Quảng Ninh: Giải pháp hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch bệnh
Cập nhật: 09/04/2020
VOV.VN - Tỉnh Quảng Ninh hướng ưu tiên tới các hộ nghèo mất việc, không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để hỗ trợ
Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các đối tượng yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo được nhận gạo hỗ trợ cứu đói, vượt qua dịch bệnh. |
Gia đình bà Phạm Thị Hoa là hộ nghèo tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long. Bản thân tuổi cao, đau ốm, thu nhập bếp bênh, lại phụng dưỡng mẹ già gần 100 tuổi, bà Hoa càng khó khăn hơn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nghe tổ dân khu phố thông báo gia đình sẽ nhận được hỗ trợ từ chính sách mới của tỉnh Quảng Ninh, bà Hoa vui mừng nói: "Nhận được thông tin tỉnh Quảng Ninh có chính sách hỗ trợ cho gia đình, đang lúc dịch bệnh như thế này, được nhận giúp đỡ, gia đình rất phấn khởi".
Vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết 245 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo bị mất việc; viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trong tối đa 3 tháng, từ tháng 4/2020.
Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ, Quảng Ninh là địa phương thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh chính thức có cơ chế dành cho đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Tính đến ngày 27/3, tỉnh có 819 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp, hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đảm bảo việc hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh.
Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội, TP Hạ Long cho biết: "Việc triển khai rà soát đã được chúng tôi thực hiện từ tháng 2, chi tiết và kỹ lưỡng đến từng tổ dân. Khi có NQ 245 của HĐND tỉnh, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, khi có hướng dẫn triển khai sẽ hỗ trợ ngay, kịp thời cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng bởi dịch bệnh".
Bên cạnh các đối tượng được hưởng trợ cấp bằng tiền, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh và nhiều đơn vị cũng phối hợp hỗ trợ cấp phát gạo, cứu đói cho các hộ dân khó khăn, đối tượng chính sách. Như tại TP Hạ Long, trong ngày 8/4, đã có 1,5 tấn gạo được trao tận tay người dân. Bà Vũ Thị Lìu, hộ cận nghèo được hỗ trợ gạo xúc động: "Gia đình được hỗ trợ 20kg gạo, rất phấn khởi vì không còn lo đói trong thời gian khó khăn này. Sắp tới có được sự hỗ trợ của tỉnh và Chính phủ, gia đình chúng tôi rất mong chờ".
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 27/3, tổng số người lao động mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh trên địa bàn là hơn hơn 7.100 người. Trong đó riêng ngành du lịch, dịch vụ chiếm 75% với hơn 5.300 người, giáo dục ngoài công lập 554 người. Đồng hành cùng với các cấp chính quyền giải quyết khó khăn, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã xoay sở tìm giải pháp, tiến hành chi trả một phần lương hiện có hoặc sắp xếp công việc luân phiên, giúp người lao động vẫn có thu nhập. Một số cơ sở lưu trú trên địa bàn lại tìm cách khác để duy trì hoạt động, như đăng ký trở thành điểm cách ly tập trung do người cách ly tự nguyện trả phí.
Một số khách sạn đăng ký trở thành điểm cách ly tập trung thu phí, sử dụng nguồn thu để chi trả cho người lao động |
Ông Ngô Đăng Toại, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Công đoàn Hạ Long cho biết, việc này không chỉ đóng góp giảm áp lực cho các điểm cách ly của Nhà nước mà còn là một giải pháp để đơn vị có nguồn thu, chi trả cho người lao động.
"Chúng tôi tập trung cán bộ công nhân viên tham gia đón khách, phục vụ cho công tác phòng chống dịch, đồng thời cũng là có một phần doanh thu để cải thiện tiền lương và thu nhập khác cho người lao động. Làm việc ở thời điểm khó khăn, môi trường khắc nghiệt thế này thì chúng tôi sẽ tính toán để nhân viên được hưởng mức thu nhập cao hơn", ông Toại cho biết thêm.
Để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19 cũng như công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cho người lao động, Quảng Ninh dự tính dành khoảng 1.000 tỷ đồng. Kinh phí này sẽ trích từ chi ngân sách dự phòng các cấp, từ giảm kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, giảm chi mua sắm tài sản, hội nghị, hội thảo... của tỉnh.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Hiện nay chúng tôi hướng tới đầu tiên là các hộ nghèo mất việc, không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tập trung ưu tiên. Quảng Ninh sẽ tiếp tục rà soát thêm các đối tượng khác để trong thời gian tới có thể có những chính sách tiếp theo".
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đang bàn giải pháp bổ sung nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp, người dân tái sản xuất, ổn định kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng từ dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Cùng với gói hỗ trợ hơn 62 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua, những người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh sẽ có thêm sự san sẻ, chung sức đồng lòng vượt qua thời điểm khó khăn này./.
Từ khóa: hỗ trợ, người nghèo, dịch bệnh Covid-19, quảng ninh
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN