có liên quan tới rất nhiều nguyên nhân như sinh hoạt hằng ngày, chế độ ăn uống...
“Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, tôi thấy đáng tiếc cho nhiều BN do dùng thuốc không có nguồn gốc như bôi, uống, ngâm, tiêm hay điều trị theo cách dân gian, từ cơ sở có yếu tố nước ngoài… đã để lại những biến chứng nặng nề như: hẹp hậu môn, loét và hoại tử vùng hậu môn, đại tiện không tự chủ. Người bệnh phải trả giá quá đắt khi phải khắc phục bằng cách cắt bỏ vùng hoại tử, đồng thời bảo tồn tối đa phần lành nhưng sợ nhất là BN không còn tổ chức lành nữa, khi đó chỉ còn cách tạo hình lại”, bác sĩ Cường cho hay.
Đừng để tiền mất tật mang
Trường hợp BN Đỗ Văn Thành, 70 tuổi ở Hà Nội, mắc bệnh trĩ đã 40 năm. Mỗi lần nghe từ “mổ trĩ” ông lại bị ám ảnh nên thấy chỗ nào chữa bằng thuốc nam, thuốc bắc là ông tìm đến. Cách đây 3 tháng ông bị ra máu vùng hậu môn và sụt cân nhiều, thấy người cháu họ nói khỏi trĩ sau lần đắp thuốc của thầy lang ở Thường Tín, Hà Nội nên vợ chồng ông hỏi địa chỉ đến luôn. Nhưng sau 1 tuần đắp thuốc, ông mất ăn mất ngủ, sụt 6-7kg, vết thương lở loét. Ông đến Bệnh trĩ Hà Nội - số 1 chụp chiếu, mới biết vùng hậu môn đã hoại tử, phải phẫu thuật ngay.
Theo bác sĩ Cường, hoại tử vùng hậu môn do hóa chất cực kỳ nguy hiểm và di chứng để lại rất nặng nề. Đến nay, sau phẫu thuật gần 3 tháng, kết hợp điều trị nhiều kỹ thuật cao, bệnh tình của ông Thành mới khắc phục được 70-80%, nhưng việc đại tiện vẫn ảnh hưởng do bó chít hậu môn. Còn BN Long, sau khi phẫu thuật phải điều trị liên tục 4-6 tuần mới mong phục hồi chức năng đại tiện. Bác sĩ Cường cho biết, việc kế thừa y học cổ truyền hay y học dân gian trong điều trị bệnh trĩ vẫn là ưu tiên số 1 nhưng phải là thuốc có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm nghiệm của Bộ Y tế. Ngay cả phương pháp dân gian, mà dùng sai cũng có tác dụng ngược. Chẳng hạn, lá trầu không thuộc loại kháng sinh thực vật, đun sôi khoảng 2 lít nước với 10 - 15 lá, dùng nước này ngâm vùng hậu môn 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút thì rất tốt. Nhưng nếu BN ngâm nước lá quá đặc sẽ kích thích dưới da, làm cho viêm chợt, bỏng rộp./.
Từ khóa: điều trị bệnh trĩ, thuốc điều trị trĩ
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN