Rà soát kỹ đối tượng để tránh “bệnh thành tích” trong giảm nghèo
Cập nhật: 10/09/2020
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 được đánh giá rất tốt qua các số liệu cụ thể. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng có tình trạng giảm nghèo bằng cách đưa hộ nghèo về thuộc diện hộ cận nghèo.
Chiều 10/9, tại phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,75% năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình giai đoạn 2016-2020 mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%.
Tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo còn 27,85% năm 2019, ước đến cuối năm 2020 còn khoảng 24%, trung bình giai đoạn 2016-2020 mỗi năm giảm 5,28%. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết số 76/2014/QH13 đã đề ra.
Tổng các nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 là hơn 93.607 tỷ đồng. Chính phủ đã chỉ đạo từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 đặt ra.
Bên cạnh đó, chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư cũng chưa được thu hẹp… Tình trạng phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
Rà soát để rõ đối tượng nghèo
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhận định, mặc dù dự kiến năm 2020 tỷ lệ xã, huyện thoát nghèo đều đạt mục tiêu của Nghị quyết, tuy nhiên thực trạng cho thấy các tỉnh giao bao nhiêu chỉ tiêu thì huyện đều hoàn thành, mặc dù các địa phương đều cho rằng nguồn lực tại chỗ còn hạn chế.
Cho rằng có tình trạng giảm nghèo bằng cách đưa hộ nghèo về thuộc diện hộ cận nghèo, biểu hiện của “bệnh thành tích”, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, ông Hà Ngọc Chiến đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát lại để bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, điều đáng mừng là Nghị quyết số 76 đã phát huy hiệu quả, kết quả thực hiện giảm nghèo của các địa phương là rất tốt.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét lại có nhiều đối tượng có phải là hộ nghèo không hay thực tế là đối tượng yếu thế cần được hưởng bảo trợ xã hội, để bảo đảm chất lượng báo cáo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76 đã đủ điều kiện trình Quốc hội; đồng thời báo cáo Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030./.
Về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương đã phê duyệt danh sách trên 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí trên 17,5 ngàn tỷ đồng. Các địa phương đã thực hiện giải ngân trên 12.438 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 12.498.671 người dân và 22.680 hộ kinh doanh; trong đó các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đều đã được thụ hưởng.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN