Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023
Cập nhật: 27/09/2022
Xe tăng Abrams của Ukraine bốc cháy sau đòn tập kích UAV ở Kursk
Vì sao xe tăng Leopard của Ukraine vẫn sống sót dù bị UAV Nga bắn phá ác liệt?
VOV.VN - Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan.
Sáng 27/9 tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó phải coi việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.
Cùng với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng độ để đổi mới, tăng cường thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng, theo phương châm từ sớm, từ xa, huy động được tối đa trí tuệ của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát cũng như cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.
Hội nghị hôm nay là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các nội dung giám sát trong năm 2023, góp phần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong triển khai thực hiện. Các ý kiến thảo luận, đánh giá tình hình triển khai và những kết quả nổi bật cũng như phân tích, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, những kinh nghiệm quý, bài học hay trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát năm 2023.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội, do đó các cơ quan hữu quan cần quan tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát.
Đề cập hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp.
Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký Quốc hội để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Về hoạt động chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan để chuẩn bị thật tốt hoạt động chất vấn trong thời gian tới.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ngành, cơ quan mình phụ trách trước Quốc hội, trước nhân dân; cung cấp đầy đủ thông tin, đối thoại, thảo luận với các đại biểu để cùng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo lợi ích của nhân dân...
Năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại kỳ họp thứ 5; và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tại kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp tháng 8/2023; và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp tháng 9/2023.
Cũng theo ông Bùi Văn Cường, việc lựa chọn địa bàn giám sát cần lưu ý nghiên cứu lựa chọn những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt để có cơ sở đánh giá đầy đủ các mặt của lĩnh vực. Đồng thời, cần tận dụng tối đa những kết quả giám sát đã thực hiện trước đây, kết quả của thanh tra, kiểm toán cũng như kết quả giám sát của HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin làm cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác.
Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động xem xét báo cáo với những đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể.
“Xác định tiêu chí các báo cáo trình Quốc hội phải thẩm tra, đánh giá, có nghị quyết, kết luận cụ thể để các cơ quan triển khai thực hiện. Tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo” – ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chú trọng đến việc thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.../.
Từ khóa: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, QUốc hội giám sát năm 2023, giám sát tối cao của Quốc hội, chương trình giám sát năm 2023
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN