Rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng chết khô do xây đê biển, đắp đập?
Cập nhật: 15/05/2020
Giao thông cửa ngõ phía Nam Hà Nội căng thẳng trong ngày cuối làm việc trước kỳ nghỉ Tết
Người Mông Cổ tìm được bạn cũ qua Báo Điện tử VOV: Cuộc hội ngộ cảm động sau 35 năm
VOV.VN - Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước.
Nhiều khu vực bị chết khô, rụng lá vì đất rừng đã khô cạn. Trước tình hình này, ngành chức năng địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp đưa nước vào cứu rừng. Tuy vậy, cần có những đánh giá toàn diện nguyên nhân vì sao rừng phòng hộ ven biển bị thiếu nước, để có biện pháp căn cơ bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra khu vực rừng bị chết khô. |
Dù cách bờ biển không xa, nhưng nhiều khu vực rừng phòng hộ ven biển ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đã cạn kiệt nước từ nhiều tháng nay. Nhiều cây mắm, cây đước bị rụng lá và chết khô. Anh Võ Văn Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu, thông tin, trước khi có dự án đê biển Vĩnh Châu, rạch Hồ Bể-Giồng Chùa còn lưu thông, nước dẫn từ biển chạy vào thì hiện trạng rừng rất tốt. Sau khi dự án này được triển khai, đắp đập ngang rạch, hiện tượng rừng thiếu nước đã bắt đầu xuất hiện.
Cao điểm là vào tháng 8 năm ngoái, cây đã bắt đầu rụng lá. Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với Phòng kinh tế thị xã Vĩnh Châu khảo sát, đồng thời nhiều lần đề xuất các giải pháp khẩn trương cứu rừng bị khô, trong đó có sự cần thiết của việc khai thông dòng chảy rạch Hồ Bể-Giồng Chùa.
Rừng chết, đất khô, rễ cây đã mục. |
“Kiểm lâm cũng đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Ủy ban thị xã đi khảo sát hiện trường. Phòng kinh tế cũng đã có công văn báo cáo với Ủy ban thị xã. Ủy ban thị xã cũng đã mời chủ đầu tư, Ban quản lý các công trình xây dựng với bên tư vấn thiết kế, cũng có cuộc họp trao đổi. Không có mời Hạt. Cũng nghe báo cáo lại là không có giải pháp khui rạch đó, vì không khả thi. Lý do, đã thiết kế, phê duyệt rồi. Nếu phê duyệt nữa thì sẽ đội vốn. Anh em cũng phản ánh tình hình như thế. Giờ do thời tiết hạn hán năm nay kéo dài thì rừng càng ngày càng chết lan rộng ra”.
Nhiều khu vực, cây cũng đang rụng lá vì thiếu nước. |
Các cá nhân trong tổ bảo vệ rừng ấp Huỳnh Kỳ, cũng là những người sống lâu năm tại khu vực này cho biết, rừng bị chết khô là do thiếu nước để nuôi cây. Cả nước sông và nước biển đều không thể lên đến gốc cây rừng, làm cho đất trong rừng bị khô.
Cũng theo Tổ bảo vệ rừng ấp Huỳnh Kỳ, từ năm 2017 trở về trước, khu vực rừng này phát triển tốt, có cây con tái sinh do có nước biển dẫn lên thông qua rạch Hồ Bể-Giồng Chùa và cống Năm Đoàn. Nhưng từ khi thi công công trình nâng cấp đê biển, đắp đập ngang rạch Hồ Bể-Giồng Chùa và xây dựng lại cống Năm Đoàn vào năm 2017 đến nay làm cho nước biển không vào được rừng. Trong khi, nguồn nước được dẫn lên từ phía sông Mỹ Thanh, thông qua kênh Giồng Chùa thì không đủ nước để nuôi cho khu vực rừng này do địa hình xa, khi nước vừa lên tới rừng thì thủy triều đã rút.
Ông Đinh Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý Bảo vệ rừng cho biết: “Trước đây rừng này là không bao giờ không có nước, nó ngập tới đầu gối hoặc nữa chân. Nước thấp lắm là phải tới mắc cá, nên cây rừng sống. bây giờ thì đắp con đập Hồ Bể rồi là nước không lên được, cây nó chết dần”.
Rừng chết, đất khô, rễ cây đã mục. |
Theo ghi nhận của phóng viên đài TNVN, khu vực rừng chết đất khô, rễ cây đã mục, diện tích rừng khác cũng đã bắt đầu xuống lá. Nếu tình hình khô hạn kéo dài, không có biện pháp cấp nước cho rừng, thì diện tích ảnh hưởng sẽ lớn hơn, thậm chí xảy ra cháy rừng. Hiện Tổ quản lý bảo vệ rừng tích cực tuần tra, tăng cường việc phổ biến, tuyên truyền đến người dân sống gần khu vực rừng trong khâu phòng chống cháy rừng. Ông Lâm Minh Hải, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Nổi kiêm thành viên của Tổ Quản lý rừng cho rằng: “Nếu mà thông con rạch đó thì nước từ biển đổ vào, rừng sẽ sống lại. thủy hải sản cũng sẽ sinh sản lại, cá, cua, ốc, vọp…”
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, kết quả phối hợp kiểm tra, khảo sát mới đây giữa ngành chức năng và Kiểm lâm để đánh giá về thực trạng diện tích rừng đang chết khô do thiếu nước tại 2 khu vực thuộc UBND thị xã Vĩnh Châu và 175 ha rừng do Kiểm lâm quản lý đã xác định, hiện tại diện tích rừng do UBND thị xã quản lý có rừng đang dần chết khô khoảng 1,5 ha. Còn khu vực 175 ha rừng do Kiểm lâm quản lý thì diện tích rừng đang chết khô dần lỏm chỏm, chưa đo đếm được.
Rừng phòng hộ đã thiếu nước từ nhiều tháng nay. |
Ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, sau khi nắm được thông tin về rừng phòng hộ trên địa bàn bị chết khô, địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Kiểm lâm tìm hiểu thực tế nguyên nhân để sớm đề ra các giải pháp tình thế và lâu dài để cứu rừng. Ông Thắng cho biết, qua nhận xét, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, cơ bản rừng chết là do nắng hạn kéo dài, phần đất rừng chết là đất gò cao, nguồn nước không lên tới. Riêng phản ánh của người dân về nguyên nhân rừng chết là do xây dựng đê biển, đắp đập ở khu vực Hồ Bể-Giồng Chùa, địa phương sẽ ghi nhận để có những nghiên cứu, đánh giá và có báo cáo đề xuất trong thời gian tới.
“Trước mắt sẽ lấy nước để tăng thêm nguồn nước, từ cống Phú Thành, từ phía Đông của biển để tăng thêm nguồn nước. Thứ hai là Kiểm lâm cũng báo lại sẽ có khảo sát thực tế để có kế hoạch, có biện pháp nạo vét, đào thêm một số kênh trong hệ thống thủy lợi để tăng thêm nguồn nước, việc này đại diện lãnh đạo sở Nông nghiệp đã có ghi nhận”.
Cần khẩn trương có biện pháp cấp nước cứu rừng. |
Ông Thắng nhấn mạnh, về lâu dài sẽ có những giải pháp căn cơ với quan điểm làm mọi cách để bảo vệ rừng phòng hộ ven biển tại địa phương. Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu, ngay trong ngày 13/5, cống 16 đã được khai thông, lấy nước vào khu rừng 175. Sau đó, khi đủ nước, sẽ tiến hành đưa nước qua khu rừng do ủy ban Thị xã Vĩnh Châu quản lý./.
Từ khóa: rừng phòng hộ, ven biển sóc trăng, rừng chết khô, xây dựng đê biển, đắp đập
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN