Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Cập nhật: 09/11/2024
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Ước 10 tháng năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới được 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt như mong đợi, thậm chí thấp hơn năm ngoái. Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, trong khi mục tiêu Chính phủ đưa ra là giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tức là còn gần 50% kế hoạch vốn cần được giải ngân trong thời gian này.
Đây là áp lực rất nặng nề cho giai đoạn nước rút. Do đó, các bộ, ngành và địa phương cho đến từng chủ đầu tư, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:
Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, các cấp ban ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao. Tại tỉnh Điện Biên, đến nay mới giải ngân được hơn 40% kế hoạch được giao, thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: "Tỉnh sẽ rà soát những dự án không giải ngân được, chậm tiến độ để chuyển, điều chỉnh nguồn vốn sang dự án có khối lượng và hấp thụ được vốn giải ngân. Thứ nữa là sẽ chỉ đạo để các chủ đầu tư các huyện, đặc biệt là thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng bởi đây là mấu chốt việc để triển khai. Trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung thanh toán và giải ngân những dự án đã có khối lượng, tập trung làm hồ sơ, thủ tục để thanh toán".
Còn tại tỉnh Tiền Giang, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khả quan khi đến cuối tháng 10, đã giải ngân được hơn 75% kế hoạch; tăng gần 25% so cùng kỳ năm ngoái. Về kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm liền đạt kế hoạch được giao.
Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: "Bên mình giải ngân hơn 80%, bây giờ đến cuối năm phải giải ngân đạt 100%. Từ năm 2017 đến nay, năm nào Ban cũng giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Quan trọng nhất là vốn cấp cho mình đầy đủ, thứ 2 là năng lực, trách nhiệm của nhà thầu, thứ 3 là công tác chuẩn bị đầu tư cho tốt thì sẽ triển khai nhanh".
Còn đối với 2 bộ ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến nay đều đã đạt hơn 60% kế hoạch vốn được giao, là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì kinh nghiệm là đôn đốc và bám sát tiến độ từng công trình, dự án.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, thuộc Bộ Giao thông vận tải chia sẻ kinh nghiệm: "Chúng tôi xây dựng các kế hoạch giải ngân từng tháng và kiểm điểm từng tháng trên kết quả đó, không đạt được thì kế hoạch tháng sau cần khắc phục ngay, thay vì cuối năm đánh giá thì hàng tháng đánh giá để có giải pháp phù hợp. Chỉ đạo các chủ đầu tư nhà thầu tập trung thi công, xử lý các vướng mắc khó khăn về giải phóng mặt bằng, vật tư vật liệu, nguồn lực tài chính của các nhà thầu".
Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những kinh nghiệm là tận dụng sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ thông tin: "Đặc biệt sau Covid có hình thức giao ban hiệu quả, trực tuyến. Xung quanh máy móc rầm rầm vẫn họp giao ban với lãnh đạo bộ… Tổ chức triển khai đấu thầu trên mạng, 100%, và đã lựa chọn được nhà thầu thực sự đủ năng lực".
Như vậy, nhiều giải pháp đang được các bộ ngành và địa phương áp dụng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, phối hợp chặt chẽ với địa phương để có mặt bằng sạch cho dự án, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đôn đốc giám sát chặt chất lượng thi công, bám sát công trường để xử lý, tháo gỡ ngay khó khăn cho nhà thầu thi công, điều chỉnh vốn linh hoạt từ các dự án chậm trễ sang các dự án có tiến độ nhanh, từ đó có khối lượng thi công nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán và thực hiện giải ngân sớm.
Về phía các đơn vị kiểm soát chi và thanh toán vốn của Bộ Tài chính, như Kho bạc Nhà nước, Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, đều cam kết xử lý ngay khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp pháp hợp lệ được các chủ đầu tư gửi đến, cam kết không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do.
Từ khóa: đầu tư, Quyết liệt thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công, những tháng cuối năm
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: trung hiếu/vov1
Nguồn tin: VOVVN