Quyết liệt ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng súng tự chế

Cập nhật: 09/11/2020

Từ tháng 3 đến tháng 9/2020, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ 89 vụ, 95 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.

 Vụ việc nam sinh tử vong do trúng đạn lạc súng hơi vừa xảy ra trên phố Võ Văn Dũng (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) một lần nữa cảnh báo sự nguy hại của tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí tự chế, trong đó có súng săn, súng hơi. Hành vi phạm pháp này luôn tiềm ẩn hậu quả khôn lường và đòi hỏi các cơ quan chức năng có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn mạnh mẽ hơn.

“Hàng cấm” rao bán công khai trên mạng xã hội

Gõ từ khóa “cần mua súng hơi” trên công cụ tìm kiếm Google lập tức cho ra gần 9 triệu kết quả, trong đó có nhiều trang giới thiệu về súng hơi chính hãng. Theo tìm hiểu, súng có xuất xứ phần lớn từ các nước Mỹ, Đức…, nhưng rẻ, dễ kiếm vẫn là súng tự chế từ Trung Quốc và trong nước. Giá bán một khẩu súng hơi bắn đạn chì từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Từ trang web tìm kiếm này, khách hàng được “link” đến trang mạng xã hội Youtube với tràn lan các video giới thiệu, rao bán các loại súng mới, nhái theo các loại súng thật do nước ngoài sản xuất. Những đoạn clip nhiều kỳ giới thiệu về súng hơi, giá cả cùng những lựa chọn hoặc cách mua và sử dụng súng được quảng cáo dành cho “anh em đam mê” luôn thu hút hàng triệu lượt xem.

“Dân chơi” Nguyễn H (phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cả người bán, người mua đều dùng tiếng lóng chỉ món hàng cấm này là “chó lửa” để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Súng săn dạng súng hơi và súng dài dùng trong săn bắn có độ sát thương cao được săn tìm chủ yếu là loại PCP Condor hay Airsoft có mẫu mã giống AK47, G36C, K54…

Ngoài ra, các phiên bản súng colt hoặc súng bắn tỉa cũng thuộc top đắt khách. Dù thuộc “hàng cấm” nhưng việc mua bán súng trên mạng xã hội lại khá dễ dàng, khi chủ hàng công khai số điện thoại giao dịch.

Trung tá Trần Anh Sơn, Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thủ đoạn vận chuyển súng hơi, súng tự chế của các đối tượng khá tinh vi. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, súng thường được tháo rời thành nhiều bộ phận để vận chuyển thành nhiều lần và nhiều người vận chuyển...

Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ công tác Y15/141 (Công an thành phố Hà Nội), qua kiểm tra hành chính, tổ công tác đã liên tiếp phát hiện 3 vụ việc đối tượng tàng trữ vũ khí trái phép trong tháng 2/2020.

Đặc biệt, từ việc phát hiện đối tượng Bùi Đức Quyền (sinh năm 1987, ở tỉnh Phú Thọ) cất giấu bên trong ba lô một khẩu súng hơi và nhiều bộ phận như giảm thanh, ống ngắm, bình hơi…, cơ quan công an đã tìm ra manh mối đường dây mua bán súng hơi trên mạng xã hội.

Kết hợp tuyên truyền cùng các biện pháp xử lý mạnh tay

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, từ tháng 3 đến tháng 9/2020, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ 89 vụ, 95 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Qua theo dõi đường bưu chính, lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội cũng phát hiện 1.056 bưu phẩm chứa 460 linh kiện súng, 1.092 gậy ba khúc, 72 vũ khí thô sơ, dao, kiếm các loại, hơn 100 công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, súng bắn đạn cao su…

Đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ đã chặn được hơn 35 tài khoản facebook, web rao bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tổ chức 12.867 lượt tuyên truyền để người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ tại các điểm thu hồi do Công an thành phố tổ chức.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã thu hồi 53 khẩu súng, hàng nghìn viên đạn, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và linh kiện súng tự chế... Nhiều người dân đã chủ động mang các loại vũ khí đến giao nộp tại các điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ của các phường, xã trên địa bàn thành phố.

Ông Vũ Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai cho biết, UBND phường đã khen thưởng 2 công dân trên địa bàn là ông Dương Hồng Đương và Đoàn Bá Toàn vì đã bàn giao 1 khẩu súng trường tự chế có kính ngắm tia hồng ngoại, hàng chục viên đạn nhặt được trong lúc đi tập thể dục buổi sáng. Đồng thời, Công an phường cũng tiếp nhận nhiều vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ của người dân tự giác giao nộp.

Các đối tượng mua bán, tàng trữ hay sử dụng vũ khí tự chế, súng hơi thường xuyên nằm trong “tầm ngắm” của công an trong các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Trung tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, giữa tháng 6-2020, trong quá trình tuần tra tại ngõ 214 Nguyễn Xiển, đơn vị đã phát hiện một nam thanh niên giấu khẩu súng săn dạng súng trường trong túi đựng đồ câu cá. Từ vụ việc trên, Công an quận đã điều tra mở rộng, triệt phá 3 shop bán súng và các linh kiện súng trên mạng xã hội, bắt giữ 4 đối tượng cầm đầu, thu giữ hàng trăm loại nòng súng, khung súng.

Theo Trung tá Đinh Tuấn Thành, 4 đối tượng trong vụ việc đã lập tài khoản trên facebook, Youtube lấy tên là Shop Gia Linh, Shop Quang Anh, Shop Anh Quân Pcp và Huyền Trang Pcp để đăng bài, quay video quảng cáo các loại linh kiện súng và chi tiết của súng săn, đồng thời để lại số điện thoại để ai có nhu cầu mua hàng sẽ liên hệ. Các đối tượng đã tự nguyện giao nộp cho lực lượng chức năng 270 nòng súng, 195 khung súng, cùng hàng trăm thiết bị, linh kiện khác để lắp ráp hoàn chỉnh súng hơi.

Mặc dù hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác, gây mất an ninh trật tự xã hội nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên vi phạm, dẫn đến hậu quả khôn lường. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng công an cần phối hợp với các đơn vị chức năng áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ngăn chặn hành vi đăng tải các video bán vũ khí trên mạng xã hội, không để nơi đây trở thành “chợ đen”./.

Từ khóa: Quyết liệt, ngăn chặn, tình trạng, mua bán, sử dụng, súng tự chế

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập