Quốc tế nỗ lực thực hiện các hoạt động ngoại giao nhằm hạ nhiệt Trung Đông
Cập nhật: 21/08/2024
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với áp lực từ chức (28/11/2024)
Ba Lan và các nước Bắc Âu-Baltic cam kết tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine (28/11/2924)
VOV.VN - Với những hi vọng mong manh, cộng đồng quốc tế tiếp tục chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột toàn diện tại Trung Đông.
Hôm 7/8, Iran phát đi cảnh báo không phận, một dấu hiệu cho thấy quan điểm kiên quyết của nước này về việc sẽ tấn công trả đũa vào Israel. Cùng với đó, các lực lượng khác như Hezbollah, Houthi cũng tuyên bố sẽ có các cuộc tấn công riêng rẽ nhằm vào Israel và đồng minh cho thấy khu vực Trung Đông đang cận kề “một cuộc chiến tranh”. Với những hi vọng mong manh, cộng đồng quốc tế tiếp tục chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột toàn diện.
Iran hôm qua đã gửi thông báo cho các hãng hàng không tránh không phận nước này. Ngay sau đó Bộ Hàng không Dân dụng Ai Cập thông báo tất cả các hãng hàng không nước này đã được chỉ thị không được vào không phận Iran vào sáng 8/8. Trước đó, nhiều hãng hàng không đang điều chỉnh lịch trình để tránh không phận Iran và Lebanon cũng như hủy các chuyến bay đến Israen do lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể xảy ra.
Truyền thông khu vực cũng dẫn các nguồn tình báo Mỹ nhận định, các cuộc tấn công của Iran có thể diễn ra sau cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo bất thường ngày hôm qua tại Saudi Arabia. Bên cạnh đó, nguồn tin Mỹ cũng đánh giá lực lượng Hezbollah ở Lebanon đang lập kế hoạch nhanh hơn Iran và tìm cách tấn công Israen trong những ngày tới.
Trước những áp lực xung đột đang phủ bóng khắp Trung Đông, các hoạt động ngoại giao con thoi vẫn diễn ra dồn dập. Tối qua (theo giờ Việt Nam) Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã tổ chức phiên họp bất thường tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia theo yêu cầu của Iran, để thảo luận về vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh trong đó nhấn mạnh tới nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Gambia Mamadou Tangara cảnh báo: "Chúng ta đang đứng trước một thời điểm quan trọng trong lịch sử các quốc gia Hồi giáo. Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đe dọa phá vỡ nhiều thập kỷ nỗ lực ngoại giao và đẩy khu vực vào cuộc xung đột sâu sắc hơn. Các sự kiện gần đây ở Gaza và vụ ám sát nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, tại Teheran hôm 31/ 7 vừa qua, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột đang diễn ra, vốn đã đè nặng lên trái tim của mọi cá nhân yêu chuộng hòa bình trên thế giới".
Các thành viên của Tổ chức hợp tác Hồi giáo cũng lên án hành động tấn công của Israel nhằm vào nhà lãnh đạo Hamas là hành vi vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quan điểm của Tổ chức hợp tác Hồi giáo trong việc có ủng hộ các cuộc tấn công của Iran và các lực lượng ủy nhiệm ở khu vực nhằm vào Israel hay không.
Từ đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đã có một loạt cuộc gọi với các đối tác trên khắp Trung Đông nhằm tìm kiếm giải pháp ngăn xung đột. Mỹ đồng thời cũng liên tục gửi thông điệp đến Iran qua các kênh ngoại giao, can ngăn Iran tấn công trả đũa nhằm vào Israen.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm qua cũng bày tỏ hi vọng cuộc họp của Tổ chức hợp tác Hồi giáo sẽ có những bước đi cần thiết để giảm căng thẳng:
"Chúng tôi hy vọng rằng Tổ chức Hợp tác Hồi giáo sẽ có các bước đi cần thiết để hạ nhiệt tình hình, điều mà chúng tôi đã cố gắng thực hiện trong suốt tuần qua. Tất cả các bên có mối quan hệ với Iran đều thuyết phục Iran , giống như cách chúng tôi đã thuyết phục chính phủ Israel, rằng họ không nên thực hiện bất kỳ bước nào để leo thang xung đột. Chúng tôi đã nghe tín hiệu chia sẻ quan điểm rằng, leo thang sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt".
Mặc dù ủng hộ cuộc chiến của Israen chống lại Hamas, song Tổng thống Mỹ Biden cũng bày tỏ rõ sự thất vọng với Thủ tướng Israel Netanyahu về vụ sát hại nhà lãnh đạo Hamas Haniyeh, người tham gia vào cuộc đàm phán ngừng bắn. Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Biden hy vọng chấm dứt xung đột ở Gaza và đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Israel - Saudia Arabia mà Mỹ làm trung gian từ 2023.
Từ khóa: Trung Đông, Trung Đông, hoạt động ngoại giao, xung đột Israel Hamas
Thể loại: Thế giới
Tác giả: châu anh/ vov1
Nguồn tin: VOVVN