Quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng vẫn bị coi nhẹ
Cập nhật: 13/03/2021
VOV.VN - Mọi hiện tượng, sự việc vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở, điều quan trọng là có quyết tâm giải quyết đến nơi đến chốn hay không.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đã chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhất là phân phối hàng hóa và mua sắm tiêu dùng là những lĩnh vực tác động trực tiếp đến người tiêu dùng (NTD). Cũng chính từ đây phát sinh nhiều khiếu nại, phản ánh của NTD đến chất lượng hàng hóa cũng như chất lượng dịch vụ đến cơ quan chức năng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi NTD (Bộ Công Thương), hàng không, du lịch, tài chính, bảo hiểm là những lĩnh vực đã phát sinh nhiều hơn các tranh chấp, khiếu nại với NTD. Phần lớn yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của NTD có nội dung liên quan đến việc dịch vụ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng; doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết gây thiệt hại cho NTD.
Bên cạnh đó, các vi phạm trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện (điển hình như hành vi từ chối thực hiện bảo hành, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành, không cung cấp giấy bảo hành…); vi phạm trách nhiệm về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng (NTD) về hàng hóa, dịch vụ, chủ yếu là đồ điện tử, gia dụng hoặc hàng hóa tiêu dùng thường ngày khác cũng thường xuyên được NTD phản ánh, khiếu nại.
Ở lĩnh vực thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam như Sen đỏ, Shopee, Lazada... cũng khiến người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy bất an. Thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy, một số sàn thương mại điện tử khác nằm trong danh sách đen về hàng giả, hàng nhái.
Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã qua 10 năm thực hiện mặc dù đã góp 1 phần vào việc bảo vệ quyền lợi NTD, song những mặt trái của công tác này vẫn còn nhiều điều cần phải bàn đến và tiếp tục giải quyết một cách mạnh mẽ hơn, bởi nhiều hành vi xâm phạm mới xuất hiện ảnh hưởng đến NTD chưa được điều chỉnh kịp thời.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, quyền lợi NTD còn bị vi phạm khá phổ biến trên thị trường khi hoạt động của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn gặp khó khăn về nhiều mặt, chủ yếu liên quan đến chính sách và pháp luật của nhà nước. Bên cạnh đó, nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của NTD và doanh nghiệp còn hạn chế.
Do đó, theo ông Phú, trước mắt và lâu dài ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ ngành sản xuất và lưu thông hàng hóa cần phải có những đề xuất thiết thực, khoa học và hiệu quả để góp phần chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Chúng ta cần có quan điểm rõ ràng là phải quản lý, bảo vệ NTD từ đầu, ngay khi hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu chuẩn bị đưa ra thị trường, không chờ đến khi phát sinh phức tạp mới đi giải quyết thì đã muộn. Việc quản lý hàng hóa phải được quản lý theo chuỗi mang tính phổ biến, có địa chỉ của từng tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm trong quá trình vận động từ sản xuất tới tiêu dùng. Để khi xảy ra vụ việc có thể truy trách nhiệm một cách cụ thể, giải quyết đúng sai một cách rõ ràng phân minh”, ông Phú nhấn mạnh.
Hiện tượng sự việc vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cần thiết phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cùng các lực lượng quản lý dưới quyền tại địa phương như công an kinh tế, quản lý thị trường, y tế,... Bởi mọi hiện tượng sự việc vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở và cơ sở đều nắm được, điều quan trọng là có quyết tâm giải quyết đến nơi đến chốn hay không.
Đặc biệt, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và đạo đức công vụ của các lực lượng quản lý nhà nước trên địa bàn trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, đảm bảo lực lượng phải trong sạch vững mạnh, đảm bảo thu nhập tương đối đủ sống để họ không bỏ qua những vi phạm đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường tại các địa phương sở tại.
“Bảo vệ người tiêu dùng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một loại hàng hóa cụ thể nào đó như con cá, mớ rau mà còn phải nghĩ rộng hơn, sâu hơn về môi trường kinh doanh, môi trường sống ở các địa phương. Câu hỏi đặt ra là nếu đất, nước, không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép thì làm sao có rau sạch, rau an toàn để phục vụ nhân dân, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xã hội”, ông Phú nói.
Điều quan trọng nữa theo ông Phú là các Hiệp hội ngành hàng sản xuất, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ…cần phải có trách nhiệm phát hiện, đề xuất những giải pháp phù hợp trong công tác phục vụ NTD cả về mối quan hệ mua bán giao dịch , giá cả hàng hóa và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
“Cần các tổ chức tỏ rõ lập trường, thái độ đúng sai với những hành vi sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, mất bình đẳng, o ép nhau một cách vô lý trong quan hệ mua bán giao dịch trên thị trường. Bảo vệ và khuyến khích biểu dương những doanh nghiệp làm ăn chân chính, kiến nghị, phê bình, xử lý những tổ chức cá nhân vi phạm các nguyên tắc bình đẳng, công khai trong quan hệ mua bán và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xã hội”, ông Phú chỉ rõ./.
Từ khóa: hàng hóa tiêu dùng, hàng giả hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại, quyền lợi người tiêu dùng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN