RQ-180 - Máy bay trinh sát tầm cao tàng hình không người lái tuyệt mật của Mỹ
Cập nhật: 08/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Trên các phương tiện truyền thông đang rộ thông tin và những đồn đoán về chiếc máy bay vừa xuất hiện ở California, được cho là máy bay trinh sát tầm cao tàng hình không người lái tuyệt mật của Mỹ - RQ-180.
Sau khi trinh sát cơ SR-71 Blackbird bị loại biên vào năm 1999, Không quân Mỹ thiếu nền tảng tình báo có khả năng xâm nhập không phận của đối phương được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến, Tập đoàn Northrop Grumman đã nhận được hợp đồng phát triển máy bay không người lái (UAV) RQ-180 để đảm đương sứ mệnh mà SR-71 để lại.
RQ-180 là sản phẩm của dự án Hệ thống Không quân Chiến đấu Không người lái Chung (Joint Unmanned Combat Air Systems) đã bị hủy bỏ vào cuối năm 2005 khi Hải quân Mỹ (USN) muốn có một máy bay dùng trên tàu sân bay (Unmanned Combat Air System Demonstrato - UCAS-D), trong khi Không quân Mỹ (USAF) lại muốn có một nền tảng tấn công toàn cầu tầm xa, lớn hơn. Tháng 12/2005, chương trình được tách làm hai, Northrop Grumman với chương trình UCAS-D phát triển X-47B cho USN, và "chương trình mật" theo nhu cầu của USAF.
RQ-180 dùng cho công tác tình báo, giám sát và trinh sát (Intelligence, surveillance and reconnaissance - ISR) được bí mật tài trợ thông qua ngân sách của USAF và năm 2008, sau khi đánh bại Boeing và Lockheed Martin, Northrop Grumman giành được sứ mệnh chế tạo chiếc máy bay này, với việc bắt đầu từ năm 2013, giao các máy bay sản xuất nhịp độ thấp tại cơ sở sản xuất của Northrop Grumman tại Nhà máy Không quân Mỹ 42 ở Palmdale (California).
RQ-180 cũng có thể liên quan đến việc chấm dứt chương trình Máy bay ném bom thế hệ tiếp theo (Next-Generation Bomber) năm 2009 vì chi phí và sự xuất hiện của chương trình Máy bay ném bom tấn công tầm xa (Long Range Strike Bomber - LRS-B) rẻ hơn và phối hợp tác chiến được với các UAV. Chương trình MQ-X của USAF nhằm tìm kiếm một nền tảng để thay thế Reaper đã bị hủy bỏ vào năm 2012 có thể cũng vì RQ-180.
Trong nhiều năm, Mỹ luôn rêu rao về sự minh bạch quân sự, nhưng đồng thời, một số "dự án đen", chẳng hạn như máy bay trinh sát SR-91 Aurora thay thế SR-71, máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21, và trực thăng tàng hình RUH-60 Black Hawk góp phần tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden…, vẫn luôn được giữ kín. Trang Aviation Week lần đầu tiên tiết lộ về RQ-180 vào năm 2013, nói máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010.
Việc chế tạo RQ-180 được cho là có liên quan đến chương trình LRS-B, chương trình này sẽ có một máy bay ném bom chiến lược mới hoạt động với một "dòng hệ thống" bao gồm Vũ khí ngoài tầm nhìn (Long Range Stand Off Weapon), tên lửa tấn công nhanh toàn cầu (Prompt Global Strike), tác chiến điện tử và các nền tảng ISR. Ngày 27/10/2015, hợp đồng phát triển LRS-B cũng đã được trao cho Northrop Grumman; RQ-180 sẽ đặc trách thực hiện các mảng tác chiến điện tử và ISR.
Truyền thông Mỹ vừa đăng tải một số bức ảnh được cho là máy bay không người lái tấn công (UCAV) tầm cao, thời gian hoạt động lâu (High-Altitude, Long-Endurance - HALE) tàng hình RQ-180 của Mỹ thực bay thử nghiệm trên Sa mạc Mojave ở phía bắc Căn cứ Không quân (AFB) Edwards ở California. Máy bay HALE còn được gọi là "vệ tinh khí quyển", được thiết kế để bay ở độ cao trên 20km - đáy của tầng bình lưu - trên vùng trời đang tranh chấp. Nhờ có các tấm pin mặt trời gắn trên cánh, chúng có thể không bao giờ phải hạ cánh ngoại trừ để bảo trì.
Biệt danh địa phương xung quanh AFB Edwards đặt cho RQ-180 là "Dơi trắng vĩ đại" (“Great White Bat”), hoặc đôi khi là “Shikaka” - con dơi trắng linh thiêng hư cấu trong phim “Ace Venture 2: When Nature Calls” ra mắt năm 1995. Biểu tượng “con dơi trắng” cũng đã được chọn làm phù hiệu cho Phi đội Trinh sát 74 - phi đội huấn luyện RQ-180, được thành lập đầu năm nay, sau khi đưa vào hoạt động Biệt đội 5 thuộc Nhóm hoạt động số 9 tại Beale AFB (California), năm 2018.
RQ-180 có thiết kế tương tự như máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit với hình dạng khí động dạng cánh bay, cũng như lớp sơn phủ hấp thụ sóng radar, với các đường viền được gia công kỹ lưỡng và hệ thống antena bố trí khá kín đáo. Máy bay cũng kết hợp công nghệ tàng hình với động lực siêu việt để nâng tầm hoạt động, độ cao và thời gian bay. Cùng với khả năng tàng hình, RQ-180 có thể hoạt động liên tục trên không trong vòng 24 giờ ở độ cao 18km, vượt ngưỡng đánh chặn của nhiều hệ thống phòng không tiên tiến trên thế giới.
RQ-180 được cho là có kiểu bố trí cánh diều giống như X-47B, nhưng với sải cánh dài hơn nhiều. Theo Northrop Grumman, cánh có khả năng mở rộng và thích nghi hơn so với hình dạng cánh bay của B-2 Spirit. Aviation Week đã xây dựng các hình ảnh ý tưởng, bao gồm cả hình ảnh trên trang bìa của tạp chí, về chiếc máy bay không người lái tàng hình có thể xuyên thủng hệ thống phòng không tối tân khu vực chống tiếp cận, chống xâm nhập (Anti Access/Area Denial - A2/AD) của đối phương để thực hiện các nhiệm vụ ISR.
RQ-180 và B-2 đều được trang bị hai động cơ. So với RQ-170 Sentinel do Lockheed Martin sản xuất, RQ-180 của Northrop Grumman không chỉ có kích thước lớn hơn, trang bị đầy đủ hơn và khả năng tàng hình tốt hơn. Theo Aviation Week, RQ-180 của Mỹ đã chính thức được đưa vào trang bị cuối năm 2019, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 nguyên mẫu RQ-180 được chế tạo và trang bị cho Phi đội trinh sát 427 mới được thành lập và triển khai tại AFB State Bill (California), dùng cho các hoạt động trinh sát và viễn thám những khu vực nằm sâu trong vùng bảo vệ phòng không của đối phương.
RQ-180 được trang bị radar mảng quét điện tử tích cực (Active Electronically Scanned Array - AESA) và các biện pháp giám sát điện tử thụ động, và có thể có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công điện tử. RQ-180 cho thấy sự thay đổi từ các UAV hoạt động trong môi trường cho phép, chẳng hạn như RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper, sang các UAV có thể thực hiện nhiệm vụ trong không phận tranh chấp.
RQ-180 được cho nặng 14.630kg, có chiều dài thân 10m, sải cánh 40m, sử dụng 2 động cơ CF-34 của hãng GE, trọng lượng cất cánh 14.641kg, tốc độ cận âm và tầm hoạt động 22.000km, có khả năng hoạt động 24 giờ - cao hơn nhiều so với của RQ-170 là 5-6 giờ. Nó có các tính năng giảm tiết diện radar băng thông rộng, mọi khía cạnh vượt trội so với các máy bay tàng hình trước đó như F-117 Nighthawk, F-22 Raptor và F-35 Lightning II. Khung máy bay có tính khí động học vượt trội để mang lại tầm bay, độ bền và trần vận hành tốt hơn.
Theo Aviationist, Không quân Mỹ chưa chính thức thừa nhận sự tồn tại của dòng máy bay RQ-180 nhưng úp mở nói về sự tồn tại của dòng UCAV mới có thể giúp xuyên thủng được hệ thống phòng không không Nga, để tấn công và quay về căn cứ một cách an toàn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để vượt qua được hệ thống phòng thủ Nga với các hệ thống phòng không S-300 và S-400, là nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi Nga có khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình rất tốt, có thể đánh chặn mục tiêu xa 400km ở độ cao tới 30km./.
Từ khóa: RQ-180 - Máy bay trinh sát tầm cao tàng hình không người lái tuyệt mật của Mỹ, UAV, UCVA, HALE, Northrop Grumman, chống tiếp cận, chống xâm nhập
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN