Quốc hội đồng ý khởi động lại dự án BT đổi đất lấy hạ tầng
Cập nhật: 3 ngày trước
Thái Lan sẽ soán ngôi Singapore trở thành trung tâm đầu tư toàn cầu vào năm 2025
Nhận định chứng khoán 17/12: Thị trường có thể sẽ giằng co gần mức 1.262 điểm
VOV.VN - Với 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,69% tổng số đại biểu), chiều nay 29/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Đầu tư đã được chỉnh lý theo hướng giản lược các nội dung chi tiết về hồ sơ, thủ tục, chỉ giữ lại các nguyên tắc và nội dung đặc thù cần thiết.
Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP, Chính phủ tái khởi động lại các dự án theo cơ chế hợp đồng BT.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay hợp đồng BT đã được thí điểm với quy định khác nhau về lĩnh vực, quy mô dự án và phương thức thanh toán, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng. Do đó, chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT tại dự thảo Luật.
Để tạo cơ sở pháp lý triển khai cơ chế hợp đồng BT, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức.
Cụ thể, nhà đầu tư BT được thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên.
Bên cạnh đó, tiếp tục quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành; quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chi phí bồi thường và cho phép các bên thỏa thuận, thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán chi phí này.
Cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tối đa 70% cho dự án đủ điều kiện.
Luật cũng bổ sung quy định cho phép dự án độc lập hoặc dự án thành phần PPP tách riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư sử dụng vốn đầu tư công, áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tối đa 70% tổng mức đầu tư nếu đáp ứng điều kiện về địa bàn hoặc chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, Luật chỉnh lý nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án. Đồng thời, không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công.
Luật cũng bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu khai quật khảo cổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới. Luật cũng sửa đổi quy định bảo đảm cạnh tranh giữa nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn trong cùng gói thầu đối với các gói thầu thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ, công ty con.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025, riêng việc thực hiện dự án BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Từ khóa: Quốc hội, đất lấy hạ tầng, dự án BT, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: cẩm tú/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN