Quy hoạch vùng tránh dàn trải “trăm hoa đua nở”
Cập nhật: 11/06/2020
VOV.VN - Vấn đề quy hoạch vùng kinh tế luôn là bài toán rất hóc búa nếu cứ xác định lĩnh vực nào cũng là mũi nhọn của từng vùng.
Phương án phân thành 7 vùng, trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011-2020 hiện nay (6 vùng) và tách Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.
Phương án này gồm 7 vùng: Miền núi phía Bắc (10 tỉnh); Đồng bằng và trung du Bắc Bộ (15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang); Bắc Trung Bộ (5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế); Nam Trung Bộ (8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận); Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh) và Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh).
Vấn đề quy hoạch vùng kinh tế luôn là bài toán rất hóc búa. (Ảnh minh họa) |
Chia tách hay sáp nhập đều cần thực sự ăn khớp
Theo nhận xét của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, Quy hoạch vùng kinh tế ở phương án với 7 vùng kinh tế có nhiều điểm hợp lý, khi có những lợi thế trong quá trình kết nối giao thông cũng như các điều kiện về khí hậu, tự nhiên và thổ nhưỡng. Việc kết nối giao thông trong điều kiện như hiện nay nó cũng đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, và vì thế, có tăng thêm hoặc mở rộng một số vùng sẽ rất phù hợp.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, trước đây do các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về kinh tế kỹ thuật chưa được thông thoáng, nên khi quy hoạch vùng với quy mô nhỏ hơn, cũng có khi có sự chia tách hay sáp nhập ở chỗ này hay chỗ kia… nói chung quy hoạch chỉ hợp lý ở thời điểm đó. Nhưng trong điều kiện hiện nay, có những địa phương phải tách ra khỏi một số vùng do những điều kiện về cơ sở hạ tầng.
“Nếu theo phương án phân thành 7 vùng thì có sự hợp lý hơn trong tách, ghép các địa phương trong vùng so với trước đây, từ đó các vùng có thể hỗ trợ lẫn nhau với những nét tương đồng của nhau, việc đấu nối tốt hơn giữa các khu vực trong vùng tốt hơn và có thể tạo ra cùng một xu hướng hoặc cùng dây chuyền hợp lý, từ đó tạo điều kiện phát triển KT-XH một cách tốt nhất”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc sắp xếp, quy hoạch các vùng kinh tế với việc chia tách hoặc sáp nhập các địa phương giữa các vùng mới cũ khi thực thi sẽ chưa thực sự ăn khớp với nhau. Trước đây, trong vùng một vùng cụ thế có cách quản lý cũng như mức độ phát triển khác nhau, dẫn đến cách kết nối, hoạt động giao thương có sự quản lý và quan hệ riêng. Nhưng nay nếu có sự chia tách, sáp nhập không phù hợp, ví dụ vùng KT-XH trước đây chỉ thuần phát triển nông nghiệp, nay chuyển sang vùng phát triển công nghiệp và dịch vụ rõ ràng sẽ có những vấn đề không ăn khớp với nhau từ quan hệ, thủ tục hành chính đến quan hệ giao thương…
“Chính vì thế, đối với những địa phương khi chia cắt, sáp nhập vào vùng kinh tế theo quy hoạch mới rất cần phải được nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh các quan hệ, để từ đó có sự điều chỉnh cho các hoạt động nhịp nhàng và ăn khớp. Vì đã cùng một vùng với nhau là phải tương tác hỗ trợ, đồng lòng cùng một mối liên hệ, như thế mới hình thành và tạo nên sức mạnh tổng thể đoàn kết, tương tác hỗ trợ tốt cho nhau. Nên việc mà chúng ta rà soát xem xét, điều chỉnh cái này là rất quan trọng để cho mặt bằng của các vùng kinh tế phát triển tốt hơn, sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp cho các vùng kinh tế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Ngoài ra, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, vấn đề quy hoạch vùng kinh tế luôn là bài toán rất hóc búa nếu cứ xác định lĩnh vực nào cũng là mũi nhọn của từng vùng; trong đó không xác định được một cách rõ ràng lĩnh vực nào là chính yếu, là thứ yếu. Tất nhiên vùng kinh tế không thể chỉ phát triển một lĩnh vực, một công việc nhưng điều quan trọng là cần phải lấy tiêu chí nào làm chuẩn, làm chính cũng như xếp thứ tự ưu tiên mới hợp lý.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, khi tính đến quy hoạch vùng là phải chỉ ra được trong vùng đó có những lĩnh vực gì cần phải ưu tiên và thứ tự ưu tiên của nó là gì? Trong quy hoạch vùng sẽ tính đến sự liên kết, nên đương nhiên trong một vùng sẽ có nhiều ngành nghề nhưng phải có một cái để ưu tiên làm đặc trưng vùng, làm cốt lõi của để các công việc khác xoay quanh mới phát triển được các vùng kinh tế.
“Nếu chúng ta lại cứ quy hoạch chung chung sẽ chẳng đâu vào đâu, nên cần phải làm rõ hơn về đặc trưng của vùng và vấn đề này cần phải được xác định ngay từ khi lập quy hoạch vùng. Đã quy hoạch vùng là phải biết và hướng đến vùng đó sản xuất chủ yếu là gì, kinh doanh gì, mối liên kết ra sao? Cái gì hỗ trợ cho cái gì, vùng nào hỗ trợ cho vùng nào?… Những điều này phải được làm rõ hơn trong quy hoạch vùng KT-XH”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Kinh tế vùng vẫn chưa mang tính chính danh
Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nhận định, vướng mắc hiện nay là văn kiện Đại hội Đảng ở các kỳ trước cũng nói đến việc phát triển vùng, nhưng cũng chỉ nêu định hướng lớn, còn cách thức tổ chức thực hiện thì lại không có Ban Chỉ đạo Vùng. Trong khi 6 – 7 vùng kinh tế - xã hội đó lại không có liên quan đến vùng đặc thù như vùng Thủ đô Hà Nội vùng TP HCM hoặc là 4 vùng kinh tế trọng điểm đều là không có trong hệ thống phân vùng quy hoạch.
GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái cũng thẳng thắnchỉ ra nhược điểm cơ bản của kinh tế vùng Việt Nam vẫn chưa được mang tính chính danh và không có trong Hiến pháp, cho nên các Quy định, Chỉ thị vẫn ở cấp thấp hơn Luật. Mặc dù có nói đến chính quyền vùng, nhưng vùng nó lại không nằm trong Luật Ngân sách và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như các hệ thống tổ chức chính trị, không có đại hội Đảng bộ các cấp ở vùng, các chỉ đạo… mà chỉ mang tính nối kết với nhau theo sự thỏa thuận.
Cần phải có một chiến lược bố trí mới và có sự phối hợp, làm như thế nào thì lại cần phải có sự chỉ đạo chung, nhưng rất tiếc là hiện nay cái chỉ đạo đó mới ở cấp tương đối theo diện nghị định, hoặc tồn tại ở các chỉ đạo, chỉ thị chứ không phải là một Luật đã được đưa vào trong các Luật ngân sách và Luật tổ chức chính quyền địa phương, cũng không được quy định trong Hiến pháp.
“Cho nên đây là một lĩnh vực cần phải phấn đấu. Trong quá trình chuẩn bị tới đây, phải hoàn thiện các thể chế với việc quản lý vùng, quản trị vùng hợp lý hơn. Điều này không phải của ngày hôm nay mà phải tiếp tục chuẩn bị thêm trên hành trình phát triển vùng cũng mang tính chất tham khảo, tham vấn mà chưa có tổ chức thực hiện”, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái nêu quan điểm.
Dẫn kinh nghiệm của các nước, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái cho rằng, khi lập quy hoạch vùng sẽ phải lập đồng thời chứ không thể có chuyện vùng này lập sớm, vùng kia lập muộn như thế sẽ tạo ra việc tỉnh này có quy hoạch, tỉnh kia lại không có; vùng này có quy hoạch còn vùng khác thì chưa, sẽ tạo ra sự thiếu đồng bộ. “Vì thế, trong quá trình phát triển và điều chỉnh này cũng phải là một bước để nước ta chuyển đổi, nhất là trong 5 - 10 tới đây, Việt Nam cần phải tiến lên một bước vững chắc hơn, thích nghi trước những rủi ro lớn và phù hợp với tình hình mới là cả một quá trình phấn đấu và và điều chỉnh rất lớn”, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái chỉ rõ./.
Từ khóa: Quy hoạch vùng, vùng kinh tế, chia tách vùng, sáp nhập tỉnh vào vùng, phương án phân vùng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN