Quay lén hình ảnh nhạy cảm liệu có phải là xâm hại tình dục?
Cập nhật: 15/07/2024
VOV.VN - Sau sự việc một người mẫu ảnh bị quay lén, dư luận tiếp tục xôn xao với các trường hợp nữ sinh phát hiện camera giấu kín trong nhà trọ.
Quy định pháp luật còn thiếu, chế tài xử lý không đủ sức răn đe, trong khi mạng xã hội có vô số hội nhóm chia sẻ hình ảnh quay lén và đã từng có người tự tử vì lộ video nhạy cảm. Có nên coi hành vi quay lén là xâm hại tình dục bằng phương tiện kỹ thuật số? Cách nào bảo vệ cộng đồng?
Sau liên tiếp vụ việc camera quay lén bị phát hiện, chị Nguyễn Thị Quỳnh Diệu, ở Cầu Giấy, Hà Nội đã kiểm tra kỹ nhà trọ đang sinh sống và may mắn không phát hiện những thiết bị như vậy. Tuy nhiên, chị Diệu vẫn rất lo lắng bởi camera có thể được lắp trộm ở nhà vệ sinh, phòng thay đồ và những nơi công cộng khác: "Đây chỉ là mức độ nhà trọ, nơi mình sống thôi, chứ còn những nơi công cộng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà mình khó có thể để ý được hết. Cái mình cũng rất lo là ở trên mạng, những video của camera giấu kín nếu phát tán thì rất nhiều người xin link mà không hề quan tâm những ảnh hưởng, tác động của người bị hại".
Nạn nhân của hành vi quay lén, bị đăng tải hình ảnh riêng tư lên mạng phải chịu nhiều tổn hại về tinh thần, thể chất, thậm chí là tính mạng. Như trường hợp người mẫu Châu Bùi bị quay lén mới đây, 2 ngày sau sự cố, cô vẫn hoang mang và không dám tưởng tượng viễn cảnh tồi tệ nếu hình ảnh nhạy cảm của bản thân bị phát tán.
Trong khi đó, chế tài xử lý người thực hiện hành vi quay lén chưa đủ sức răn đe. Tháng 6 vừa qua, chủ một nhà trọ tại Hà Đông, Hà Nội bị phạt 12,5 triệu đồng vì lắp đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh. Đa số người dân đều cảm thấy bất bình và bất an:
"Đương nhiên là sợ rồi, vì hình ảnh của con gái, mà mình chưa có gia đình, lại bị lộ ra. Em nghĩ là phải siết chặt quản lý các mô hình nhà trọ, nhà nghỉ, nhà cho thuê".
"Em nghĩ là cần xử lý nặng hơn, có thể là xử lý hình sự, chứ chỉ phạt hành chính thì nhẹ, không thuyết phục được mọi người, thực sự là rất thiệt thòi cho phụ nữ".
"Đó là quấy rối tình dục rồi, phải trả giá bằng những năm tù chứ không thể nào xử phạt hành chính như thế được. Nên có một cơ quan nào đó đứng ra quản lý hoặc cấm hoàn toàn những camera mang hình hài một thiết bị khác như đồng hồ hay điều khiển gì đấy".
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng, chưa có khái niệm về hành vi quay lén. Người vi phạm chỉ bị xử lý theo các quy định khác về việc phát tán trái phép hình ảnh cá nhân, bí mật thông tin đời tư của người khác.
Tùy tính chất, mức độ và hậu quả, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, đặc biệt là hành vi cắt ghép hình ảnh, vu khống, làm nhục người khác. Đồng thời, phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho nạn nhân bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần và những thiệt hại khác.
"Pháp luật luôn có độ trễ nhất định so với cuộc sống, đặc biệt thời buổi bùng nổ công nghệ số, pháp luật hiện có “khoảng trống”. Trong thời gian tới, khi chúng ta xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta cần bổ sung hành vi đặt camera trong nhà vệ sinh, nhà tắm hay những nơi có thể quay được hình ảnh nhạy cảm, có những chế tài, nâng cao việc xử phạt nghiêm minh những trường hợp này".
TS. BS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) cũng đồng tình với việc cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng nặng chế tài xử phạt, thậm chí phạt tù và các chế định khác để hạn chế hành vi quay lén trong tương lai.
Đặc biệt trong bối cảnh kỹ thuật ngày càng hiện đại, camera giấu kín ngày càng rẻ, dễ sở hữu, còn các cơ quan hữu quan đang đối phó với vấn đề một cách thụ động, gần như chưa có các biện pháp dự phòng, chỉ xử phạt hành chính, còn những tổn thất của nạn nhân về tinh thần không được đề cập.
Đó là còn chưa kể đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), hậu quả sẽ nặng nề hơn rất nhiều khi AI có thể “chế biến” video chỉ từ một hình ảnh:
"Trong quy định của Luật Hình sự về tội hiếp dâm có nói đến hành vi quan hệ tình dục bao gồm các hành vi khác. “Nhìn” cũng là một trong những hành vi tình dục, “nhìn” để có khoái cảm là “thị dâm”, ngay bây giờ trong xử lý cũng đã phải coi đó là xâm hại tình dục rồi.
Thứ nhất là vấn đề giáo dục, thông tin để mọi người biết mình có quyền được bảo vệ. Thứ hai là có những hệ thống dịch vụ hỗ trợ. Bởi vì ở các trường hợp xâm hại tình dục khác, đưa một ca ra xử lý không hề dễ dàng. Cho nên, bản thân đội ngũ phải được đào tạo, nâng cao năng lực để bảo vệ pháp lý cho những nạn nhân, và phải được kết nối với những dịch vụ khác, đánh giá tổn thương về mặt tâm lý".
Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia an ninh mạng, nhà sáng lập CyRadar cho rằng, một trong những giải pháp có thể tính đến để xử lý tận gốc vấn đề là siết chặt quản lý nguồn cung cấp thiết bị, phương tiện thực hiện hành vi.
Camera có kích thước nhỏ, giấu kín, ngụy trang trong các vật dụng khác như ổ điện, công tắc đèn, gương, hộp khăn giấy, đồng hồ đeo tay,… đang được rao bán công khai rất dễ bị lợi dụng cho các mục đích xấu, trở thành thách thức trong việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Bên cạnh giải pháp từ cơ quan hữu quan thì mỗi người dân cũng cần tự ý thức về việc bảo vệ bản thân ở những nơi công cộng:
"Chúng ta nên kiểm tra trước bằng mắt thường những vị trí nhạy cảm để xem có thiết bị lạ được gắn vào hay không. Tắt đèn tối trong phòng và quan sát vì camera quay lén thường kèm theo tia hồng ngoại màu đỏ. Chúng ta cũng có thể sử dụng chức năng quay video trên điện thoại thông minh, soi vào vị trí nghi ngờ, và nếu thấy những ánh đèn tia đỏ thì đấy có thể là những thiết bị lạ.
Bên cạnh đó, những camera này cũng được tích hợp wifi, đẩy trộm dữ liệu về thiết bị điều khiển thông minh. Chúng ta có thể tìm kiếm tên wifi lạ, những mã ký hiệu thì đó cũng có thể là dấu hiệu của camera quay lén".
Năm 2018, một nữ sinh ở Nghệ An đã tự tử vì bị đăng video nhạy cảm và nhận những bình luận ác ý trên mạng xã hội. Năm 2023, một nữ sinh ở Bình Dương treo cổ tự vẫn vì bị dọa tung video lên mạng.
Những hậu quả đau lòng từ rất nhiều vụ việc cho thấy tính chất nghiêm trọng của việc lộ hình ảnh riêng tư và sự cấp bách của những giải pháp ngăn chặn, mà trong đó, quay lén là khởi nguồn của hành trình phát tán video.
Quay lén, hack camera an ninh, máy tính, điện thoại, đăng tải, lan truyền hình ảnh, video nhạy cảm, riêng tư trái phép lên mạng Internet là những hành vi phạm tội với đặc điểm chung của quấy rối tình dục, thỏa mãn khoái cảm cá nhân, câu view, thu lợi bất chính.
Những vụ việc liên tiếp bị phát hiện trong thời gian gần đây khiến cộng đồng bức xúc và lo lắng, nhưng nhìn nhận sâu xa hơn, nó cho thấy cách tiếp cận với tình trạng quấy rối tình dục chưa có nhiều chuyển biến.
Với người dân, không ít nạn nhân vẫn còn im lặng, không dám tố giác vì những nỗi sợ khác nhau. Với cư dân mạng, nhiều người vẫn thản nhiên để lại bình luận giễu cợt, coi chuyện chỉ như đùa mà không biết hành vi của mình là quấy rối tình dục.
Thậm chí, nhiều người còn “xin link”, muốn xem và phát tán video nhạy cảm, tiếp tay cho hành vi phạm tội mà không quan tâm những tổn thương nạn nhân có thể gánh chịu.
Trên không gian ảo, vô số hội nhóm Facebook, Zalo, Telegram,… chuyên chia sẻ hình ảnh, video quay lén. Ngoài đời thực, việc mua camera giấu kín, ngụy trang thành cúc áo, đồng hồ,… dễ như đi chợ, giá rẻ giật mình chỉ từ vài trăm nghìn đến tiền triệu.
Còn với cơ quan quản lý, trước hết là sự chậm trệ trong việc hoàn thiện khung pháp lý. Dù xã hội số phát triển rất nhanh nhưng sau nhiều năm vẫn chưa có quy định rõ ràng về hành vi quay lén, phải sử dụng những thuật ngữ, chế tài khác để xử lý người có hành vi vi phạm.
Sự chậm trễ này có thể khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về góc nhìn của những người làm luật, phải chăng chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của hành vi và sự an toàn của người dân, đặc biệt là nữ giới.
Chính vì vậy, để ngăn chặn quay lén, bảo vệ cộng đồng khỏi những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần thì cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong đó, hành vi lắp đặt camera giấu kín trong phòng riêng, phòng vệ sinh,… có đủ đặc điểm của hành vi quấy rối tình dục, cần tăng nặng chế tài và xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ một số quốc gia, như tại Mỹ, việc sử dụng thiết bị ghi hình để quay lén người khác trong tình trạng riêng tư có thể bị phạt tù lên đến 1 năm và phạt tiền, có thể lên đến 25.000 USD để được tại ngoại.
Thêm vào đó, những trường hợp vi phạm sẽ bị cấm làm các nghề tương tự để phòng nguy cơ tái phạm trong tương lai, điển hình là việc cấm cho thuê nhà vĩnh viễn nếu chủ nhà bị phát hiện đặt camera quay lén. Tương tự, tại Singapore, người phạm tội quay lén, quấy rối cũng có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù 1 năm.
Bên cạnh việc xây dựng chế tài thì các giải pháp quản lý cũng cần được tập trung. Bởi lẽ, dù người dân cần có kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhưng không thể nào đề phòng mọi lúc mọi nơi. Trong một xã hội mà đi đâu, làm gì cũng phải đề phòng kẻ gian, đó là một xã hội không an toàn. Vì thế, cần tạo lập môi trường an toàn, từ quy định pháp luật cho đến thực thi pháp luật, để nắn chỉnh mọi ứng xử của xã hội.
Cần bổ sung quy định và quản lý chặt chẽ việc mua bán các loại camera giấu kín: những đối tượng nào được phép kinh doanh, sử dụng? Điều kiện để mua bán ra sao? Chỉ được sử dụng với mục đích gì?… Quy định càng cụ thể thì các lực lượng chức năng càng dễ kiểm tra, giám sát và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng các thiết bị này bị lợi dụng cho mục đích xấu.
Các lực lượng thực thi công vụ cũng cần vào cuộc có trách nhiệm để xử lý những phản ánh của người dân, đặc biệt là những vụ việc nổi cộm. Như trường hợp hack camera giám sát, tung video nhạy cảm của một nữ ca sỹ nổi tiếng năm 2019, dẫu vẫn biết việc truy bắt tội phạm trên không gian mạng là rất khó khăn, nhưng việc chưa thể tìm ra và xử lý khiến cho các đối tượng khác coi thường pháp luật và không run sợ khi thực hiện ý đồ, hành vi phạm tội của mình.
Một giải pháp khác cũng cần được chú trọng là tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh thông tin trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, cần giáo dục một cách bài bản cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cách bảo vệ bản thân khỏi camera quay lén, cách ứng xử trên môi trường mạng, không đổ lỗi cho nạn nhân, nhận diện hành vi phạm tội và bản án phải đối diện,… là những kỹ năng không thể thiếu trong nội dung giáo dục giới tính mà nhà trường cần trang bị cho học sinh, sinh viên.
Đội ngũ hỗ trợ cũng cần được các địa phương xây dựng chuyên nghiệp để kịp thời tiếp cận nạn nhân, đánh giá chính xác những ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần, từ đó có biện pháp hiệu quả nhất, tránh những sự việc đáng tiếc như đã từng xảy ra.
Cuối cùng là sự lên tiếng của cả cộng đồng. Lên tiếng ở đây không chỉ là tố giác hành vi phạm tội, mà còn là lên án những bình luận ác ý, vô cảm. Bởi video và bình luận luôn song hành trong các vụ lộ lọt hình ảnh riêng tư, thậm chí, bình luận khiếm nhã còn có mức sát thương ghê gớm hơn cả những hình ảnh bị lộ.
Trước những bình luận giễu cợt, “xin link”, coi những tổn thương của người khác chỉ như trò đùa, cha mẹ, gia đình cần dạy bảo con em, bạn bè nhắc nhở lẫn nhau, công ty, nhà trường nhắc nhở nhân viên, học sinh của mình, thậm chí kỷ luật nếu cần,…
Chế tài đủ sức răn đe và nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục là rào chắn hiệu quả nhất trước mối nguy camera quay lén đang lẩn khuất trong cộng đồng.
Từ khóa: quay lén, quay lén hình ảnh nhạy cảm, vi phạm pháp luật, người mẫu ảnh bị quay lén, camera giấu kín trong nhà trọ
Thể loại: Xã hội
Tác giả: minh hiếu/vov-giao thông
Nguồn tin: VOVVN